(Xây dựng) - Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Yên Bái, tính đến hết ngày 12/4, trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Văn Yên đã có 120 ngôi nhà của người dân bị hư hỏng, trong đó có 4 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và 116 ngôi nhà bị tốc mái. Về nông nghiệp có 200ha ngô và 200ha cây lâm nghiệp ở huyện Lục Yên bị gãy đổ. Ước tính thiệt hại do dông lốc gây ra tại hai huyện Lục Yên và Văn Yên khoảng gần 10 tỷ đồng.
Một căn nhà đang được sửa chữa lại ở Yên Bái.
Nhận định về tình trạng mưa kèm lốc kéo đến gây ảnh hưởng đến nhà cửa của dân, ông Nguyễn Văn Quang, trú tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cho biết: Do thời tiết thất thường dẫn đến hoa màu bị thiệt hại. Cam tự nhiên rụng, bưởi ra hoa cũng chẳng đậu quả, lúa… đều thiệt hại.
Được biết, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa suy yếu, riêng vùng núi Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên mực 5.000m, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái sáng sớm 8/4 đã có mưa rào và dông rải rác, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân trên địa bàn các huyện Lục Yên, Văn Yên (Yên Bái).
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện đã xuống kiểm tra, chỉ đạo các xã tập trung huy động lực lượng tại chỗ, giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại do dông lốc gây ra. Riêng huyện Văn Yên trước mắt hỗ trợ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 triệu đồng.
Ngoài ra, để nhanh chóng nắm bắt tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, các huyện đang chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì lịch trực, theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra để lãnh đạo địa phương sớm có giải pháp cấp kỳ, giúp dân tránh nạn.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái, tính đến 11h ngày 18/2, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 276 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó năm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn tại hai huyện Yên Bình, Lục Yên, 271 ngôi nhà bị tốc mái ở các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình. Thiên tai còn làm một nhà văn hóa bị sập đổ, bốn nhà văn hóa, nhà tập thể, nhà máy và một ngôi nhà của một trường học ở huyện Yên Bình bị tốc mái.
Ngoài ra, mưa đá và lốc xoáy làm hơn 5ha hoa màu, cây lâm nghiệp bị đổ gãy và thiệt hại 58 lồng cá tại huyện Yên Bình. Ước tính thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Ban Chỉ huy các huyện, xã huy động lực lượng, giúp người dân khắc phục thiệt hại.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra, thống kê thiệt hại và chỉ đạo nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống.
Trước đó, vào đêm 17/2, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra mưa to kèm tố lốc gây nhiều thiệt hại tại các huyện Ba Bể và Pắc Nặm. Đến ngày 18/2, tại khu vực huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cũng có 312 nhà dân ở các xã Cao Trĩ, Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, Quảng Khê, Địa Linh… bị tốc mái, hư hỏng. Phân trường Bản Duống (Coọc Mu, xã Hoàng Trĩ) bị tốc mái. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của UBND huyện Pác Nặm, toàn huyện có khoảng 13 nhà dân bị tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Bộc Bố.
Ông Lưu Quốc Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Ngoài thiệt hại về tài sản thì tại địa bàn huyện có ba người bị thương do mưa lốc. Cụ thể, tại thôn Nà Lìn, xã Địa Linh, mưa và gió lốc làm vỡ mái phi-brô xi-măng, rơi vào trong nhà khiến bà Triệu Thị Nha và cháu Lâm Thị Phương Thảo bị thương. Cả hai bà cháu đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tại thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ, bà Nguyễn Thị Nông bị thương do sập mái nhà. Ngay sau khi mưa lốc xảy ra, chính quyền các địa phương đã cử cán bộ xuống các xã, huy động lực lượng dân quân thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", giúp người dân ổn định cuộc sống, sửa chữa nhà cửa. Lãnh đạo các huyện Ba Bể và Pác Nặm đã đến thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương, chỉ đạo các xã thống kê chi tiết thiệt hại, lên phương án hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Theo trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia thông báo, năm nay khí hậu nhiều biến động, các địa phương phải tự chủ động phòng tránh thiên tai.
Đức Hải
Theo