Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học và các ngành liên quan cho đến năm 2008 - 2009 đã hội đủ cơ sở khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.
Bản đồ Hồng Ðức: Cấm Thành thời Lê - Nền điện Kính Thiên - Ðoan Môn - Di tích nền lát gạch hoa chanh thời Trần.
Trước thềm Ðại lễ Thăng Long một nghìn tuổi, ngày 1-8-2010, tin vui đó đã đến với nhân dân Hà Nội và cả nước cùng bạn bè trên thế giới. Tuy nhiên, khu di sản còn đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu song song với công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Một trong những vấn đề đó và cũng là một trong những cam kết của Việt Nam với UNESCO là cần có kế hoạch khai quật khảo cổ học và nghiên cứu khu thành cổ Hà Nội để làm sáng rõ mối quan hệ giữa các kiến trúc trên mặt đất từ thời Lê sơ đến thời hiện đại với thời trước đó, tức Lý - Trần.
Với di tích nền điện Kính Thiên và Ðoan Môn thời Lê sơ thì trục trung tâm của Cấm Thành thời này là đường nối liền hai kiến trúc đó (H.1). Các nhà khoa học trong nước đều cho rằng đó cũng là trục trung tâm của Cấm Thành thời Lý - Trần. Ý kiến đó càng được củng cố khi các nhà khảo cổ đào thám sát một hố phía bắc Ðoan Môn năm 1999 và tìm thấy dưới lớp di tích nền gạch thời Lê sơ, một số di vật Lý - Trần, đặc biệt là di tích một nền móng hai bên lát gạch hoa chanh điển hình thời Trần, như là một con đường chạy về hướng nền điện Kính Thiên. Nhiều người nghĩ rằng đấy là con đường nối Ðoan Môn với điện Thiên An thời Trần, nhưng rồi kết quả giám định của các chuyên gia Nhật Bản xác định đó là nền móng tường hai bên lát gạch hoa chanh chứ không phải nền đường. Tiếp theo đó, kết quả nghiên cứu các di tích kiến trúc khu 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học Nhật Bản và Việt Nam đã lập bản vẽ một cụm kiến trúc khá đối xứng với nhau qua một trục trung tâm hướng nam - bắc chệch đông bắc khoảng 5o, bắt đầu từ một kiến trúc bát giác quy mô khá lớn ở phía nam (H.2). Vậy phải chăng trục trung tâm của Cấm Thành thời Lý là đây và như vậy nằm về phía tây trục trung tâm Cấm Thành thời Lê sơ. Ðó là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn liên quan đến quy hoạch và cấu trúc của Cấm Thành Thăng Long cùng sự thay đổi qua các thời. Vấn đề được nêu lên trong một số cuộc hội thảo. Một số ít cho rằng đã có sự chuyển dịch của trục trung tâm Cấm Thành từ Lý sang Lê sơ. Nhiều người cho rằng trục trung tâm tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là của một cụm kiến trúc cung đình nào đó thời Lý, chứ chưa thể chứng minh là trục trung tâm của cả Cấm Thành. Tất cả phải chờ đợi kết quả khai quật trong khu thành cổ Hà Nội, nhất là những di tích bên dưới lớp kiến trúc thời Lê sơ.
Ngày 26-12-2012, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học đã tổ chức hội thảo thông báo kết quả khai quật trên diện tích 500 m2 gần sát phía bắc Ðoan Môn. Từ mặt đất đến độ sâu khoảng 4,2 - 4,5 m, các nhà khảo cổ học đã phát hiện các di tích và di vật từ thời Lý, qua Trần đến Lê sơ rồi Lê Trung hưng. Các di tích vừa chồng xếp vừa cắt xén nhau, tạo thành một diễn biến văn hóa vật chất khá liên tục và phức tạp trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 17. Trên trục trung tâm của Cấm Thành thời Lê, có thể phân biệt hai lớp nền lát gạch thời Lê sơ - thế kỷ 15 và Lê Trung hưng - thế kỷ 17, trong đó có cả di tích Ðan Trì và đường Ngự đạo. Ðặc biệt, lần đầu tiên phát hiện một số di tích trụ móng, cống thoát nước và kiến trúc thời
Lý - Trần dưới lớp Lê sơ. Trong số những di tích Lý được các nhà khoa học hết sức chú ý, có một kiến trúc dưới lát gạch vuông, bề ngang khoảng 2 m, hai bên xây tường theo lối xếp gạch có chỗ còn cao 2 m, dọc theo mặt tường sát đáy có kè gỗ hình tròn khá dày. Ðoạn đã phát lộ về phía tây dài khoảng 24 m. Ðoạn phía đông đã bị phá hủy thời Trần, nhưng vẫn còn để lại một số gạch lát và cột kè bằng gỗ, dài khoảng 15 m. Theo xác định của các nhà khảo cổ, đây là một kiến trúc thời Lý, hai bên còn dấu tích một số trụ móng và nền một tường nào đó cùng thời. Cuối đoạn còn tương đối nguyên vẹn, về phía đông, có một đoạn chắn ngang với hai hàng cọc gỗ hình vuông mà có người đoán là móng một cầu bắc ngang?
Kiến trúc này đến thời Trần đã bị phá hủy nhưng vẫn để lại đoạn phía tây và có một cống nước thời Trần đổ vào đây (H.3). Vấn đề đặt ra đó là kiến trúc gì? Rất nhiều ý kiến nêu lên các giả thuyết và hướng nghiên cứu: Cống thoát nước lớn nhất chưa từng thấy? Cống cấp nước? Hồ hay bể chứa nước? Ao rồng mang tính phong thủy?... Ý kiến quá khác nhau nên tổng kết buổi thông báo, tôi đề nghị tạm gọi là "kiến trúc nước" rồi sẽ tiếp tục nghiên cứu và trao đổi.
Tôi nhớ tại cố đô Huế, phía ngoài và trong Ngọ Môn có hai đường nước. TS Phan Thanh Hải đã cung cấp cho tôi bản vẽ mới nhất của khu Ðại Nội. Ðường nước phía ngoài Ngọ Môn gọi là Kim Thủy trì giữ vai trò như hào của Hoàng thành. Gồm cả nội và ngoại Kim Thủy trì (có khi gọi là hồ). Còn phía trong, tức phía bắc Ngọ Môn, giữa Ngọ Môn và điện Thái Hòa có một hồ nước hình chữ nhật gọi là Thái Dịch trì (H.4). Kinh thành Huế xây dựng theo mô hình thành Vauban của Pháp kết hợp với những đặc trưng của vương thành Ðông Á, nhất là về mặt phong thủy. Khu vực từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa nằm ngoài Cấm Thành. TS Hà Huy Cận cung cấp sơ đồ Tử Cấm thành Bắc Kinh thời Minh, Thanh và thành Ðại Ðô thời Nguyên, cũng có đường nước mang tên Kim Thủy trì (hay hà) và Thái Dịch trì nhưng vị trí khác nhau. Tại thành Ðại Ðô, Kim Dịch trì nằm phía tây của Ðại Minh điện, Diên Xuân các và Ngự Uyển. Những đường nước này ngoài chức năng cụ thể có thể là hào thành hay giao thông, thưởng ngoạn... đều giữ vai trò quan trọng trong quan niệm phong thủy của quy hoạch và cấu trúc đế đô vùng Ðông Á. Vậy kiến trúc nước mới phát hiện ở phía bắc Ðoan Môn thời Lê, có thể là một Thái Dịch trì hay Kim Thủy trì của Cấm Thành Thăng Long thời Lý chăng? Rõ ràng một đoạn di tích, phía đông bị phá thời Trần, phía tây chưa biết kéo dài đến đâu, thì chưa đủ cơ sở để xác định tính danh của di tích. Ðấy cũng mới là một gợi ý theo hướng phong thủy để các nhà khoa học cùng nghiên cứu, trao đổi.
Ðiều thú vị là kết quả khai quật mới cho thấy trữ lượng khảo cổ học của khu thành cổ Hà Nội rất phong phú và đầy hứa hẹn. Những di tích trụ móng, cống nước, nền tường, nhất là di tích một đoạn kiến trúc nước khá đặc biệt... thời Lý - Trần cho phép tái xác nhận khu vực này có nhiều kiến trúc cung đình quy mô lớn và nhiều khả năng trục trung tâm của Cấm Thành thời Lý - Trần và thời Lê đều nằm ở đây, dĩ nhiên là quy hoạch và quy mô có nhiều thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Cả Ðoan Môn thời Lý - Trần cũng có thể khác với vị trí Ðoan Môn thời Lê. Những kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học sẽ tiếp tục cung cấp thông tin để tiến tới giải quyết nhiều vấn đề còn đầy bí ẩn của Cấm Thành Thăng Long.
Theo Nhandan.com.vn
Theo baoxaydung.com.vn