(Xây dựng) - Ngày 25/12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cùng các Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Các đại biểu tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Trưởng Bộ tài Nguyên môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các cơ quan liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như: hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân.
Bộ đã trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5/8 Nghị định, phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả các quy hoạch Thủ tướng Chính phủ ban hành đều được Bộ Giao thông Vận tải công bố và triển khai kịp thời; riêng quy hoạch hàng không đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành theo thẩm quyền 35 Thông tư, 4 Đề án.
Công tác quản lý hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổ công tác đặc biệt bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, tháo gỡ ngay vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải lưu thông an toàn, thông suốt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải tại các địa phương; đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi ngay các quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải tại điểm cầu Hà Nội. |
Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch, lãnh đạo Bộ đã tổ chức họp định kỳ hàng ngày, hàng tuần với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận tải; tổ chức nhiều buổi đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải trong cả nước để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2021 là năm Bộ Giao thông Vận tải triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn. |
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia. Đến hết tháng 1/2022, dự kiến kết quả giải ngân đạt trên 95% đáp ứng kế hoạch của Chính phủ và là một trong những Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án được tập trung chỉ đạo xuyên suốt với phương châm tiến độ đảm bảo nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Công tác quyết toán dự án hoàn thành được quan tâm, chỉ đạo sát sao. Bộ Giao thông Vận tải ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác quyết toán, đến nay các cơ quan đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 45 dự án với tổng giá trị 16.043 tỷ đồng.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai đang ảnh hưởng ngày càng bất lợi cho các hoạt động kinh tế, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, sáng tạo, quyết liệt trong hành động để thực hiện thắng lợi, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành.
Năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới. Các đơn vị liên quan cần hoàn thành nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt thủ tục liên quan đến dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A đòi hỏi thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dài theo quy định của pháp luật. Các chủ đầu tư cần triển khai sớm trước một số công việc ở các bước chuẩn bị, không chờ lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới bắt tay vào làm việc. Đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng, một trong những yếu tố then chốt quyết định tiến độ dự án, cần phối hợp với cơ quan chức năng địa phương sớm giải quyết các điểm nóng về giải phóng mặt bằng tổ chức cắm cọc bàn giao. |
Mỹ Phượng
Theo