“Cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ khởi công 3 lần không triển khai được. Vì không có tiền nên cứ 2 năm Bộ Giao thông vận tải lại mở rộng 2 thước, 2 năm sau lại mở rộng tiếp 2 thước nữa. Khi tôi là Chủ tịch tỉnh Tiền Giang còn bị dân khiếu kiện lên Chính phủ và đề nghị cách chức”.
Ông Nguyễn Hữu Chí - Thứ trưởng Bộ Tài chính - bày tỏ sự bức xúc về vấn đề giao thông trong Hội nghị Chuyên đề về Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), do Bộ Giao thông vận tải và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức sáng nay (22/8), tại TP Cần Thơ.
Dân đề nghị... cách chức Chủ tịch tỉnh
Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông ĐBSCL đang mất cân đối, tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu. Phó Thủ tướng đề nghị 13 tỉnh và thành phố thuộc vùng ĐBSCL trao đổi thẳng thắn và đề xuất giải pháp.
Hội nghị về huy động nguồn lực phát triển giao thông và logistics ĐBSCL diễn ra sáng 22/8
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL gặp khó mà mấu chốt là vì không có tiền. “Nếu bảo Bộ Tài chính cho ý kiến thì ý kiến của Bộ Tài chính là không có tiền. Vì không có tiền nên cứ 2 năm Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại mở rộng 2 thước, 2 năm sau lại mở rộng 2 thước nữa” - ông Chí cho hay.
Dẫn chứng về những khó khăn thực tế, ông Chí thẳng thắn nêu ra việc mình từng bị người dân đề nghị Chính phủ cách chức Chủ tịch tỉnh.
“Năm 2014 khi làm cao tốc làm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, lúc đó tôi là Chủ tịch tỉnh Tiền Giang. Dự án liên quan tới 7.000 dân, phía trên yêu cầu tôi bằng mọi cách phải đẩy nhanh bàn giao mặt bằng trong 3 tháng… Dân khiếu kiện lên Chính phủ đề nghị Thủ tướng cách chức Chủ tịch tỉnh Tiền Giang" - ông Chí cho biết.
Cũng theo ông Chí, đầu tư các đường cao tốc cả nước được 740 km, nhưng cả vùng ĐBSCL chỉ đếm được 40 km. Đơn cử như cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ khởi công 3 lần (có Thủ tướng dự) nhưng không triển khai được. Sự chậm chạp này gây tác động đến tình hình kinh tế xã hội từng ngày, từng tháng, từng quý từng năm cho vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí: "Dự án cao tốc khởi công 3 lần không triển khai được"
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, Chính phủ và các Bộ ngành, các địa phương phải cùng đề xuất có 1 cơ chế đặc thù thì mới giải quyết được vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL.
“Bộ Tài chính và Bộ GTVT cùng rà từng công trình, từng dự án và đánh bật ra 1 dự án xứng tầm để làm chứ cứ họp tính “tùm lum” mãi không ra, khởi không 2-3 lần không làm được. “Chỉ cần làm 1 cao tốc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, tiết kiệm được chi phí xã hội rất nhiều, Cứ làm “tùm lum” như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ… hiện nay thì tiến độ đến 2020 không xong” - ông Chí cho hay.
Trả lời vấn đề ông Chí nêu ra, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích tại Hội nghị, theo Nghị định 15 và 30, thời gian chuẩn bị thủ tục để đầu tư BOT đối với nhà đầu tư trong nước phải mất 1,5 năm và nhà đầu tư nước ngoài mất 2 năm. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc các dự án bị chậm.
Cần cơ chế đặc thù giải “bài toán” nguồn lực
Theo Bộ GTVT, giao thông đường thủy của vùng chiếm tới 70% chiều dài đường thủy của cả nước nhưng giá trị khai thác rất thấp, cần phải phát triển hệ thống này kết hợp với logistic, nhất là việc kết nối vận chuyển hàng hóa sang Campuchia, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về hải quan, thông quan.
Đối với vận tải biển, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải thực hiện thông qua thành phố Hồ Chí Minh hoặc khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, việc hoàn thiện dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, nâng cấp cảng Cái Cui, nâng cấp đồng bộ hệ thống cảng và luồng tàu sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Ngoài ra, cần xem xét xây dựng cảng biển tại đảo Hòn Khoai, Cà Mau- là giải pháp cảng nước sâu duy nhất cho đồng bằng này. Bộ GTVT cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối TPHCM - Cần Thơ để gia tăng việc vận chuyển hàng hóa.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics ĐBSCL, phá thế bao vây cô lập của từng địa phương và khơi thông kết nối cho vùng với vùng khác
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, với dự án đường cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ đang bế tắc, các Bộ ngành phải tập trung thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần rà soát và kiểm tra lại năng lực của các nhà đầu tư BOT để có hướng triển khai, vì phát triển đường bộ cao tốc có ý nghĩa rất lớn trong liên kết vùng ĐBSCL.
Theo Phó Thủ tướng, trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước tập trung nhiều nguồn lực cho hạ tầng kinh tế xã hội nói chung và hạ tầng của khu vực. Nhiều công trình lớn như: Cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Mỹ Thuận, Cần Thơ,… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phá thế bao vây cô lập của từng địa phương và khơi thông kết nối cho vùng với vùng khác. Nhu cầu phát triển lớn và đặc điểm điều kiện tự nhiên miền Tây thì nền đất yếu nên bản thân vốn đầu tư vào đây thấp, BOT chưa mặn mà đầu tư.
“Ta phải có luật về PPP (đầu tư hợp tác công tư - PV) để khơi thông nguồn lực xã hội, minh bạch, rạch ròi trong PPP chứ nếu chỉ dựa vào Nhà nước thì rất khó, phải có đột phá về BOT, PPP, nhất là dành cho logistic. Các tỉnh trong vùng phải coi đây là vấn đề quan trọng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính đặc thù nào để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL. Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phối hợp Ban Tây chỉ đạo Tây Nam Bộ và TP Cần Thơ tổ chức hội nghị thu hút nhà đầu tư logistic vào vùng ĐBSCL và công bố các chính sách, tháo gỡ vướng mắc khó khăn và tìm được các nhà đầu tư chiến lược vào vận tải cho vùng.
Theo Châu Như Quỳnhdantri.com.vn
Theo