(Xây dựng) – Hàng loạt doanh nghiệp đã cho ra đời ứng dụng mua bán trực tuyến, cho phép hàng ngàn nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, nền đất tiền tỷ. Theo giới thiệu của các đơn vị này, nhà đầu tư ít tiền vẫn có cơ hội đầu tư bất động sản với giá chỉ từ vài triệu đồng. Ngay khi xuất hiện, lập tức gây nhiều tranh cãi nảy lửa về hình thức được cho là Blockchain bất động sản này, thực sự là “Bước tiến công nghệ” hay chỉ là “Trò lừa thế kỷ”?
Có thể hiểu ngắn gọn hình thức đầu tư bất động sản chia nhỏ trên nền tảng công nghệ, hay còn gọi là mua chung bất động sản, chia nhỏ bất động sản bán theo cổ phần, đang nở rộ tại Việt Nam (hay còn được gọi là Blockchain Bất động sản). Cụ thể, một mảnh đất có giá khoảng 3 tỷ đồng sẽ được chia nhỏ khoảng 1.000 phần, tương ứng với các token gắn mã số blockchain để chào bán, giá mỗi phần là 3 triệu đồng.
Về hình thức này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản khẳng định, cách hoạt động của hình thức mua chung chưa hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật.
“Đứng về mặt chuyên môn, chúng ta phải phân biệt giữa đầu tư tài chính và đầu tư bất động sản. Luật chưa thể cho phép 1 căn nhà cho phép chia thành hàng nghìn, hạng vạn chủ sở hữu. Luật thì không cấm có bao nhiêu chủ sở hữu, nhưng mà tất cả các chủ sở hữu ấy khi mua bán phải thông qua giấy tờ, được Nhà nước thừa nhận, thì lúc đó các chủ sở hữu sẽ được Nhà nước bảo vệ. Chắc chắn cơ quan Nhà nước phải xem xét và đưa ra các quy định” ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng). |
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Các hình thức, mô hình kinh doanh bất động sản mới cũng là vấn đề trọng tâm trong việc bổ sung, sửa đổi Luật lần này.
Về phía nhà đầu tư thì các kênh đầu tư mới luôn là lựa chọn của nhiều người. Hình thức đầu tư bất động sản trên nền tảng blockchain đã ngay lập tức được chị Trần Tuyết Nhung chú ý. Tuy nhiên khi tìm hiểu, chị chưa đủ tự tin để rót vốn tham gia kênh đầu tư này.
“Không được sở hữu hay cầm cái sổ đỏ đấy, mình đã không cảm thấy yên tâm. Thứ 2, bản thân mình không góp vốn trong Công ty đó nên thấy rất rủi ro, dù lợi nhuận hấp dẫn thế nào cũng phải cân nhắc lại hoặc chờ đợi", chị Trần Tuyết Nhung - một nhà đầu tư cho biết.
Nền tảng đầu tư bất động sản bằng blockchain Moonka tung quà tặng “mồi” lên đến 700 USD nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quyết xuống tiền đồng thời một số nhân vật thể hiện quan điểm ủng hộ trước đây đã lặng lẽ rút khỏi chương trình. |
Còn với anh H.Anh, nhiều cuộc gọi tư vấn đầu tư Blockchain Bất động sản cũng không khỏi hấp dẫn anh bởi số tiền đầu tư nhỏ, tính thanh khoản cao do có thể dễ dàng chuyển nhượng… Thế nhưng vẫn còn rất nhiều e ngại như độ tin cậy của đơn vị phát hành token hay cơ chế bỏ phiếu để thực hiện các lệnh bán - mua cũng hoàn toàn có thể bị chi phối.
“Quyền sở hữu là mình có thể bán được nhưng ở đây mình không có quyền này. Băn khoăn nữa là có thể 19 tài khoản ảo chỉ có mình là người bỏ tiền thật, còn 19 người kia có 1 mối liên kết với nhau thì người ta cùng đồng ý bán lỗ thì đương nhiên tiền của mình sẽ lỗ trong khi mình không muốn bán”, ông L.Minh - một nhà đầu tư khác nêu ý kiến.
Băn khoăn khác khiến các nhà đầu tư còn dè dặt với hình thức đầu tư này là không kiểm soát được hành vi của doanh nghiệp phát hành token - chính là đơn vị quản lý sổ đỏ. Bởi hoàn toàn có thể xảy ra tình huống xấu là đơn vị quản lý sổ đỏ ôm tiền huy động được bỏ trốn hoặc bán bất động sản đó cho một bên khác và khi ấy người mua token sẽ mất trắng toàn bộ số tiền đã bỏ ra.
Những lo ngại của các nhà đầu tư không phải không có cơ sở bởi thực tế, hiện nay, nhà quản lý và giới chuyên gia liên tiếp khẳng định và nhấn mạnh việc thực tế vẫn chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động của mô hình này tại Việt Nam.
Nhi Nhi (ghi, T/h)
Theo