Vì sao người ta lại thích rao bán nhà trên cột điện? Dễ giải thích, vì sẽ có nhiều người đi đường nhìn thấy, lại tốn ít tiền nhất cho việc giới thiệu sản phẩm. Nhưng khi “cheo leo” ở trên đó, mặt tiền đô thị thêm phần bát nháo và luộm thuộm. Còn hiệu quả thì có theo mong muốn của người bán hay không?
Ảnh: Trọng Hiếu
1 Cách nay vài ngày, tôi thấy cột điện trước cửa nhà mình treo một tấm nhựa ghi lủng liểng dòng chữ bán đất để xây nhà trọ. Theo đó, miếng đất cần bán có giá 300 triệu đồng, mà ngang 24 m dài tới 32 m. Đất ghi rõ để xây nhà trọ. Nếu xây được nhà, nghĩa là đất thổ cư. Mà đất thổ cư, nghĩa là miếng đất có giá cực rẻ, chưa từng có. Ở đâu trên đất Sài Gòn này mà đất thổ cư chỉ có giá vài trăm ngàn đồng/m2?
Tấm nhựa được ghi tay, (cố tình) cho thấy sự không chuyên nghiệp, để người ta có cảm giác đây chỉ là miếng đất của gia đình ai đó cần bán. Sự thân thiện là điểm cộng cho marketing.
Tôi ngồi trước nhà, rất tò mò nên điện thoại hỏi: “Alo, em ơi, em có phải là người môi giới nhà đất không?”, một giọng nam trả lời: “Dạ đúng rồi!”. Sau đó, người bán giới thiệu dự án nhà đất ở phía Tây Bắc Thành phố.
Theo những lời miêu tả, thì chiều ngang và chiều dài của các miếng đất nền nơi này chẳng “link” gì tới miếng đất được viết rao trên cột điện. Và chỉ có chút ít liên quan nếu như khách có nhu cầu mua … 2 - 3 nền đất sát nhau sẽ nối lại thành một miếng có diện tích gần giống như thế. Như vậy, từ lời rao trên cột điện đến thực tế vô cùng xa cách. Thậm chí hoàn toàn khác biệt.
Tôi mang chuyện hỏi một người quen là dân môi giới bất động sản chuyên nghiệp trong một công ty hiện đang phân phối cho 2 dự án căn hộ trung cấp về hiệu quả thực sự của việc tiếp cận khách hàng bằng những dòng chữ gắn ngoài đường, anh trả lời rằng, việc tự ý làm các “biển quảng cáo” đó là do các nhân viên môi giới thực hiện, nhiều khi bản thân công ty phân phối không hề biết.
Chính sách chia hoa hồng bán hàng của các công ty khác nhau, việc huấn luyện cũng rất khác nhau. Có công ty bài bản, có công ty cũng rất… củ chuối. Do vậy, để tồn tại, các nhân viên bán hàng phải tự thân vận động.
Họ nhắn tin cho các khách hàng (data phải đi mua) qua điện thoại di động, tự in và làm các poster treo ở bất cứ nơi đâu có thể treo. Nhiều khi người trước vừa treo xong thì bị người sau tháo ra để treo biển của mình vô. Và số lượng khách thực sự quan tâm thì không có nhiều.
Đã từng làm biển treo trên cột điện, người môi giới này cho biết, khi khách hàng điện thoại, anh thường hỏi khách vì sao lại biết tới dự án hoặc số điện thoại của mình, họ đều trả lời từ nhiều nguồn khác nhau chứ ít người nói do… đọc trên cột điện!
2 Chị Hoài Anh, doanh nhân từng thành công vang dội với việc gầy dựng phân phối nhiều thương hiệu hệ thống mỹ phẩm của nước ngoài tại Việt Nam từng than phiền trên trang cá nhân của mình về những tin nhắn rác hoặc các cú điện thoại chào bán bất động sản quá nhiều.
Cùng đồng ý quan điểm này của chị, vài người cho rằng, việc làm phiền này chẳng những không có kết quả khả quan gì mà còn có tác dụng ngược.
Khách hàng mỗi khi nhận được (hoặc bị) tiếp cận quá nhiều một dạng marketing cùng loại sản phẩm, sẽ bị bội thực. Họ sẽ phản ứng lại đôi khi thái quá, nhưng như một cách để tự bảo vệ mình, nâng chất lượng sống của cá nhân lên mức khác.
Điều quan trọng nhất là đảm bảo được rằng, số điện thoại thuộc quyền sở hữu của mình, ấy nhưng vẫn bị “xâm phạm” đến mức khó chấp nhận nổi.
Vậy thì quảng cáo bán nhà trên cột điện sao lại trăm hoa đua nở đến thế, nếu như tính hiệu quả của nó quá thấp? Chưa kể có thể sẽ mang lại kết cục bị phạt kiểu như “khoan cắt bê tông”. Hay chỉ đơn thuần là chi phí cho việc “sale” này quá rẻ?
Thay đổi nhận thức trong việc tiếp cận khách hàng cần một cuộc cách mạng, cho dù có mang cách “đi theo lối nhỏ là lối an toàn” thì vẫn nên văn minh và không thể chà đạp lên nhiều giá trị chung khác!
Theo Đầu tư
Theo