Hòa Bình những năm gần đây được thay đổi diện mạo bởi những khu đô thị mới khang trang, bề thế. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khu nhà hư hỏng, xuống cấp, mà hầu hết đều là nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Những khu nhà này cho đến nay đã được bán lại cho nhân dân theo Nghị định 61/CP của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tất cả vẫn trong tình trạng xập xệ, đã quá khấu hao. Do vậy, công tác quản lý nhà của các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, vẫn chưa thể đem lại được cho người dân chốn “an cư” đúng nghĩa được.
Khu nhà xuống cấp nghiêm trọng ở TP Hoà Bình.
Hiện nay, tổng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước của tỉnh Hòa Bình bao gồm hơn 1.291 căn hộ, diện tích ở gần 50 nghìn m2, hầu hết đều là các dãy nhà 5 tầng do Liên Xô xây dựng để phục vụ cho yêu cầu thi công của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Những khu nhà này, người dân được sử dụng dưới hai hình thức: Mua lại và cho thuê. Hình thức cho thuê chỉ riêng ở khu Chuyên gia - trước đây là nơi ở của các chuyên gia Liên Xô, khu nhà vẫn do Cty CP Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Hòa Bình quản lý và cho thuê.
Do các khu nhà nói trên được xây dựng từ những năm 1986 nên đến nay đều đã trở nên tồi tàn, xuống cấp. Một số khu nhà trước đây được xây dựng theo kiểu lắp ghép các tấm lớn với nhau nên sau hơn 20 năm sử dụng đã xập xệ nghiêm trọng, mái nhà xuống cấp, tường vữa bong tróc, các công trình vệ sinh hư hỏng, hệ thống thoát nước hoạt động kém… Dẫn đến tình trạng vào mùa mưa nước ngấm từ mái nhà xuống các tầng bên dưới gây nên tình trạng ẩm mốc, tường vữa nứt nẻ, môi trường ô nhiễm… gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.
Việc quản lý những khu nhà này trước thực trạng đó trở nên khó khăn hơn. Bởi các khu nhà được xây dựng từ khá lâu, xuống cấp trầm trọng, để sử dụng được thì cần phải đầu tư và sửa chữa với số lượng và nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn thu từ việc cho thuê nhà thấp, không đáp ứng được đủ kinh phí cho việc đầu tư cải tạo sửa chữa nâng cấp các khu nhà trên. Việc huy động vốn để sửa chữa gặp nhiều khó khăn, phương án vay vốn ngân hàng để duy tu sửa chữa nhà ở không khả thi do thu không đủ chi. Thêm nữa, tình trạng cơi nới không gian, lấn chiếm mặt bằng, phá hoại tài sản công vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị…
Đứng trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã duyệt cấp kinh phí cho yêu cầu sửa chữa các khu nhà bằng toàn bộ nguồn thu được từ tiền cho thuê nhà. Đồng thời, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP. Công tác bán nhà đã tiến hành có kết quả, tạo điều kiện cho người sử dụng có không gian sống riêng, mở rộng khả năng huy động vốn của các hộ để cùng Nhà nước tham gia vào xây dựng, cải tạo, sửa chữa đảm bảo chất lượng kỹ thuật và cũng tạo nên được diện mạo mới cho đô thị thành phố... Thực tế, hầu hết người dân sau khi mua nhà đều phải sửa sang lại, họ phải bỏ ra những khoản tiền lớn để cải tạo lại ngôi nhà. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt, vẫn không thể cải thiện được nhiều hiện trạng xuống cấp của các khu nhà, chỉ khi các cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể giải quyết triệt để thực trạng khó khăn này.
Công tác quản lý nhà ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dù còn nhiều khó khăn, tuy vậy vẫn cần những chủ trương, biện pháp tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc cải tạo các khu nhà cũng như cảnh quan xung quanh nhằm đem lại một chốn “an cư” thực sự cho người dân, đồng thời gìn giữ được “biểu tượng” của tình hữu nghị Việt- Xô và cũng tạo nên được một bộ mặt kiến trúc mới cho đô thị TP Hòa Bình.
Đoàn Huyền
Theo baoxaydung.com.vn