Thứ ba 23/04/2024 13:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Yên Dũng (Bắc Giang): Cần làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại xã Tư Mại

08:58 | 07/09/2020

(Xây dựng) - Thời gian qua, tuyến mương nước tiếp giáp Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu của Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) chảy qua cánh đồng thôn Tân Hưng, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang liên tục đổi màu đen, trắng đục, nồng nặc mùi hoá chất, khiến sinh vật bị tận diệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

yen dung bac giang can lam ro nguyen nhan gay o nhiem moi truong tai xa tu mai
Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu - địa chỉ xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đang bị người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường.

Tuyến mương gần Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu của Công ty Hòa Bình sẽ tiếp nhận nước ở các cánh đồng và nước thải sinh hoạt của tổ dân phố Đông Hương, thị trấn Nham Biền và nước thải của Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu (thuộc Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình) rồi đổ về kênh tiêu thuộc địa phận thôn Tân Hưng, xã Tư Mại.

Theo phản ánh của những người dân sinh sống tại khu vực này, người dân nhiều lần phát hiện tuyến mương trên có tình trạng nồng nặc mùi hoá chất có mùi hắc như axit, mùi dầu thải. Mỗi lần như vậy, nước chảy tới đâu thì cá chết trắng tới đó. Tuyến mương phục vụ lấy nước tưới tiêu ruộng đồng, phục vụ sản xuất thế nhưng người dân chăn nuôi dọc tuyến mương không dám sử dụng nguồn nước ở đây. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước diễn ra từ lâu nhưng ở mức độ nghiêm trọng, thường xuyên hơn từ đầu năm đến nay.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay vị trí xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu của Công ty Hòa Bình nằm sát ruộng canh tác của người dân và cách khu dân cư khoảng gần 1km. Khi nhà máy hoạt động thì có hai cột khói trắng đục bay lên.

Bác Nguyễn Văn Nh có ruộng trồng hoa màu sát Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu cho biết: “Tôi thuê vài sào ruộng tại khu vực này để hoa màu, tuy nhiên khói bụi nhà máy xả ra gây ra hiện tượng sương mù bao trùm lên khu vực trồng, vì vậy năng suất thu hoạch kém đi. Đối với nguồn nước để tưới tiêu thì chúng tôi không dám dùng nước ở mương xung quanh nhà máy, vì khi dùng nguồn nước đó thì hoa màu sẽ bị chết ngay”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu N tại thôn Tân Hưng cho biết, từ đầu năm 2020, tình trạng mương nước có màu lờ lờ, nồng nặc mùi hoá chất, hắc như mùi axit liên tục diễn ra. Mỗi lần như vậy cá lại chết tụ đống ở mương. Từng được cùng đoàn kiểm tra của huyện vào phía trong khu vực Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu Hoà Bình, ông Năm phát hiện mùi hoá chất ngoài mương nước giống hệt mùi hoá chất do nhà máy đang xử lý. Người dân cho rằng Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu Hoà Bình xả thải trộm ra ngoài môi trường đã nhiều lần nhưng không bắt được quả tang.

yen dung bac giang can lam ro nguyen nhan gay o nhiem moi truong tai xa tu mai
Khi nhà máy hoạt động thì có hai cột khói trắng đục bay lên.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng ông Lại Văn Hà – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng cho biết: Chúng tôi đã theo dõi, giám sát nhiều lần rồi nhưng chúng tôi chưa bắt được đối tượng xả thải. Cách khoảng 1km so với nguồn thải về phía hạ lưu có xảy ra tình trạng cá chết, nguồn nước ô nhiễm chứ không phải là xung quanh Nhà máy.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã có buổi kiểm tra nhưng chưa có cơ sở để kết luận. Các ngành đang phối hợp dùng các biện pháp nghiệp vụ, cùng nhân dân giám sát để bắt đối tượng này. Theo chúng tôi nhận định là người ta xả thải trực tiếp từ các xe, chứ không phải từ nhà máy.

Nếu các anh có thông tin bằng phương pháp nghiệp vụ, khẳng định thì chúng tôi sẽ làm việc với nhà máy và có biện pháp xử lý. Chúng tôi mong muốn bắt và xử lý thật nghiêm, cần thiết chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền là dừng hoạt động nếu chúng tôi nắm bắt được đầy đủ chứng cứ - ông Lại Văn Hà thông tin thêm.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Chúng tôi đã làm việc với huyện Yên Dũng, tuy nhiên chúng tôi còn phải làm việc với một số đơn vị khác thì mới có kết luận.

Đối với việc này, UBND tỉnh Bắc Giang đã Văn bản số 3814/UBND-MT chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với huyện Yên Dũng, cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý về tình trạng “đầu độc” môi trường tại huyện Yên Dũng.

Nói riêng về Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu của Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình, trong quá trình đi vào hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu đã vấp phải nhiều ý kiến của người dân sinh sống xung quanh nhà máy. Đỉnh điểm trước đó là việc xả thải làm cháy lúa của nhân dân thôn Đông Hương xã Nham Sơn.

Ngày 25/4/2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng đã có báo cáo số 19/BC-TNMT về việc kết quả kiểm tra giải quyết đề nghị của nhân dân thôn Đông Hương, xã Nham Sơn về việc xả thải làm cháy lúa của Công ty Hòa Bình. Nội dung báo cáo ghi rõ, tại thời điểm kiểm tra cánh đồng lúa giáp với Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu Hòa Bình (khu phía tây) bị cháy lá bất thường, lá lúa vàng cháy khô trong khi gốc lúa vẫn tươi, trên một khoảng lớn diện tích đã được UBND xã, Ban quản lý thôn Đông Hương và Giám đốc nhà máy xác nhận là 130.905 m2 (tương đương 36 mẫu, 3 sào, 9 thước) thuộc các xứ đồng Bộ Đội, Sáu Mẫu, Đồng Sòng, Ngõ Giác, Hàng Đều, Đường Lăng. Khi phát hiện thấy lúa bị cháy, UBND xã Nham Sơn, Ban quản lý thôn và một số người dân đã liên hệ làm việc với nhà máy, ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc Nhà máy đã thừa nhận diện tích lúa bị cháy táp lá do khói của nhà máy gây ra…

Ngày 27/7/2017, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã ký Quyết định số 416/QĐ-TNMT, kiểm tra đột xuất việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại Công ty Hòa Bình, với sự tham gia của đại diện Công an tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương.

Theo xác minh, từ năm 2016 đến hết ngày 29/7/2017, Công ty Hòa Bình đã ký hợp đồng tiếp nhận, xử lý chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường (trong đó có cát đúc thải) với Công ty TNHH Selta (Công ty Selta) và Công ty Honda Việt Nam (Công ty Honda) với tổng khối lượng là 3.022,450 tấn. Trong đó, Công ty Hòa Bình sử dụng hơn 1.500 tấn để sản xuất gạch block; chuyển giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công hơn 1.300 tấn để sản xuất xi măng tại Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công III ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Qua kiểm tra đột xuất tại Công ty Hòa Bình và tổ chức xác minh thực tế tại Công ty Honda, Công ty Selta và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công về hoạt động tiếp nhận và chuyển giao chất thải của Công ty Hòa Bình, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang phát hiện, các công ty chủ nguồn thải đã không giám sát quá trình vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định, có những số liệu mâu thuẫn nhau.

Số liệu thống kê cho thấy, tính riêng năm 2016, Công ty Hòa Bình đã “bỏ ngoài sổ sách” 37,705 tấn chất thải của Công ty Selta. Đoàn kiểm tra cũng xác định, khối lượng chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường theo báo cáo của Công ty Hòa Bình, Công ty Honda và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công chênh lệch lần lượt năm 2016 là 439,66 tấn và năm 2017 là 845,06 tấn. Như vậy, có tới hơn 1300 tấn chất thải đã “bay hơi”.

Thiết nghĩ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng cần phải sớm vào cuộc một cách quyết liệt, kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Khánh An – Thanh Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load