(Xây dựng) - Mỗi năm có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Tại Việt Nam có khoảng 20 triệu người hút thuốc lá, 40.000 người chết vì các bệnh do thuốc lá mỗi năm, số người chết do hút thuốc lá thụ động cũng đang ở mức báo động.
Theo tổ chức Y tế Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chưa bao giờ hút thuốc (còn gọi là hút thuốc thụ động) vẫn phải chết vì những bệnh do hít phải khói thuốc của người khác.
Lệnh cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng như cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà hàng đã được ban hành từ năm 2005. Tuy nhiên việc thực hiện xem ra không đáng kể. Nhiều người không chỉ hút thuốc ở nơi làm việc mà còn mang khói thuốc về chính gia đình của mình.
Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã xếp khói thuốc lá vào nhóm A trong bảng danh sách các chất gây ung thư. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được.
Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động.
Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Theo ước tính tại Việt Nam, có tới 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.
Ảnh minh họa.
Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên hàng ngày, hàng giờ rất nhiều người trên thế giới và Việt Nam vẫn phải hít khói thuốc của người khác.
Trên thế giới, 44% học sinh 13-15 tuổi hút thuốc thụ động tại nhà và 56% hút thuốc thụ động ở nơi công cộng (số liệu của 132 quốc gia).
Tại Việt Nam, tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại nơi làm việc trong nhà là 49,0%, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà là 67,6% (Điều tra hút thuốc ở người trưởng thành-2010).
PV (tổng hợp)
Theo