(Xây dựng) - Mái Thái ngày càng phổ biến trong thi công nhà ở bởi vẻ đẹp thanh thoát, khả năng chống nóng, chống thấm hiệu quả, phù hợp với khí hậu Việt Nam. Để phát huy tối đa công năng mái Thái, gia chủ cần lưu ý những vấn đề quan trọng dưới đây khi thi công.
Lựa chọn giải pháp thi công mái thái phù hợp
Để sở hữu căn biệt thự mái Thái đẹp, chất lượng đòi hỏi quá trình thi công chi tiết, tỉ mỉ với yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện nay, có 3 phương pháp thi công mái Thái phổ biến:
Phương pháp 1: Đổ trần bê tông phẳng, sau đó tiếp tục đổ bê tông mái dốc, sau đó đắp gờ dán ngói
Ưu điểm:
- Độ bền cao, khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt
- Chống nóng, chống thấm hiệu quả
- Chống ồn tốt
- Giữ cho khoảng áp mái sạch sẽ, không bị bụi bẩn.
Nhược điểm:
- Mái bê tông có trọng lượng lớn đòi hỏi kết cấu vững chắc
- Thời gian thi công dài, chi phí lớn
Phương pháp 2: Đổ mái dốc, lợp ngói và sau đó đóng trần thạch cao bên trong.
Ưu điểm:
- Chống nóng, chống thấm hiệu quả.
- Chống ồn tốt.
- Chống chịu tốt đối với thời tiết khắc nghiệt
- Mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với nhiều phong cách kiến trúc
Nhược điểm:
- Thời gian thi công dài, chi phí cao
- Hay bong tróc ngói
- Lớp ngói và trần thạch cao cần được bảo trì định kỳ
Phương pháp 3: Đổ mái bằng, xây tường thu hồi sau đó gác vì kèo sắt hộp, lợp ngói.
Ưu điểm:
- Kết cấu mái vững chắc và bền bỉ
- Cách nhiệt và cách âm tốt
- Chống thấm tuyệt đối
- Tiết kiệm chi phí, dễ dàng sửa chữa
Nhược điểm:
- Quy trình thi công phức tạp, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật chuyên nghiệp
- Thời gian thi công dài
- Lớp ngói và kèo sắt hộp cần được bảo trì định kỳ
Lựa chọn vật liệu làm khung kèo lợp ngói
Lựa chọn vật liệu làm khung kèo lợp ngói mái Thái phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngân sách đầu tư, tính chất của vật liệu, khả năng chống chịu thời tiết. Có nhiều loại vật liệu để làm khung kèo lợp ngói mái Thái như:
- Gỗ: Là vật liệu truyền thống sử dụng trong xây dựng khung kèo mái. Gỗ có tính linh hoạt, độ co giãn và khả năng chống chịu tốt, độ bền cao. Tuy nhiên, dễ bị mối mọt, mục nát, giá thành cao khiến gia tăng chi phí xây dựng.
- Thép: Được sử dụng phổ biến làm khung kèo mái Thái, đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng, độ bền của kết cấu mái. Thép có trọng lượng nhẹ, thời gian thi công nhanh và có khả năng chống rỉ sét tốt.
- Bê tông: Có khả năng tạo độ cứng, chống thấm cao, cách nhiệt hiệu quả. Lưu ý đổ bê tông mái nhà khi nhiệt độ trên 30 độ thì cần đổ liên tục để đảm bảo tính liên kết của bê tông.
Lựa chọn vật liệu lợp mái
Khi lựa chọn vật liệu lợp mái Thái, chủ đầu tư cần cân nhắc các yếu tố như yêu cầu, sở thích, phong cách kiến trúc, ngân sách và tính chất của vật liệu. Nên tham khảo các ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn được vật liệu lợp mái phù hợp như:
- Ngói đất nung: Là vật liệu truyền thống được sử dụng phổ biến trong lợp mái Thái. Ngói đất nung được làm từ đất sét nung, có màu đỏ gạch tự nhiên mang lại giá trị thẩm mỹ cao, độ bền tốt và khả năng chống nước hiệu quả.
- Ngói bê tông (ngói màu): Có đặc tính là kiểu dáng và màu sắc đa dạng, mang đến vẻ đẹp tươi mới, rạng rỡ, cuốn hút. Ngói bê tông có độ ẩm cao, hút ẩm tốt, có khả năng chống thấm và cách nhiệt hiệu quả. Bên cạnh đó, kích thước ngói bê tông lớn giúp giảm giàn đỡ, tiết kiệm chi phí thi công.
- Tôn (tấm lợp): Là vật liệu hiện đại và phổ biến trong lợp mái Thái, có ưu điểm nhẹ, dễ lắp đặt, có khả năng chịu lực và chống chịu với thời tiết. Tấm lợp đa dạng kết cấu, màu sắc và hình dáng giúp gia chủ dễ dàng chọn lựa.
Tham khảo những mẫu biệt thự 2 tầng mái thái đẹp để có thêm những ý tưởng tuyệt vời cho ngôi nhà của bạn.
Đảm bảo đúng và đủ quy trình thi công mái thái
Khi thi công mái Thái, gia chủ cần thực hiện đúng và đủ quy trình với yêu cầu kỹ thuật cao giúp công trình mang vẻ đẹp hoàn thiện. Theo đó, quy trình thi công mái Thái gồm:
- Bước 1: Nắm vững lý thuyết về độ dốc mái
Mái Thái có độ dốc tối thiểu là 17 độ, tối đa là 90 độ. Độ dốc lý tưởng là 30-35 độ, giúp thoát nước nhanh.
- Bước 2: Xác định khoảng cách mè
Cỡ mè tối thiểu là 50mmx25mm, rui trung tâm là 600x600mm, các thanh mè ở giữa chia đều trong khoảng 310 mm - 340mm.
- Bước 3: Quan tâm đến mặt phẳng mái
Độ chênh lệch giữa hai thanh mè trên trên một mặt phẳng mái < 5mm. Mái phải vuông góc.
- Bước 4: Tiến hành lợp ngói chính
+ Lợp ngói chính chữ công, xen kẽ từ phải sang trái. Viên ngói đầu tiên cách 3cm từ bên ngoài tấm ván hông.
+ Các viên ngói áp sát với nhau, cứ 10 viên ngói thì dùng dây căng dọc theo mái để đảm bảo các viên ngói được lợp thẳng hàng.
+ Dùng vít thép 6cm để cố định viên ngói vào thanh mè, tối thiểu cách 1 hàng.
- Bước 5: Lợp ngói rìa, ngói nóc
Viên ngói cuối rìa, cuối nóc được lợp đầu tiên. Ngói rìa phải được bắt vít cố định vào mè qua vị trí lỗ đinh trên thân ngói. Ngói nóc thẳng hàng, ghép sát với nhau.
Những lưu ý quan trọng khác
Ngoài việc nắm vững các giải pháp, quy trình và vật liệu mái, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây khi thi công mái Thái để đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng cho công trình:
- Chiều xuôi mái tối đa là 10m và có độ dốc 30 độ. Lợp ngói với khoảng cách vừa đủ, không quá xa mà cũng không quá khít.
- Lau chùi vữa dính trên mặt ngói, dùng sơn cùng màu với ngói chính sơn các mạch vữa để tăng độ bóng đẹp và đồng màu.
- Giám sát chặt chẽ quá trình thi công mái: giúp đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và tiến độ thi công, phát hiện và khắc phục sớm những sai sót.
- Lựa chọn nhà thầu uy tín và giàu kinh nghiệm: đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, tiến độ và tiết kiệm chi phí thi công công trình.
Trên đây là những lưu ý quan trọng khi thi công mái Thái, hy vọng cung cấp cho chủ đầu tư những thông tin chi tiết và đầy đủ nhất khi áp dụng xây dựng và kiến tạo cho không gian sống tương lai của gia đình.
Hoàng Hiệp
Theo