Phát triển TP Biên Hòa theo xu hướng trở thành thành phố sinh thái - kinh tế, mang tính hỗn hợp đa chức năng, tích hợp, kết hợp điều chỉnh phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng phù hợp với vai trò, tính chất chức năng của TP Biên Hòa trong giai đoạn trước mắt cũng như phát triển dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai; quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM và vùng tỉnh Đồng Nai… là nội dung trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Bộ Xây dựng tổ chức họp góp ý dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh.
Xác định dự án chiến lược gắn với động lực phát triển thành phố
Theo báo cáo của Phân viện quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam (đơn vị tư vấn), TP Biên Hòa có diện tích tự nhiên trên 263,5km2 gồm 23 phường và 7 xã, có quy mô dân số trên 865 nghìn người (năm 2011), theo số liệu chính thức thì dân số hiện khoảng 900 – 1 triệu dân.
Dự báo đến năm 2020 dân số đạt khoảng 1,1 triệu người với tỷ lệ đô thị hóa 90%, đến năm 2030 đạt khoảng 1,3 - 1,4 triệu người và đô thị hóa 100%. Với tính chất là đô thị loại I, Biên Hòa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Đồng Nai; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế của TP.HCM và cả tỉnh Đồng Nai…
Mục tiêu phát triển đặt ra cho Biên Hòa là thành phố hiện đại, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường, cảnh quan sinh thái, là đô thị biến đổi khí hậu và gắn kết với chiến lược phát triển vùng của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.
Hình thành vùng đô thị Biên Hòa gồm TP Biên Hòa là đô thị trung tâm, TP Nhơn Trạch là đô thị công nghiệp, Long Thành là đô thị dịch vụ thương mại khoa học, đô thị sân bay, Trảng Bom là đô thị đầu mối kho vận.
Biên Hòa phát triển không gian theo cấu trúc chuỗi đô thị trung tâm dọc theo trục sông Đồng Nai và trục QL51 kết nối với đường Đồng Khởi cùng các hướng phát triển không gian chính xuống phía Nam
Theo đó, Biên Hòa được nghiên cứu dựa trên xu hướng đô thị ECO2 (đô thị sinh thái – kinh tế), bản sắc đô thị, tăng năng lực cạnh tranh của đô thị với mô hình thành phố sống tốt, đô thị đa chức năng gắn kết với không gian công cộng trung tâm cũng như vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Đồng Nai…
Bên cạnh đó, xác định các dự án chiến lược gắn với động lực phát triển của thành phố: Hình thành trung tâm tài chính thương mại cấp vùng khi chuyển đổi chức năng tại KCN Biên Hòa 1. Tầm nhìn đến năm 2050 một phần KCN Biên Hòa 2 sẽ được chuyển đổi chức năng và mở rộng cho trung tâm tài chính thương mại cấp vùng tại Biên Hòa.
Khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa sẽ được quy hoạch làm trung tâm hành chính chính trị văn hóa của tỉnh Đồng Nai. Xây dựng trục kết nối mới từ trung tâm hành chính Biên Hòa tại P.Thống Nhất qua trung tâm văn hóa cấp vùng tại Cù lao Hiệp Hòa đến trung tâm tài chính thương mại cấp vùng tại khu chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và kết nối với trục đường mới (song song với QL51) từ khu phát triển hỗn hợp cạnh nhà ga đường sắt Biên Hòa mới tại xã Hóa An đến trung tâm hành chính mới của Đồng Nai tại xã Tam Phước.
Cù lao Hiệp Hòa được bảo tồn với vai trò “lá phổi xanh” của TP, đồng thời phát huy giá trị văn hóa lịch sử cảnh quan thông qua việc hình thành một trung tâm văn hóa cấp vùng (20ha) và tạo hình ảnh mới của “cù lao phố” mang tính biểu tượng của Biên Hòa.
Cần thể hiện rõ tiêu chí thành phố sinh thái – kinh tế
Góp ý cho đồ án, PGS Đỗ Tú Lan đánh giá, Đồ án nêu được nhiều điểm mới, tuy nhiên chưa làm bật được tính tương hỗ hút và đẩy. Về dự báo dân số, yêu cầu đồ án cần trình bày có biểu đồ dự báo dân số ít nhất khoảng 10 năm.
Khi phân tích điểm mạnh, điểm yếu của vùng thì chưa đề cập đến vấn đề môi trường, chất thải công nghiệp thiếu kiểm soát khu vực nào, mức độ, giải pháp xử lý, liên quan đến dòng chảy sông Đồng Nai như thế nào…
Về thiết kế đô thị, khung thiết kế mang tính chất chung chung, chưa làm rõ điểm nhấn vị trí không gian, khu vực định phát triển mới…
Bên cạnh đó, đại diện Cục HT-KT (Bộ Xây dựng) cũng lưu ý đơn vị tư vấn cần làm rõ và đưa vào đồ án những vấn đề liên quan đến hạ tầng như ùn tắc giao thông, tình hình thoát nước và xử lý nước thải công nghiệp tại các KCN, vấn đề về rác thải, cấp nước; tỷ lệ đất dành cho giao thông, bến bãi đỗ xe giao thông tĩnh; tỷ lệ đất ít phát triển thuận lợi, đất dành cho đô thị ít; tình hình ô nhiễm nguồn nước ở Đồng Nai; hiện trạng chiếu sáng, thông tin; chọn loại hình giao thông công cộng; quy hoạch đất nghĩa trang. Đặc biệt, tư vấn cần quan tâm và tính toán lại cao độ nền cho toàn thành phố…
Qua ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, cân nhắc các giải pháp, đề xuất định hướng để tỉnh Đồng Nai có những cân nhắc phù hợp. Thống nhất mô hình phát triển của tỉnh là hướng tới TP Biên Hòa là thành phố sinh thái – kinh tế…
Tuy nhiên, luận cứ đưa ra trong đồ án chưa thỏa đáng, thông qua góp ý của các bộ, ngành, đơn vị tư vấn cần phải bổ sung tiêu chí của thành phố sinh thái – kinh tế là những tiêu chí gì? Nếu áp dụng tiêu chí của đô thị loại I vào thì chưa toát lên được tiêu chí trên.
Đặc thù của TP Biên Hòa là từ thành phố công nghiệp có tỷ trọng công nghiệp lớn, đầu tư cơ cấu sang thành phố sinh thái, về tính chất thì không thay đổi gì so với trước, chỉ cần thêm vào là công nghệ cao thì vẫn giữ nguyên tính chất của thành phố Biên Hòa đã xây dựng.
Vì vậy cần xây dựng tiêu chí nhóm để đánh giá toàn bộ hiện trạng. Đơn vị tư vấn cần rút kinh nghiệm về tỷ trọng đánh giá, phân tích trong đồ án; bổ sung nội dung đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật rõ hơn (khung hạ tầng để phát triển giao thông, nước thải, biến đổi khí hậu…).
Linh Anh
Theo