(Xây dựng) - Năm 2016, lượng khách du lịch đến với huyện Cô Tô tăng đột biến với khoảng 300.000 lượt du khách, trong đó có 676 lượt du khách nước ngoài, tổng doanh thu ước đạt trên 400 tỷ đồng. Đây là con số vô cùng ấn tượng đối với huyện còn “non trẻ” trong dịch vụ du lịch. Nếu so với dân số của huyện Cô Tô thì số lượng khách du lịch ra đảo năm 2016 gấp 50 lần.
Đảo Cô Tô con nhìn từ xa.
Theo số liệu thống kê, trong tổng số lượt khách đến Cô Tô thì có tới 70-75% khách thuê phương tiện đi từ Cô Tô lớn đến Cô Tô con. Đảo Cô Tô con được biết đến như một thiên đường bởi nơi đây chưa có dân sinh sống, có rừng nguyên sinh, bãi cát trắng mịn trải dài, những rạn san hô đa sắc màu đẹp lung linh... Chính vì vậy, nếu ai đó đến Cô Tô mà chưa đặt chân đến Cô Tô con như chưa từng đến Cô Tô.
Nhắc đến Cô Tô là nghĩ đến huyện đảo có nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, như: Mực ống, mực lá, cá song, bào ngư, cầu gai, sò, đặc biệt Cô Tô con có những rạn san hô, rải đá, hang đá sâu tạo nơi trú ẩn cho vô số loài hải sản sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên vào những năm 2002-2004 do nhiều ngư dân khai thác hải sản bằng thuốc nổ, vì vậy các rạn san hô bị chết nhiều. Trước thực trạng đó, huyện đã mời các nhà khoa học ra nghiên cứu tìm ra giải pháp để bảo tồn, phát triển hệ san hô đang có nguy cơ bị suy giảm. Dựa trên các kết quả thử nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành trồng san hô ra diện rộng, tới 700 tập đoàn với trên 90 giá thể dạng vòm, 450 tập đoàn trên diện tích 300m2 giá thể tự nhiên với các giống san hô Tubirania, Platygyra, Gonopora, Ganaxea, Pavona. Một năm rưỡi sau cho kết quả tỷ lệ sống tương đối cao, tốc độ phát triển ở dạng vòm 2,11cm/năm, tự nhiên 1,68cm/năm. San hô nuôi trồng thực nghiệm đang phát triển rất tốt.
Để bảo vệ được nguồn tài nguyên biển làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, huyện Cô Tô có ý tưởng xây dựng Cô Tô con thành khu bảo tồn biển để thu hút các nhà khoa học trong nước và trên thế giới hội tụ về tổ chức các hội thảo, nghiên cứu, phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, để thực hiện được ý tưởng đó, trước hết cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành từ huyện, tỉnh đến Trung ương. Nhưng trước tiên phải lập được quy hoạch để kêu gọi đầu tư tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, Trung ương. Một điều vô cùng quan trọng nữa chính là làm sao lôi kéo được các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, biến Cô Tô con trở thành nơi hàng năm các nhà khoa học hàng đầu thế giới tổ chức hội thảo, đồng thời gắn với phát triển du lịch của Cô Tô con nói riêng và huyện Cô Tô nói chung.
Cũng theo ông Lê Hồng Giang, để biến ý tưởng đó thành hiện thực quả không dễ, bởi Cô Tô hiện nay chưa có nhà đầu tư tầm cỡ lớn nào vào khai thác du lịch, đặc biệt là việc kêu gọi nhà đầu tư, nhà khoa học quan tâm, vào cuộc. Bên cạnh đó khai thác du lịch ở Cô Tô chỉ được một mùa. Đổi lại, Cô Tô con lại có được những thuận lợi như khí hậu trong lành, thiên nhiên hoang sơ, có nguồn tài nguyên biển phong phú, nhiều loài hải sản quý. Hơn nữa, Cảng hàng không Quảng Ninh đi vào hoạt động cũng là lợi thế để du khách, các nhà khoa học có thể đến với Cô Tô con bằng trực thăng hay thuỷ phi cơ. Chính vì vậy, theo ông Giang, việc xây dựng và phát triển Cô Tô con thành khu bảo tồn biển là hoàn toàn khả thi.
PV
Theo