(Xây dựng) - Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tổng diện tích đất quy hoạch giao thông năm 2025 là 6.700ha.
Trong đó, đất giao thông trong khu vực đô thị tập trung khoảng 4000ha, chỉ tiêu là 20 m2/người. Năm 2035 là 11.000ha - 12.000ha, trong đó, đất giao thông trong khu vực đô thị tập trung khoảng 6.000ha, chỉ tiêu là 17 m2/người, phù hợp với tiêu chí đô thị loại đặc biệt 15 - 17m2/người; tăng khoảng 5.000ha so với quy hoạch kỳ trước.
Cầu Hoàng Văn Thụ nối khu vực nội thành Hải Phòng và Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm (Ảnh: Hồng Phong). |
Giao thông đối ngoại
Đường bộ: Kế thừa nâng cấp Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường bộ ven biển, đường Tân Vũ - Lạch Huyện. Nắn chỉnh tuyến Quốc lộ 37 theo kênh Chanh Dương; đường nối trên cao của Quốc lộ 5 - Quốc lộ 10. Quy hoạch mới tuyến đường bộ với quy mô đường cao tốc (4 - 6 làn xe) nối khu vực cảng Đình Vũ, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (đường Tân Vũ - Lạch Huyện) với Quốc lộ 18 và đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện 2, cầu (hoặc hầm) Tân Vũ - Lạch huyện 3; cầu Bến Rừng nối đường 359 với khu vực Quảng Yên (Quảng Ninh); cầu Nghìn mới nối đường tránh của Quốc lộ 10 với tỉnh Thái Bình.
Đường hàng không: Kế thừa quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi nâng công suất đạt khoảng 13 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 16,6 triệu hành khách/năm vào năm 2035. Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế tại khu vực Tiên Lãng trong giai đoạn dài hạn (sau 2045) khi sân bay Cát Bi đã khai thác hết công suất. Quy hoạch mới sân bay taxi tại Cát Bà, Bạch Long Vỹ phục vụ du lịch và cứu hộ.
Đường sắt: Nắn chỉnh hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng, chuyển đổi tuyến hiện có thành đường sắt nội đô, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác. Xây dựng mới tuyến đường sắt nội đô tốc độ cao Hà Nội – Hải Phòng (Lạch Huyện). Xây dựng mới đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh chạy phía Tây khu vực thành phố. Xây dựng mới tuyến đường sắt nối đường sắt Yên Viên – Hạ Long đi cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng phục vụ vận tải hàng hóa (phía Đông).
Trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến 2030), tuyến đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng chạy phía Tây khu vực thành phố (chạy dọc Quốc lộ 10 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng).
Đường biển: Từng bước di dời khu bến trên sông Cấm để quy hoạch phát triển đô thị Nam sông Cấm, khu bến Đình Vũ tiếp tục xây dựng các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Quy hoạch mở rộng khu bến Lạch Huyện về phía Tây công suất dự báo khoảng 110 triệu TEU (khoảng 1.320 triệu tấn/năm). Chuyển đổi cảng Nam Đồ Sơn thành cảng dân dụng mở rộng về phía Đông. Bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp (Cát Hải), cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (Tiên Lãng). Quy hoạch bến cảng huyện đảo Bạch Long Vỹ là bến cảng vệ tinh, đầu mối giao lưu với đất liền, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh.
Đường thủy nội địa: Quy hoạch mới tổ hợp bến tàu khách quốc tế kết hợp thương mại dịch vụ tại khu vực bến Bính, bến tàu khách trung tâm Cát Bà, Cái Viềng, bến Gót, Cát Hải, Hải An. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống cảng thủy nội địa trên hệ thống sông Đá Bạch, sông Cấm, sông Kinh Môn, sông Văn Úc, sông Lạch Tray.
Giao thông đô thị
Đường bộ nội đô: Kế thừa quy hoạch các tuyến trục hướng tâm và đường vành đai thành phố. Quy hoạch mới đường cao tốc qua đô thị (Bắc Nam) nối Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm với đô thị hàng không (Tiên Lãng), đường trục Đông Tây nối khu vực đô thị - công nghiệp Vĩnh Bảo với khu đô thị hàng hải quốc tế (Hải An) và đảo Cát Hải, đường trục Bắc Nam song song với Quốc lộ 10. Kiểm soát chống ùn tắc giao thông, khoanh vùng hạn chế phương tiện cơ giới đi qua khu vực đô thị lõi trung tâm.
Đường World Bank kết nối hai trục Đông – Tây của thành phố Hải Phòng (Ảnh: Hồng Phong). |
Giao thông công cộng: Vận tải hành khách công cộng đạt chỉ tiêu 25% vào năm 2025 (đạt tiêu chuẩn đô thị loại I), 35% vào năm 2035 (đạt tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt), > 50% năm 2050. Xây dựng mới các tuyến đường sắt đô thị (trên cao, ngầm) kết nối các đô thị, khu chức năng và đầu mối giao thông chính của thành phố. Quy hoạch các tuyến xe buýt nhanh trên các hành lang Đông Tây và Bắc Nam. Nâng cấp, phát triển các tuyến xe buýt hiện có đảm bảo tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt từ 10 – 15%. Mở rộng quy hoạch hệ thống giao thông, không gian ngầm để kết hợp các công trình thương mại dịch vụ.
Bổ sung các hình thức giao thông mới như: Cáp treo, xe điện tại các khu du lịch, dịch vụ, khu vui chơi giải trí.
Công trình giao thông: Xây dựng các nút giao thông khác mức tại các vị trí giao giữa đường cao tốc với đường đô thị, giữa đường bộ với đường sắt; xây dựng mới hệ thống cầu trên các sông trên cơ sở các tuyến đường trục chính, đường liên khu vực theo hướng Bắc Nam, Đông Tây; chuyển đổi các bến xe trong đô thị hiện hữu thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt kết hợp công trình dịch vụ, cây xanh; quy hoạch mới 8 bến xe liên tỉnh tại các quận, huyện: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Hải An.
Các dự án ưu tiên trong giai đoạn 2025
Xây dựng đường cao tốc ven biển Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, quốc lộ 37 (đoạn qua Hải Phòng). Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10, Quốc lộ 17B (đoạn qua Hải Phòng). Xây dựng đường nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 10. Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường tỉnh. Hoàn thiện Cảng hàng không quốc tế Cát Bi theo quy hoạch. Nâng cấp, cải tạo đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Xây dựng đường sắt nối cảng biển Hải Phòng và Lạch Huyện. Đầu tư xây dựng các bến số 5, 6, 7, 8, 9, 10 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Xây dựng bến tàu khách quốc tế. Nâng cấp cải tạo hệ thống đường sông (luồng tuyến quốc gia + địa phương).
Nâng cấp, cải tạo chỉnh trang các đường trục chính. Xây dựng mới các trục đường chính (B = 50,5 m – 54 m – 64 m – 68 m). Xây dựng mới các trục đường liên khu vực (B = 40 m – 43 m). Xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 2. Xây dựng tuyến đường vành đai 3. Xây dựng 1 tuyến xe buýt nhanh (BRT) + nâng cấp hệ thống buýt hiện có. Xây dựng mới cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (số 2). Xây dựng mới cầu qua sông (6 cầu). Xây dựng nút giao khác mức (5 nút). Xây dựng nút giao cùng múc (giao đường trục chính). Xây dựng mới bến xe (3 - 4 bến). Xây dựng mới trung tâm tiếp vận (logistics) (3). Xây dựng hệ thống giao thông ngầm, giao thông công cộng.
Quy hoạch: Tổ chức điều chỉnh quy hoạch phân các quận, quy hoạch các đô thị mới, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các khu chức năng, quy hoạch không gian ngầm đô thị, quy hoạch các khu chức năng trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải... Phát triển đô thị: Lập chương trình phát triển đô thị. Xây dựng các công trình kiến trúc tại khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, đô thị mới Tràng Cát, đô thị mới Cát Hải, đô thị mới Tân Thành - Dương Kinh, đô thị mới ven sông Lạch Tray - Dương Kinh. Xây dựng hạ tầng mở rộng đô thị Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên), khu đô thị An Dương (huyện An Dương).
Chỉnh trang đô thị: Xây dựng, chỉnh trang mở rộng theo quy hoạch các tuyên đường chính đô thị trong 7 quận đạt tiêu chí “tuyến phố văn minh”. Cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ ở các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Đồ Sơn. Di dời các nhà máy và cảng trên sông Cấm (đoạn từ cầu Kiên đến cảng Cấm), phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch - giải trí - công viên. Hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa khu vực nội thị thành phố. Hoàn thiện dự án thoát nước thành phố Hải Phòng, cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới đường cống thoát nước thải. Cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các công trình đầu mối theo quy hoạch cao độ nền thoát nước mặt thành phố đã được phê duyệt. Chỉnh trang 2 bên các tuyến sông Tam Bạc, sông Cấm và sông Lạch Tray (thuộc các quận: Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng). Hoàn thành cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải theo quy hoạch. Bổ sung danh mục Khu công nghiệp, phát triển công nghiệp thông tin (ICT) dự kiến ở Nam Đình Vũ; thu hút có chọn lọc các ngành công nghiệp mũi nhọn khu vực sông Văn Úc. Tại các quận, thị trấn, các khu đô thị, khu dân cư xây dựng mới, khu công nghiệp… xây dựng hệ thống cáp ngầm để thực hiện cấp điện. Từng bước hạ ngầm hệ thống lưới điện trên không hiện có tại các quận và thị trấn các huyện để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Hải Nguyên – Đăng Hùng
Theo