Thứ bảy 20/04/2024 22:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Kạn: Bảo tồn kiến trúc truyền thống

10:37 | 10/11/2022

(Xây dựng) - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc truyền thống trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch bền vững.

bac kan bao ton kien truc truyen thong
Nhiều công trình đồ sộ không giấy phép mọc lên ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu làm “biến dạng” hồ Ba Bể.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn giao UBND các huyện: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng xem xét các giải pháp kỹ thuật về cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa, phục hồi các kiến trúc nhà sàn truyền thống phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, vùng miền. Tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ, tu sửa, cải tạo những nhà đã xuống cấp để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá, phân loại các công trình kiến trúc truyền thống; rà soát các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc truyền thống gắn với hoạt động du lịch; đề xuất những ngôi nhà sàn có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là những ngôi nhà sàn đã từng gắn với các sự kiện lịch sử, cách mạng trên địa bàn để có kế hoạch đề nghị xếp hạng, trùng tu, bảo tồn;

Khẩn trương lập, trình thẩm định, phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, đặc biệt đối với một số vị trí các thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

bac kan bao ton kien truc truyen thong
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn 5453 công trình có kiến trúc truyền thống.

Giao Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bắc Kạn thiết kế và ban hành thiết kế mẫu nhà theo kiến trúc truyền thống, làm cơ sở để UBND các huyện tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể nhân dân tham khảo, sử dụng; Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện đề xuất các địa danh trước mắt để ban hành Hướng dẫn quản lý tạm thời về kiến trúc, cảnh quan, việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ đối với một số vị trí các thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Khẩn trương thực hiện lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đối với các đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn tại khu vực di tích quốc gia đặc biệt theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng đề án/đề tài về bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà sàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Thông qua sản phẩm của đề án/đề tài (mô hình nhà sàn truyền thống) để nhân rộng xây dựng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện xây dựng kế hoạch tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá, phân loại các công trình kiến trúc truyền thống, đồng thời rà soát các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc truyền thống gắn với hoạt động du lịch như: Kiến trúc nhà sàn của người Tày, Nùng; nhà trình tường của người Mông, Dao.... Lựa chọn những ngôi nhà sàn có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là những ngôi nhà sàn đã từng gắn với các sự kiện lịch sử, cách mạng trên địa bàn để có kế hoạch xếp hạng, trùng tu, bảo tồn…

bac kan bao ton kien truc truyen thong
Các kiến trúc sư đang là những người tiên phong trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Bắc Kạn, trên địa bàn tỉnh hiện có 5453 công trình có kiến trúc truyền thống, trong đó kiến trúc nhà sàn có 5401 nhà; kiến trúc trình tường có 47 nhà và 5 công trình cọn nước.

Tuy nhiên, số nhà sàn còn giữ được kiểu dáng kiến trúc truyền thống như kiểu dáng loại nhà 3 đến 5 gian, 2 trái có 36 cột đến 42 cột, cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp ngói âm dương hoặc mái lợp lá cọ, diện tích khoảng 120m2 đến 150m2, thời gian sử dụng khoảng trên 40 năm là không nhiều, khoảng 1.620 nhà (chiếm 30%). Số nhà đã được cải tạo theo kiểu dáng hiện đại như kiểu dáng loại nhà 3-5 gian, 2 trái có 36 cột đến 42 cột, cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, hoặc cột khung sàn bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, mái lợp tôn hoặc ngói tráng men..., diện tích khoảng 120m2 đến 150m2, thời gian sử dụng khoảng trên 20 năm, có khoảng 2.700 nhà (chiếm 50%).

Cũng theo Sở Xây dựng, hiện Bắc Kạn có 211 nhà sàn còn giữ kiến trúc truyền thống, trong đó, huyện Bạch Thông có 6 nhà, huyện Chợ Đồn có 124 nhà, huyện Ba Bể có 81 nhà, chủ yếu tại khu vực xung quanh hồ Ba Bể và các thôn, bản dọc tuyến đường thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang.

Tháng 8/2022, Sở Xây dựng Bắc Kạn cũng đã có văn bản hướng dẫn quản lý tạm thời về kiến trúc, cảnh quan đối với các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng trong phạm vi ảnh hưởng đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể nhằm tăng cường quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trong phạm vi ảnh hưởng đến Khu di tích quốc gia đặc biệt này, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của khu vực, tạo tiền đề để phát triển du lịch truyền thống của địa phương.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load