Thứ hai 11/11/2024 18:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Ý kiến người dân về TTHCTT Đà Nẵng: Nên di dời

06:00 | 17/08/2016

(Xây dựng) - Sự đồn thổi, bóng gió về việc nên di dời Trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT) Đà Nẵng trong thời gian qua chính thức được mở ra khi vấn đề này được đại biểu Trần Văn Trường chất vấn Phó Chủ tịch UBND Đặng Việt Dũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, diễn ra ngày 11/8 vừa qua.


Việc di dời TTHCTT TP Đà Nẵng đang là tâm điểm dư luận.

Đi, ở, lãng phí tiền tiền bạc… là những thông tin liên quan đến việc xây dựng, di dời TTHCTT Đà Nẵng được diễn ra rất nhiều trên các trang báo và trên cả những trang mạng xã hội. Đây là một vấn đề lớn không phải ngày một ngày hai có thể quyết được. Nhưng để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, chúng tôi xin lược đăng ý kiến đề xuất đóng góp của người dân Đà Nẵng với tâm huyết và mong muốn sự phát triển đối với thành phố này. 

Ông Phạm Quyết Thắng, tổ 148, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê cho rằng nên di dời TTHCTT và đã có thư đề xuất gửi lên UBND TP, HĐND thành phố Đà Nẵng. Theo bức tâm thư gửi chính quyền, ông Thắng cho rằng: Không cần phải đưa ra nhiều lý do gây tranh cãi, tôi xin khẳng định rằng cho dù tòa nhà TTHCTT có hiện đại đến đâu chăng nữa, công năng sử dụng có tốt nhất thế giới chăng nữa thì việc di dời đến địa điểm mới là việc phải làm, và làm càng nhanh càng tốt. Với những lý do sau:

Hạ tầng giao thông của khu vực TTHC TP hiện nay có từ trước giải phóng nên thật sự đã quá tải sau hơn 40 năm, nay lại phải gồng mình khi tập trung hàng chục ngàn công chức, nhân dân đi lại với số lượng phương tiện tăng quá cao, đặc biệt vào các giờ cao điểm gây ra kẹt đường. Như vậy thì việc di dời TTHC TP là việc làm không chỉ phù hợp mà còn rất đúng đắn, bởi với tỉ lệ nhập cư rất cao (khoảng 26%/ năm), thì trong vòng 3-5 năm nữa, không biết khu vực TTHC TP hiện nay xe lưu thông kiểu gì.

Lợi ích khi di dời TTHCTT là sẽ kéo dãn được mật độ giao thông khu trung tâm, nâng cao giá trị du lịch ven bờ sông Hàn lên một tầm cao mới. TTHCTT đặt ở đâu thì ở đó sẽ được nâng cao giá trị hạ tầng xã hội như đất đai, hình thành thêm những khu dân cư mới, những con đường mới khang trang hơn, thuận tiện hơn cho sự phát triển trong tương lai gần. Đà Nẵng hiện nay vẫn còn đất đai để lựa chọn vị trí. Đây là lợi thế mà Đà Nẵng còn có được hơn so với Hà Nội hoặc TPHCM. Nếu càng để lâu, việc di dời càng trở nên tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều.

Quan điểm thực hiện di dời về mặt quy hoạch không nên di dời quá xa khu trung tâm TP, nên di dời trong phạm vi bán kính khoảng 10km, với khoảng cách này ta không những tính toán để dành không gian cho sự phát triển hạ tầng của TP trong tương lai, mà còn cho phép các nhà quy hoạch đô thị tính toán phù hợp cho việc quy hoạch tuyến đường sắt trên cao nối từ khu vực trung tâm TP đến khu hành chính mới. Đây là phương tiện chính không chỉ của hàng ngàn công chức đi làm hàng ngày mà còn mang đến sự tiện lợi cho việc di chuyển của người dân trên dọc tuyến, cũng như người đi làm các thủ tục tại TTHC mới của TP. Khi đó người dân và công chức không cần đi ô tô hoặc xe máy. Điều này góp phần làm giảm số lượng xe cá nhân một cách bền vững mà không cần phải cấm đoán gì cả. Cần có quy định cụ thể trong quy hoạch các khu dân cư mới phải dành không gian cho việc xây dựng các trạm tàu điện trên cao, nếu không có thì không duyệt hồ sơ xây dựng...


Ông Phạm Quyết Thắng (ngoài cùng bên phải) đã có thư đề xuất gửi lên UBND TP, HĐND TP Đà Nẵng nên di dời TTHCTT.

Đối với việc lập dự án và thiết kế mới, nên hình thành khu vực hành chính gồm các tòa nhà chức năng trong một khu để tiện cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt trong thiết kế phải chừa không gian cây xanh, không gian mở để không ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai khi cần xây thêm các phòng chức năng khác. Tính toán đường đi vào ra của từng khu vực chức năng trong TTHC TP mới một cách khoa học, từ khu để xe, hoặc nhà ga xe buýt, ga tàu điện trên cao đi vào TTHCTT mới với khoảng cách đi bộ tối đa không vượt quá 500m.

Thiết kế phòng tuyến cho đoạn đường sắt trên cao từ khu trung tâm TP đến khu TTHC TP mới, bố trí các nhà ga trên cao phù hợp ở các điểm khu dân cư và khu mua sắm gần trên tuyến, với kết cấu trụ bê tông dầm thép đơn giản, dễ thi công, tiến độ nhanh hơn so với Hà Nội và TP HCM đang xây dựng hiện nay, kết cấu này các nước phát triển đang dùng rất nhiều. Đây sẽ là khởi điểm rất quan trọng cho phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và bền vững ở TP Đà Nẵng trong tương lai

 Về vấn đề tài chính, nên bán lại tòa nhà TTHCTT hiện nay cho các doanh nghiệp, tập đoàn chuyển đổi công năng với giá tối thiểu tương đương với phần chi phí bỏ ra. Lấy số tiền này xây lại khu TTHC TP mới.

Ta nên nhìn vào lịch sử để thấy được tương lai đối với TP Đà Nẵng. Bắt đầu từ điểm nhấn cầu sông Hàn, giờ đây chúng ta đã có cả dẫy đường Phạm Văn Đồng, khu đường bờ biển Hoàng Sa phát triển rực rỡ. Bắt đầu từ điểm nhấn cầu Trần Thị Lý, giờ đây ta đã có cả khu vực đường Nguyễn Văn Thoại, đường Võ Nguyên Giáp và bãi biển T20 khang trang, sạch đẹp.

Bắt đầu từ điểm nhấn cầu Rồng đã kết nối cả khu vực giữa các cầu nêu trên tạo nên sự đồng bộ cho toàn khu phía đông phát triển hạ tầng vượt bậc với cả hàng chục km đường ven biển Đà Nẵng. Bắt đầu từ một tuyến cáp ngắn làm điểm nhấn, giờ đây chúng ta đã có cả khu du lịch Bà Nà Hill tạo điểm đến cho hàng triệu du khách.

Và bắt đầu từ điểm nhấn tòa nhà TTHCTT đến nay ta đã có hàng loạt nhà cao tầng góp phần tạo nên con đường du lịch ven sông Hàn sạch đẹp nhất nước. Nhân đây cũng xin nói rõ rằng trước khi có dự án xây dựng TTHC TP thì chưa có nhà đầu tư nào có dự định xây nhà cao tầng, nhưng khi chi cần nghe đến dự án TTHCTT đã có khách sạn, chung cư xây theo và hoàn thành trước TTHCTT do thủ tục giấy tờ của việc xây dựng TTHC TP lâu hơn mà thôi.

Như vậy, các điểm nhấn nêu trên đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm khởi nguồn cho sự phát triển TP, và đó cũng là căn cứ khẳng định tòa nhà TTHC TP đã hoàn thành sứ mệnh mà giai đoạn lịch sử đó đã giao cho nó, quyết không phải do tầm nhìn, lãng phí… như nhiều ý kiến dư luận đã nêu.

Việc chúng ta làm trên cơ sở mang tính căn nguyên của chân lý “có ích cho đất nước, có lợi cho nhân dân” thì không có gì phải ngại. Chúng ta không coi thường lịch sử bởi chúng ta mong muốn được tương lai tôn trọng chúng ta. Giá trị của lịch sử chỉ được khẳng định trong tương lai, mà giá trị của tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào những việc ta làm hôm nay. Và việc ta làm hôm nay là việc làm “có ích cho đất nước, có lợi cho nhân dân”. Vậy, ta hãy ngẩng cao đầu mà thực hiện việc làm chân lý ấy!

Với các căn cứ nêu trên, tôi rất mong các vị lãnh đạo TP, hội đòng nhân dân cùng người dân TPĐN đoàn kết quyết tâm xây dựng nên một TTHC TP mới, thêm một điểm nhấn mới, một khu đô thị mới nhằm tạo dựng lên một thành phố Đà Nẵng luôn mới và phát triển hiện đại và bền vững.

Ngọc Long (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load