Thứ ba 05/11/2024 01:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

"Ai... giọng Quảng không?"

10:29 | 02/07/2020

(Xây dựng) - Đâu đó có người nói rằng, ở Sài Gòn, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. Bất kể Sài Gòn bao dung yêu thương người tứ xứ thế nào, họ vẫn luôn đau đáu trông ngóng về quê hương.

ai giong quang khong

Bất kể Sài Gòn cho người tha phương bao nhiêu ước mơ tương lai, khát khao vẫy vùng, họ vẫn luôn một lòng nghĩ về ngày xưa cũ.

Tôi cũng nằm trong số những kẻ loay hoay đi tìm một chút gì để nhớ giữa Sài Gòn rộng lớn này. Không rõ đối với người nơi khác như thế nào, chứ trong các cuộc hò hẹn của hai người Quảng Nam tại thành phố, chúng tôi luôn dẫn nhau đi ăn mỳ Quảng. Nhưng ăn xong thì lại buồn hiu vì cùng tên gọi mà mùi vị khác nhau quá. Chúng tôi ăn và bình phẩm, như Nguyễn Nhật Ánh từng viết, chúng tôi là ăn bằng cả tấm lòng và kỷ niệm, bằng nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bởi vì nhớ mà ăn, vì tự hào mà tìm.

Và nếu đã là người Quảng Nam ở Sài Gòn, tôi dám chắc không ai là chưa từng một lần ghé chợ bà Hoa (Tân Bình). Nằm lọt sâu trong khu Bàu Cát, ngay trên đường Trần Mai Ninh, ngôi chợ trở nên đặc biệt bởi nơi đây bán mua những món hàng dân dã quen thuộc của các tỉnh miền Trung. Đến chợ bà Hoa, bạn sẽ tìm thấy mắm tôm chua Huế, mắm cái dì Cẩn Đà Nẵng, bánh tổ Quảng Nam, mạch nha Quảng Ngãi… Tôi thì thường ghé chợ mỗi chiều sau giờ tan làm, kêu vài dĩa lòng xào nghệ, ốc bươu hấp sả, mít non trộn hay bánh đập mắm nêm.

Món Quảng ở khắp Sài Gòn, vậy sao chúng tôi phải lặn lội đến một ngôi chợ cũ kỹ lâu đời? Có lẽ lý do đơn giản thôi. Chúng tôi không cảm thấy ngon khi ăn đồ quê trong hàng quán sang trọng hay được bày trí quá cầu kỳ. Chợ bà Hoa gần như là cái chợ thân thuộc ở mỗi xóm mỗi vùng xứ Quảng vậy. “Ăn hàng” phải ăn ở chợ thì mới ngon.

Chợ bà Hoa còn bán thứ “đặc sản” mà mỗi chúng tôi đều thèm quay quắt.

“Ai... giọng Quảng không?” - Nếu có, ghé chợ bà Hoa ngay nhé.

Chắc hẳn mọi người cho là tôi kỳ lạ. Ta bán đồ ăn, thức uống, vật dụng, ... và hàng trăm thứ khác trên đời. Chứ đời nào có ai đi bán tiếng nói! Nhưng nếu được, tôi vẫn nghĩ rằng những người sinh sống ở chợ bà Hoa, họ đang bán giọng Quảng. Và chúng tôi, những kẻ xa nhà thèm giọng nhớ tiếng là người đi mua vài phút nghe giọng quê. Một cuộc mua bán không cần tiền bạc. Chỉ cần nụ cười, cùng vài câu hỏi. Đôi khi là cả giọt nước mắt.

- Con ở chỗ mô? Vô đây đi lồm hay đi hạc? (Vào đây đi làm hay đi học).

- Hùi xưa nhà cô cũng ở xóm nớ, đi qua cách cây cầu là tới. Cô chú vô trong ni mấy chục năm rồi, miết chưa có cơ hội về lại thăm nhà…

Không cần đắn đo lo sợ người nghe khó chịu. Không ngại người ngoài bĩu môi chê dân nhà quê chân còn lấm phèn. Ở chợ bà Hoa, mọi người nói rặt giọng Quảng Nam. Đến chợ, nghe tiếng địa phương đã đời, ăn món miền Trung no “cành hông”, chúng tôi như được tiếp thêm động lực, sức mạnh để quay lại với guồng quay vội vã của cuộc sống Sài Gòn.

Giữa Sài Gòn không chỉ có một “chợ bà Hoa”. Sài Gòn còn có khu người Hoa, phố người Bắc, chợ Huế Hóc Môn, xóm ve chai Bình Định, xóm vé số Phú Yên… Sài Gòn lại thêm các hội tương tế, hội đồng hương, nhóm tình quê, nhóm thiện nguyện. Người ở đâu đến thành phố này cũng đều được chào đón và dành riêng cho một góc trời be bé để tìm hương quê. Dường như Sài Gòn đã quá rộng lượng. Không hề chấp nhất, ghen tuông với “người tình cũ”. Ai muốn nhớ quê thì cứ nhớ, Sài Gòn sẽ tạo điều kiện để họ thỏa nỗi lòng. Cũng chính vì thế, Sài Gòn thật ra đâu ngột ngạt như định kiến của nhiều người. Sài Gòn cũng không soi mói, phân biệt, hay coi thường bất kỳ người nào. Ai sao Sài Gòn cũng thu nạp, chấp nhận hết. Miễn sao người ta ăn ở với Sài Gòn cho đúng là được.

Từ những ngày đầu làm quen với Sài Gòn, tôi đã chới với loay hoay đi tìm món ăn, giọng nói khắp thành phố, chỉ mong gặp được sự đồng điệu. Nhớ Quảng, đâu chỉ là thèm tô mì gà Đại Lộc, cao lầu Hội An hay bê thui Cầu Mống. Nhớ quê, là thêm nhớ giọng thèm nghe vài câu “ăn cục nói hòn”. Chính vì thế, chợ bà Hoa vừa là nơi lưu giữ nét văn hóa hồn hậu xứ Quảng, mà cũng giống như một sự an ủi đầy yêu thương dành cho những người con miền Trung xa nhà như tôi.

Chúng tôi, những người chọn Sài Gòn để gắn bó thời thanh xuân, có kẻ rời đi, có người ở lại cả cuộc đời. Tất thảy đều nợ Sài Gòn một ân tình bao dung. Vậy thì đâu cơn cớ gì mà không đáp lại yêu thương ấy.

Biết đâu một ngày, tôi không chỉ tìm tiếng rao: “Ai… giọng Quảng không?” Mà còn khắc khoải: “Ai… Sài Gòn không?”.

Ny An

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load