Chủ nhật 24/11/2024 10:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Thừa đất thải mỏ - thiếu đất san nền

Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?

19:04 | 01/12/2023

(Xây dựng) - Sau hòn than, Quảng Ninh có kho đất thải mỏ làm vật liệu san nền tồn chứa khoảng 3 tỷ m3; mỗi năm lại tăng thêm khoảng trên 150 triệu m3, khiến các địa phương trong toàn quốc phát gen. Ai cũng nghĩ xúc bãi thải trên cao đổ xuống đất trũng vượt thổ san nền dễ dàng, tuy nhiên còn vướng mắc về cơ chế quản lý. Trên là Bộ, dưới là Sở Tài nguyên và Môi trường – cơ quan chủ quản nói gì?

Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?
Ngày 15/12/2020, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cùng lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực tế khảo sát các bãi thải để sử dụng làm vật liệu san nền, đến nay kết quả chưa được là bao.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Quảng Ninh thực hiện chủ trương tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp, đặc biệt là các dự án không có yêu cầu kỹ thuật thi công phức tạp để bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ an toàn bãi thải mỏ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn… đã báo cáo cấp thẩm quyền khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại một số địa phương để phục vụ san lấp mặt bằng các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với các đơn vị ngành Than (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc) xác định 32 điểm bãi thải đất đá thải mỏ trong phương án bảo vệ, khai thác và sử dung tài nguyên thiên nhiên trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023; đồng thời xây dựng Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay đã hoàn thành Dự thảo và xin ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia để sớm triển khai khai thác nguồn đất thải mỏ.

Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?
Riêng các mỏ lộ thiên, mỗi năm đổ thải khoảng 150.000m3.

Đến thời điểm hiện tại, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị ngành Than, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tham gia ý kiến, báo cáo Bộ TN&MT xem xét, giải quyết cấp phép việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ cho 4 khu vực mỏ than đã đóng cửa với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Cụ thể: Bãi thải vỉa 14 cánh Tây của Công ty than Núi Béo, khoảng 8 triệu m3; bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí, khoảng 3,5 triệu m3 và bãi thải Nam Tràng Bạch khoảng 4,73 triệu m3 của Tổng Công ty Đông Bắc; bãi thải Suối Lại của Công ty than Hòn Gai, khoảng 3,5 triệu m3. Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn vừa tổ chức tại Hà Nội, Bộ TN&MT cho biết chấp thuận đề xuất trên, đã hé mở hướng giải quyết nhu cầu cấp thiết về vật liệu san lấp công trình có sử dụng đất ở địa phương.

Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?
4 bãi thải mỏ than được Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí về chủ trương cho phép sử dụng làm vật liệu san nền, tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3.

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương và các Ban quản lý dự án của tỉnh, tổng nhu cầu nguồn đất đá làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là khoảng 570,329 triệu m3, đến năm 2030 là khoảng 1.068 triệu m3. Trong đó, trước mắt đến năm 2025, có 5 địa phương đăng ký nhu cầu nguồn đất đá làm vật liệu xây dựng lớn nhất là thành phố Hạ Long, khoảng 185 triệu m3; thị xã Quảng Yên, khoảng 145 triệu m3; thành phố Cẩm Phả, khoảng 54 triệu m3, thị xã Đông Triều, khoảng 50 triệu m3 và thành phố Móng Cái, khoảng 50 triệu m3.

Theo số liệu rà soát, báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, các bãi thải ngành Than tập trung chủ yếu tại thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều, hiện đã được cập nhật vào phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh, có thể cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với trữ lượng khoảng 965 triệu m3. Như vậy, khối lượng đất đá thải mỏ về lý thuyết có thể cơ bản đáp ứng phần lớn như cầu về nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên thực tế do còn có yếu tố khó khăn khách quan, như quãng đường vận chuyển đến các huyện thị không có đất đá thải mỏ, các yêu cầu về chất lượng, hệ số K của vật liệu san lấp với từng loại dự án công trình... Việc sử dụng đất đá thải mỏ phải kết hợp với các vật liệu san lấp khác như đất đồi (giai đoạn đến năm 2030 tổng trữ lượng có thể khai thác là 250 triệu m3), cát san lấp (giai đoạn đến năm 2030 tổng trữ lượng huy động vào khai thác khoảng 48,6 triệu m3), tro, xỉ thải phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện (khoảng 35 triệu m3) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh những thành tựu trong phát triển, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức. Mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp khai khoáng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; mâu thuẫn giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với bảo vệ môi trường, cảnh quan; đặc biệt là việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh vật liệu xây dựng trong bối cảnh phải đảm bảo cả an ninh tài nguyên và môi trường.

Theo quy định Luật Khoáng sản 2010, việc cấp phép khai thác sử dụng đất đá thải mỏ thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ TN&MT quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp phép cũng như trong công tác khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện tại, Luật Khoáng sản chưa có các quy định chi tiết về việc hướng dẫn hồ sơ pháp lý đối với việc cấp phép, đồng thời việc khai thác đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp được giải quyết cho khai thác với thời hạn theo thời hạn của Giấy phép khai thác khoáng sản cũng gây một số khó khăn khi thời gian thực hiện dự án kéo dài hơn thời gian của Giấy phép khai thác, trong khi chưa khai thác hết được trữ lượng đất đá thải mỏ được cấp phép.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn khách quan khác như, tỉnh có nguồn đất đá thải mỏ lớn nhưng lại tập trung chủ yếu các vùng Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả dẫn đến khó phân bổ cho các địa phương còn lại; một số Dự án yêu cầu chất lượng vật liệu san lấp (hệ số K) cao đòi hỏi việc sàng lọc đất đá thải mỏ tại các bãi thải tốn kém, chi phí cao…

Theo số liệu thống kê của ngành Than, ước tính trước mắt đến năm 2025, về lý thuyết ngành Than có thể đáp ứng tổng trữ lượng các bãi thải mỏ khoảng 376,227 triệu m3, tập trung ở 4 địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều; trong đó, khu vực Đông Triều - Uông Bí khoảng 29,7 triệu m3, khu vực Hạ Long khoảng 204,35 triệu m3, khu vực Cẩm Phả với khoảng 142 triệu m3. Như vậy, về cơ bản trữ lượng đất đá thải mỏ đáp ứng được cho 4 huyện, thị, thành phố nêu trên và một phần đáp ứng cho 2 địa phương lân cận là Quảng Yên, Vân Đồn.

Thực tế trong thời gian tới đây, ngành Than sẽ chuẩn bị triển khai khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp bãi thải Hà Ráng, Suối Lại cấp cho địa bàn Hạ Long, Quảng Yên và bãi thải Nam Tràng Bạch cấp cho Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên. Đối với các địa phương khác sẽ sử dụng các nguồn tài nguyên khác như đất đồi san lấp, cát san lấp hay tro xỉ thải của nhà máy nhiệt điện. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ xem xét, phối hợp với ngành than có các phương án vận chuyển hợp lý để có thể sử dụng đất đá thải mỏ cho các địa phương còn lại.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với ngành Than xây dựng Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, xin ý kiến các chuyên gia trước khi đưa vào triển khai thực hiện, trong đó sẽ có 5 nhóm giải pháp để phân bổ, sử dụng các nguồn vật liệu san lấp hợp lý, trong đó bao gồm: Giải pháp khai thác, phân bổ các nguồn vật liệu san lấp cho từng địa phương của tỉnh; giải pháp khai thác, phân bổ các nguồn vật liệu san lấp cho các dự án của các Ban quản lý dự án của tỉnh; giải pháp đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, sự tích cực của các chủ đầu tư để đảm bảo các nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh; giải pháp về đổi mới công nghệ khai thác, chế biến, vận tải các nguồn vật liệu san lấp để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ, chi phí; giải pháp về khai thác, sử dụng hiệu quả các mỏ đất, bãi thải để tạo mặt bằng phát triển các dự án kinh tế - xã hội.

Nguồn vật liệu đất đá thải mỏ, tỉnh Quảng Ninh tập trung vào 2 nhóm giải pháp: Một là đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, sự tích cực của các chủ đầu tư để đảm bảo các nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo UBND cấp huyện, các Ban quản lý dự án thuộc tỉnh chủ động liên hệ với Sở TN&MT, các đơn vị ngành Than khi có nhu cầu về sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, tiến tới giảm thiểu sử dụng đất đồi, đặc biệt là đối với các địa phương có sẵn nguồn đất đá thải mỏ. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư khi có nhu cầu sử dụng đất đá thải phải có Kế hoạch cụ thể về nhu cầu sản lượng sử dụng, tích cực phối hợp với các đơn vị ngành Than trong việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục, nghĩa vụ tài chính để, từ đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc tính toán xác định khối lượng đất đá thải cho từng dự án san lấp và triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?
Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?
Cảng Làng Khánh I, Cầu Bang, Hà Ráng (Hạ Long); cảng Khe Dây, Cửa Suốt, 10/10, Vũng Đục (Cẩm Phả) được Sở TN&MT đề xuất xuất đất thải mỏ làm vật liệu xây dựng.

Hai là đổi mới công nghệ khai thác, chế biến, vận tải các nguồn vật liệu san lấp để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ, chi phí. Tỉnh đề nghị ngành Than có các giải pháp trong quá trình bóc đất khai thác tại các mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc chủ động xúc chọn lọc và có thể sử dụng giải pháp sàng tuyển chế biến để tạo cỡ hạt đất đá cho phù hợp với từng dự án san lấp. Phối hợp với ngành Than, tính toán sử dụng giải pháp vận chuyển bằng băng tải để giảm chi phí vận chuyển bằng ôtô cũng như hạn chế tác động xấu tới môi trường, do các vị trí bãi thải mỏ đều có cung độ vận chuyển xa. Cụ thể, xem xét, lắp đặt băng tải tại một số tuyến từ bãi thải Hà Ráng về cảng Làng Khánh và cảng Hà Ráng; từ một số cảng bãi thải Cẩm Phả xuống cảng 10/10... và một số khu vực khác.

Đề xuất cải tạo một số điểm cảng gồm cảng Làng Khánh I (bao gồm cả phần mở rộng), cảng tạm cầu Bang, cảng Hà Ráng (Khu vực Hạ Long); cảng Khe Dây-Cửa Suốt, cảng 10/10/Vũng Đục (khu vực Cẩm Phả) làm một số cảng tạm, qua đó nâng cao hiệu quả việc vận chuyển đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, hạn chế vận chuyển bằng đường bộ để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới môi trường và giao thông vận tải.

Bài 2: Đất thải mỏ làm vật liệu san nền, cơ quan chủ quản nói gì?
Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, để đổ bãi thải luôn là gánh nặng cho các mỏ than và các phường xã.

Trên là Bộ, dưới là Sở Tài nguyên & Môi trường - cơ quan chủ quản tài nguyên bãi thải giá trị quý sau hòn than, đang tháo gỡ những vướng mắc để khai thông đất đá thải mỏ làm vật liệu san nền cho các công trình xây dựng.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load