Thứ sáu 05/07/2024 00:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, xu hướng tất yếu

Bài 2: Cần đánh giá thận trọng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường

15:44 | 02/07/2024

(Xây dựng) – Việc dùng cát biển để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng hiện là xu thế tất yếu. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vẫn cần những bước đánh giá thận trọng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, các Bộ, ngành có liên quan cần sớm ban hành Tiêu chuẩn, hướng dẫn hay quy trình sử dụng cát biển cho san đắp nền đường để loại vật liệu này được sử dụng hiệu quả.

Bài 2: Cần đánh giá thận trọng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
Việc sử dụng cát biển thay thế cát sông trong vật liệu xây dựng, đúc bê tông, san lấp đường…là lựa chọn hứa hẹn triển vọng, tiềm năng.

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại bài viết trước, thời gian qua, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm trong cả nước nói chung và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như khu vực các tỉnh phía Nam nói riêng.

Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục cấp phép và khai thác các mỏ cát chưa có chuyển biến rõ nét. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và nhà thầu, cũng như trách nhiệm của UBND các địa phương có nguồn cát san lấp.

Mới đây, theo Văn bản số 1033/SXD-QLN&VLXD của Sở Xây dựng tỉnh Nam Định ngày 30/5/2024, đơn vị này cho rằng, việc sử dụng cát biển được khuyến cáo dùng để san lấp các công trình vùng cửa sông, ven biển. Để đảm bảo cho các công trình xây dựng cần tiến hành rửa mặn bằng cách xả nước, hoặc để tự rửa mặn nhờ nước mưa, nước róc từ quá trình này thoát trực tiếp ra sông, biển nơi san lấp. Tuy nhiên, việc rửa mặn cần phải được đánh giá cụ thể trong những báo cáo đánh giá tác động môi trường có sử dụng cát biển và có thí nghiệm đánh giá cụ thể.

Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị Sở Tài nguyên và môi trường báo cáo UBND tỉnh Nam Định: Chưa sử dụng thí điểm cát biển làm vật liệu san lấp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do trong thành phần cát biển có chứa một lượng lớn muối, đặc biệt là muối clorua gây ảnh hưởng đối với môi trường xung quanh bao gồm: Nguy cơ ăn mòn đối với kết cấu thép, kể cả cốt thép trong bê tông; nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đất khu vực xung quanh.

Bàn luận về nội dung này, một số chuyên gia cho rằng: Các Bộ, ngành có liên quan cần sớm ban hành Tiêu chuẩn, hướng dẫn hay quy trình sử dụng cát biển cho san đắp nền đường để loại vật liệu này được sử dụng hiệu quả.

Cần phải có quy định rõ ràng về độ nhiễm mặn cho phép

Chia sẻ về việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thay thế cát sông, PGS.TS Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Giải pháp này về mặt kỹ thuật là hợp lý. Cát biển hay cát sông đều là các vật liệu dạng hạt có độ đặc chắc cao, hoàn toàn có thể được sử dụng để làm vật liệu đắp nền đường. Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 2499/BGTVT-KHCN&MT ngày 11/03/2024 thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông và hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường giao thông.

Tuy nhiên, các hạt cát biển có nước biển bám vào bề mặt, mà nước biển thì có chứa các muối với nồng độ mặn khác nhau. Vì vậy, nếu sử dụng cát biển để đắp nền đường thì nên đánh giá độ mặn có thể bị thôi nhiễm ra các vùng đất xung quanh gây tác hại đến vật nuôi, cây trồng như thế nào. Đồng thời, việc khai thác cát biển cũng cần phải có đánh giá cẩn thận về tác động môi trường, hệ sinh thái, sinh vật biển ở các khu vực biển khai thác cát biển.

Tại nhiều cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện chủ trương sử dụng cát biển thay thế cát sông, đặc biệt đối với các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công...) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Do cát biển có chứa lượng muối biển đáng kể, với thành phần chính là muối clorua nên có thể xảy ra vấn đề rửa trôi một lượng clorua ra môi trường xung quanh (đất, nước ngầm, nước mặt). Ảnh hưởng của muối clorua đối với môi trường xung quanh bao gồm: Nguy cơ gây ăn mòn đối với kết cấu thép, kể cả với cốt thép trong bê tông; nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đất khu vực xung quanh.

Vì vậy, để sử dụng cát biển đạt hiệu quả làm vật liệu đắp nền đường giao thông thì cần phải có quy định rõ ràng về độ nhiễm mặn cho phép đối với đất nông nghiệp, cây trồng nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản và các loại thủy sản liên quan.

Đồng thời, cũng cần đánh giá tác động môi trường dự án khai thác, chế biến và vận chuyển cát biển nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường biển, hệ sinh thái, sinh vật biển…

Việc sử dụng cát biển thay thế cát sông trong vật liệu xây dựng, đúc bê tông, san lấp, làm nền đường… là lựa chọn hứa hẹn triển vọng, tiềm năng. Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp để các địa phương triển khai hiệu quả việc thí điểm sử dụng này.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng cát biển trong công trình xây dựng đối với các Bộ, ngành và địa phương quan tâm. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã tổ chức biên soạn và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các tiêu chuẩn TCVN 7570:2006 Cốt liệu cho bê tông và vữa, TCVN 10796:2015 Cát mịn cho bê tông và vữa, TCVN 13574:2023 Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa…để hướng dẫn sử dụng cát biển trong ngành Xây dựng, đảm bảo rõ ràng, minh bạch dễ sử dụng trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp trên toàn quốc.

Bài 2: Cần đánh giá thận trọng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
Muốn dùng cát biển cho san nền đường trong vùng nước ngọt có 2 cách: Rửa cát biển bằng nước ngọt cho tới khi đạt yêu cầu cho phép và dùng hóa chất cố kết muối trong cát thành hợp chất ổn định, không hòa tan.

Cần ban hành Tiêu chuẩn, hướng dẫn hay quy trình sử dụng cát biển cho san đắp nền đường

TS.Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết: Hiện nay, nước sông về giảm hẳn do thủy điện trên thượng nguồn Mê Kong, vì thế cát trầm tích theo mùa nước cũng giảm mạnh. Trong khi đó do nhu cầu xây dựng hệ thống cao tốc miền Tây, cần hàng chục triệu m3 cát trong vài năm, nên chúng ta đang khai thác các mỏ cát trầm tích sông có từ nhiều chục năm trước, mà cát bồi tích hàng năm sẽ không đủ cân bằng lượng khai thác. Điều đó sẽ dẫn tới sụt lở bãi, mỏ và dần dần sẽ là sạt lở bờ sông và đường giao thông dọc hai bên bờ sông. Do không đủ khối lượng cát sông nên Bộ Giao thông vận tải muốn khai thác cát biển để đắp nền đường cao tốc.

Cho tới nay, Bộ Giao thông vận tải giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nghiên cứu thử 1 đoạn đường gom, với chiều dài 310m, rộng 9m và đắp với chiều dày 0,9m phần hạ âm (dưới mặt ruộng), bằng cát biển đã được xối rửa mặn ngay trên xà lan (không có quy trình rửa và nghiệm thu cát sau khi rửa được công bố).

Kết quả được cho trong báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và thể hiện một phần trong Công văn số 2499 ngày 11/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải.

Theo Công văn số 2499 của Bộ Giao thông vận tải chỉ cho phép san lấp cát biển cho phần hạ âm, độ chặt nhỏ hơn hoặc bằng K95 và với điều kiện tương đương như môi trường mô hình đã thử nghiệm, đồng thời phải theo dõi về môi trường khi san lấp và trong quá trình khai thác. Cho tới nay, Bộ Giao thông vận tải chưa ban hành Tiêu chuẩn, hướng dẫn hay quy trình sử dụng cát biển cho san đắp nền đường.

Gần đây, chúng ta thấy thông tin nói là có một đoạn cao tốc ở Hậu Giang, sau khi san phần hạ âm, lúa hai bên tuyến san nền bị chết. Cát san lấp có nhiều vỏ sò, nhuyễn thể. Sau đó đã xác định nước ruộng lúa mà lúa bị chết đã bị nhiễm mặn từ 1,8 phần nghìn đến 6,8 phần nghìn. Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định rằng, trên hệ thống cao tốc miền Tây chưa dùng một hạt cát biển nào cho san đắp.

Chia sẻ về giải pháp sử dụng cát biển đạt hiệu quả, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, ông Trần Bá Việt cho biết: Muốn dùng cát biển cho san nền đường trong vùng nước ngọt có 2 cách: Rửa cát biển bằng nước ngọt cho tới khi đạt yêu cầu cho phép và dùng hóa chất cố kết muối trong cát thành hợp chất ổn định, không hòa tan.

Từ ý kiến của các nhà khoa học nêu trên, chúng tôi cho rằng, việc sử dụng cát biển trong làm nền đường, san lấp mặt bằng, thậm chí trong việc xây dựng công trình là việc làm cần thiết nhằm thay thế nguồn cát tự nhiên đã sử dụng lâu nay đang dần cạn kiệt. Trước mắt để sử dụng cát biển có hiệu quả và hạn chế những tác động xấu về môi trường, chúng tôi cho rằng có thể dùng cát biển để phục vụ san lấp các mặt bằng, làm nền các công trình hạ tầng kỹ thuật ở những khu vực cửa biển và ven biển.

Ngọc Hân – Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load