Thứ năm 18/04/2024 10:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Yên Thế (Bắc Giang): Doanh nghiệp có đang coi thường an toàn trong xây dựng?

21:11 | 04/11/2020

(Xây dựng) - Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh về việc, công trình xây dựng 15 phòng chức năng trường THCS Hoàng Hoa Thám (huyện Yên Thế, Bắc Giang) thi công không đảm bảo an toàn lao động; người lao động không được ký hợp đồng lao động, bảo hiểm; thiếu giám sát tại công trình, gây nguy hiểm cho người lao động, hoạt động dạy, học của thầy và trò tại đây.

yen the bac giang doanh nghiep co dang coi thuong an toan trong xay dung
Công trường thi công không có lưới che an toàn cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và người lao động.

Nhà thầu có đang “coi thường” quyền lợi người lao động?

Làm việc với ông Đoàn Ngọc Ái – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Yên Thế, ông cho biết: Công trình xây dựng 15 phòng chức năng trường THCS Hoàng Hoa Thám huyện Yên Thế, do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Yên Thế làm chủ đầu tư và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Đức Duy thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Dũng Bắc Giang. Dự án có vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng thực hiện trong thời gian từ tháng 6/2020 tới tháng 1/2021.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại công trình đang thi công ghi nhận thực tế đều không có các biện pháp đảm bảo an toàn như: Lưới che, quây tôn. Hiện các công trình đang thi công đến tầng 2 nhưng giàn giáo làm rất tạm bợ, không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu đề ra đối với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam “Giàn giáo – các yêu cầu an toàn”.

Quy định yêu cầu chung đối với các bộ phận dùng để lắp đặt giàn giáo phải phù hợp với hồ sơ kỹ thuật và những quy định là phải bảo đảm các yêu cầu về cường độ, kích thước và trọng lượng. Giàn giáo phải được thiết kế và lắp dựng đủ chịu lực an toàn theo tải trọng thiết kế. Nhưng ở đây, tất cả các thanh chống giáo đều làm bằng gỗ tạp, tròn trơn không chắc chắn. Mặt bằng thi công khu vực khá lồi lõm nên có những chỗ chân giáo được chống bằng gạch viên rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Tại công trình này, dễ dàng nhận thấy tại khu vực làm việc, các công nhân xây dựng treo mình làm việc trên cao trong điều kiện đồ bảo hộ thô sơ, thậm chí không có đồ bảo hộ lao động. Trên giáo có các công nhân đang làm việc, nhưng không có đồ bảo hộ lao động như: Mũ, giày bảo hộ, gang tay, không có dây đeo, cá biệt có người còn cởi trần để thi công.

Bên cạnh đó, các công nhân tại đây không có hợp đồng lao động cũng như các quyền lợi cơ bản về sức khỏe, an toàn lao động. Theo tìm hiểu, mỗi công nhân được trả từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng/ngày công. Hơn nữa, tất cả các công nhân tại đây đều chưa từng được tập huấn an toàn lao động… theo đúng quy định của pháp luật.

Anh Nguyễn Văn Thăng – Công nhân làm việc tại công trường cho biết: “Chúng tôi chỉ làm việc qua cai thầu, không có hợp đồng lao động. Giám sát công trình ở bên huyện, thỉnh thoảng mới tới công trình”.

Trò chuyện với chị Quyền - một công nhân khác tại công trình cho biết: “Chúng tôi chỉ đi làm theo công nhật với giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/ngày công, không được ký hợp đồng cũng như các chế độ nào hết. Lâu lâu, giám sát công trình và kỹ thuật viên mới tới, chúng tôi làm việc ở đây tự chủ động công việc là chủ yếu”.

Trao đổi về vấn đề không có giám sát công trình, kỹ thuật viên ông Đoàn Ngọc Ái cho biết: “Các công trình trên địa bàn là những công trình nhỏ, việc trả lương cho kỹ thuật viên là rất khó khăn, nên một kỹ thuật viên phải phụ trách một lúc nhiều công trình. Quản lý công trình cũng không thể có mặt 24/24h tại công trường theo đúng quy định”.

Dư luận đặt ra câu hỏi với một công trình có vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng và đặc biệt là xây dựng cơ sở giáo dục, nơi học tập của các em học sinh mà công tác quản lý về chất lượng công trình lại bị xem nhẹ, liệu chất lượng xây dựng tại công trình có đảm bảo?

Đừng để “mất bò” mới lo làm chuồng

Gần đây, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động, tai nạn tại các trường học đã xảy ra rất thương tâm. Phần lớn nguyên nhân là do nhà thầu không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về đảm bảo an toàn cho người lao động. Đáng nói, trong khi thi công các công trình xây dựng, có không ít những đơn vị thi công coi công tác bảo đảm an toàn chỉ là thứ yếu nên thực hiện công tác này một cách đối phó và không đúng quy định. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng cũng chưa thực sự quan tâm, kiểm tra, xử lý… Đến khi có tai nạn xảy ra lại "đá bóng" trách nhiệm cho nhau.

yen the bac giang doanh nghiep co dang coi thuong an toan trong xay dung
Học sinh vui chơi ngay sát công trường đang thi công nhưng không có rào chắn, vách che để đảm bảo an toàn.

Khảo sát tại công trình tại trường THCS Hoàng Hoa Thám cho thấy, đơn vị thi công đã bỏ qua rất nhiều hạng mục về đảm bảo an toàn lao động như: Lưới che an toàn, quây tôn, rào chắn… gây nguy hiểm cho học sinh đang học tập tại trường và người dân sống xung quanh công trường. Lưới che công trình cũng bị nhà thầu “bỏ quên” gây ô nhiễm tiếng ồn cho người dân sống gần công trường. Đặc biệt, ngay cạnh công trường, hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh đang diễn ra trong khuôn viên trường nhưng không có rào chắn đảm bảo an toàn.

Nỗi lo lắng này là chính đáng, khi học sinh đang ở độ tuổi hiếu động, thích khám phá, vì thế khi đến trường rất dễ gặp tai nạn, rủi ro. Trong khi rào chắn công trình sơ sài, vào những giờ ra chơi học sinh vui chơi ngay sát công trình đang thi công không khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con em mình.

Qua tìm hiểu, Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Đức Duy trong thời gian qua đã trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, với thực tế quá trình thi công tại công trường đang “bỏ qua” nhiều quy định đảm bảo an toàn lao động và quyền lợi người lao động khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực cũng như trách nhiệm của nhà thầu.

Công trình xây dựng 15 phòng chức năng trường THCS Hoàng Hoa Thám huyện Yên Thế được xem là một công trình trọng điểm của huyện trong thời điểm này. Công trình cũng nằm gần Ban quản lý dự án huyện Yên Thế, tuy nhiên việc nhà thầu lơ là trong công tác đảm bảo an toàn lao động là một dấu hỏi lớn về công tác quản lý của chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công và Ban quản lý dự án huyện Yên Thế.

Việt Trinh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load