(Xây dựng) - Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển huyện Tiên Du và Yên Phong trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh và quy hoạch 5 hành lang kinh tế - 6 vùng kinh tế động lực.
Bắc Ninh đóng vai trò là đô thị cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội, nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn và Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long – Móng Cái là trung tâm dịch vụ thương mại quốc tế. |
Quy hoạch Tiên Du và Yên Phong lên thành phố
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Toàn tỉnh sẽ có 12 đô thị: 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 4 đô thị loại III và 6 đô thị loại V; trong đó, phát triển huyện Tiên Du và huyện Yên Phong trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh.
Về định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm, thành phố Bắc Ninh sẽ là trung tâm tổng hợp về hành chính - chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao cấp tỉnh; là đô thị phát triển toàn diện và bền vững về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính. Thành phố Từ Sơn là trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và công nghiệp đô thị, du lịch, vui chơi giải trí.
Với 2 thành phố được quy hoạch mới đến năm 2030: Thành phố Yên Phong sẽ là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng. Thành phố Tiên Du là trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Riêng 2 thị xã: Quế Võ sẽ là trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; Thuận Thành sẽ là trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng đồng đều về cả công nghiệp và dịch vụ hướng tới phát triển bền vững.
Về kinh tế, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8-9%/năm; tỉ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng chiếm đa số với khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng; kinh tế số chiếm khoảng 35% trong GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,3-9,5%/năm…
Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ nghèo sẽ giảm còn dưới 1%, đến năm 2025, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 75%...
Bắc Ninh sẽ hình thành 5 hành lang kinh tế - 6 vùng kinh tế động lực. |
5 hành lang kinh tế - 6 vùng kinh tế động lực
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại…
Theo đó, Bắc Ninh sẽ hình thành 5 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kết nối đô thị - thương mại - dịch vụ dọc Quốc lộ 1A, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang. Dọc hành lang sẽ phát triển tập trung theo 3 khu vực đô thị hiện hữu là: Từ Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, được giới hạn phát triển bởi các nêm xanh.
Hành lang kết nối dịch vụ - công nghiệp - thương mại dọc Quốc lộ 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp.
Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu; bố trí các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị với mật độ thấp, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, mặt nước dọc hành lang các tuyến sông; quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du.
Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc Quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành.
Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 38 và Vành đai 4 vùng Thủ đô; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành dọc tuyến Đường tỉnh 276.
Vùng kinh tế động lực gồm các đơn vị hành chính: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành. Trong đó, thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm; tập trung phát triển kinh tế theo hướng: Xây dựng, phát triển đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh, lấy người dân làm trung tâm; sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường.
Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, đặc biệt là các trung tâm mua sắm quy mô lớn; chú trọng dịch vụ logistics và vận tải, dịch vụ du lịch (du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch lịch sử cội nguồn theo dòng thời gian, các hình thức vui chơi giải trí hiện đại...).
Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng chuyên canh tập trung; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; mở rộng tích tụ ruộng đất.
Theo nhìn nhận của PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, việc quy hoạch đô thị Bắc Ninh sớm đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là điều có thể làm được, nên xếp đô thị này và xét nó trong khuôn khổ là một đô thị đặc thù, bởi tỉnh này có nguồn nội lực tiềm tàng và là đô thị có “một không hai” mà không đô thị nào trên cả nước có được - Đó là sức hút từ các đô thị di sản nằm trong vùng Thủ đô, đây sẽ là tiền đề cho mọi sự phát triển của tỉnh này trong tương lai.
Nguyên Khánh
Theo