Thứ ba 05/11/2024 19:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

27.700 căn nhà bị treo sổ hồng: Bệnh trầm kha, dân kêu cũng thế

21:00 | 19/09/2020

Con số được chính Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng, nếu tính cả offictel là 30.402 căn.

27700 can nha bi treo so hong benh tram kha dan keu cung the
Cần có chế tài mạnh hơn nữa để giảm tình trạng chậm sổ hồng căn hộ chung cư. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Tính ra, tỉ lệ nhà bị chậm sổ hồng theo đề cập của HoREA lên đến 72,6%. Trong số những công ty phát triển và kinh doanh địa ốc chậm sổ hồng có những cái tên như Hưng Thịnh, Novaland, Quốc Cường Gia Lai… Mỗi doanh nghiệp này chậm hàng ngàn sổ hồng đáng ra đã phải giao từ lâu cho khách hàng.

Tình trạng chậm sổ hồng đã trở thành một căn bệnh trầm kha trong nhiều năm trở lại đây trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Căn bệnh đó, rành rành: Các doanh nghiệp phát triển và kinh doanh bất động sản chỉ biết bán ra, thu tiền về, cho đến khi chỉ còn tỉ lệ ít ỏi là 5% chờ khi nhận sổ hồng trả nốt, thì đình trệ.

Khách hàng đóng hết 95% giá trị căn nhà và tất cả các loại phí, thuế, thế nhưng sổ hồng thì mờ mịt. Những dự án căn hộ bán ra chậm sổ hồng từ 2-3 năm là “chuyện thường ngày của các công ty địa ốc”. Có những doanh nghiệp còn chây ì sổ hồng đến 5-6 năm khiến các chủ căn hộ bức xúc tập trung phản đối. Ngay cả nhiều dự án được gọi là cao cấp, hạng sang, việc chậm sổ hồng từ 2-4 năm cũng đầy dãy.

Cam kết làm sổ hồng cho khách hàng là thứ cam kết mà chẳng có cam kết gì cả từ phía không ít chủ đầu tư. Hầu hết chủ căn hộ sau khi đã giao 95% giá trị căn hộ, tùy vào lòng tốt hay sự nhiệt tình của chủ đầu tư. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp chậm sổ hồng căn hộ chung cư đều do lỗi phía chủ đầu tư là các công ty phát triển và kinh doanh địa ốc.

Lỗi nhẹ thì do chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng cho các chủ căn hộ, nặng hơn chút là do công trình chậm hoàn công, nặng hơn nữa là do đất làm dự án chuyển mục đích xây dựng trái phép, xây dựng lấn chiếm… Có không ít trường hợp, do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước cho nên chưa thể cấp giấy chứng nhận. Thậm chí, có chủ đầu tư mang tài sản dự án căn hộ đi thế chấp ngân hàng, không còn có đủ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận cho khách hàng…

Qui định chế tài đối với các chủ đầu tư chậm giao sổ hồng cho khách hàng hiện nay có mức cao nhất, đối với trường hợp chậm từ 12 tháng trở lên, bị phạt 1 tỉ đồng. Như vậy cũng có nghĩa, chủ đầu tư có chậm đến 4, 5 hay 6 năm thì cũng chịu mức phạt tối đa như vậy. Và xử phạt một lần xong, nếu chủ đầu tư không khắc phục, thì chế tài còn lại cũng không có những ràng buộc đủ mạnh khiến các chủ đầu tư địa ốc phải kiêng dè.

Đó chính là điểm không hợp lí. Bởi với những nhà đầu tư cố tình cầm cố tài sản cho ngân hàng, hoặc cố tình chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước lên đến hàng trăm tỉ đồng, thì họ sẵn sàng đóng phạt đến mức 1 tỉ đồng để xoay dòng tiền theo hướng có lợi nhất cho mình. Chỉ có khách hàng, mòn mỏi đợi sổ hồng, là thiệt đơn thiệt kép.

Nhưng cũng còn nguyên nhân, do phía cơ quan quản lí Nhà nước, chậm trễ trong việc thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra là, với hơn 30.000 căn hộ chung cư và offictel hiện bị chậm sổ hồng tại TPHCM thuộc về hàng chục chủ đầu tư là các công ty bất động sản, liệu có bao nhiêu trường hợp đã bị xử phạt, có phạt mức tối đa, và phạt xong chủ đầu tư vẫn không “nhúc nhích” thì biện pháp tiếp theo là gì?...

Thực trạng việc chậm sổ hồng hiện nay dường như người dân chẳng nhờ vào đâu được cả. Cuối cùng, cũng chỉ trông chờ vào các chủ đầu tư vì đạo đức kinh doanh mà… bớt chậm hơn thôi.

Theo Thế Lâm/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Nam Định: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Văn bản số 691/UBND-VP6 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, hạn chế người tham gia đấu giá, không bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá; thanh tra, kiểm tra, giám sát về tổ chức, hoạt động của đơn vị, tổ chức đấu giá tài sản, việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên và công tác lựa chọn đơn vị, tổ chức đấu giá tài sản.

  • Bộ Xây dựng đề nghị báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo tổng số dự án bất động sản đang triển khai, danh mục dự án bất động sản có khó khăn vướng mắc được phân loại.

  • Chính phủ sẽ có các giải pháp giảm giá nhà ở, bất động sản

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về các giải pháp giảm giá nhà ở, đất động sản và ổn định thị trường bất động sản.

  • Bắc Ninh: Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân

    (Xây dựng) - Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%, thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh thành khác đến làm việc và sinh sống, đặc biệt là lao động công nhân ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở dành cho công nhân trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân để thúc đẩy phát triển là việc làm cấp thiết.

  • Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng

    (Xây dựng) – Đó là một trong những mục tiêu chính trong Kế hoạch của Bộ Xây dựng thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/05/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều dự án bất động sản được gỡ vướng pháp lý, khơi thông nguồn cung

    (Xây dựng) - Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của Thành phố Hồ Chí Minh đã xem xét giải quyết pháp lý cho 30 dự án bất động sản. Trong đó, 8 dự án được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn, còn 22 dự án khác đang tiếp tục được xử lý.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load