Trước thông tin Cty TNHH MTV DAP VINACHEM (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Đình Vũ) sẽ nâng công suất lên gấp đôi, lên 660 nghìn tấn/năm theo Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 11/5/2012 của Chính phủ, dư luận không khỏi lo ngại về ảnh hưởng của nó tới môi trường, đặc biệt là bã thải gyps vẫn chưa được xử lý. Việc nâng công suất nhà máy này có thực sự thích hợp khi mà hiện nay chưa hoạt động hết công suất và sản phẩm DAP sản xuất ra vẫn còn tồn kho 46,5 nghìn tấn. Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc xung quanh vấn đề này.
Một góc Cty TNHH MTV DAP VINACHEM.
Thưa ông, dư luận cho rằng nếu nâng công suất của Nhà máy DAP số 1 - Đình Vũ lên gấp đôi thì lượng bã thải gyps cũng tăng gấp đôi và sẽ khó tránh khỏi hiện tượng mưa axit. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nói sẽ có mưa axit do bãi thải gyps là hoàn toàn không có cơ sở. Vì mưa axit xảy ra trong quá trình đốt cháy sản sinh ra các khí độc hại như: Lưu huỳnh đioxit (SO2) và nitơ đioxit (NO ). Các khí này hòa tan với hơi nước trong không khí tạo thành các axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric(HNO3). Khi trời mưa, các hạt axit này tan lẫn vào nước mưa, làm độ pH của nước mưa giảm. Nếu nước mưa có độ pH dưới 5,6 thì xảy ra hiện tượng mưa axit. Trong khi đó bã thải gyps là chất thải của quặng, không hề có quá trình đốt cháy nên không thể có mưa axit được. Về chất phóng xạ, chúng tôi cũng đã mời Viện hạt nhân về kiểm tra và kết luận là không có chất phóng xạ.
Còn việc nâng công suất nhà máy lên gấp đôi không đồng nghĩa với việc bã thải gyps sẽ tăng gấp đôi. Chúng tôi chỉ nâng cấp một phần nhà máy thôi. Cụ thể, chỉ nâng công suất nhà máy sản xuất Diamon phốt phát (DAP) nên không phát sinh thêm chất thải gyps vì lượng quặng vận chuyển về nhà máy không thay đổi.
Nhưng thực tế cho thấy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn chưa có biện pháp xử lý đối với lượng bã thải gyps khổng lồ trên 500 nghìn tấn. Tại sao có sự chậm trễ này?
- Không phải là chưa có biện pháp xử lý bã thải gyps. Theo thiết kế ban đầu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì lượng bã thải gyps chỉ cần chôn lấp như bãi rác Tràng Cát của Hải Phòng, chiều cao cho phép so với mặt đất là 45m. Và TP Hải Phòng cấp 40ha đất để chôn lấp bã thải gyps lâu dài, với chiều cao 45m.
Sau đó, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp thu công nghệ mới, thí nghiệm thành công việc chế biến bã thải gyps thành thạch cao nên mới có việc thành lập Cty CP Thạch cao Đình Vũ. Lúc đầu Tập đoàn định góp cổ phần bằng 3ha đất trong quỹ 40ha làm bãi chôn lấp bã thải gyps để thành lập Cty CP Thạch cao Đình Vũ. Nhưng như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật nên Tập đoàn đã phải làm thủ tục giao trả lại diện tích này cho TP Hải Phòng. Sau đó, TP mới giao lại cho Cty CP Thạch cao Đình Vũ. Vì thế mới có sự chậm trễ trong việc thành lập Cty CP Thạch cao Đình Vũ để đảm bảo sự lâu dài, tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế.
Vậy bao giờ Cty CP Thạch cao Đình Vũ mới đi vào hoạt động?
- Theo ông Nguyễn Chu Dương - Tổng giám đốc Cty CP Thạch cao Đình Vũ thì hiện nay Cty này đã được TP Hải Phòng bàn giao đất. Họ đang làm móng máy và thiết bị cũng đã được đặt mua. Theo dự kiến thì cuối năm 2012 này Cty sẽ cho ra đời sản phẩm thạch cao đầu tiên.
Được biết hiện nay nhà máy DAP số 1 - Đình Vũ mới vận hành được hơn 90% công suất và lượng phân bón tồn kho khá lớn 46,5 nghìn tấn. Việc nâng công suất lên 660 nghìn tấn/năm liệu có đúng thời điểm?
- Trước hết, DAP tồn kho chỉ mang tính tức thời, do tình hình chung của cả nước đang gặp khó khăn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nâng công suất Nhà máy DAP số 1 - Đình Vũ lên gấp đôi là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với quy luật phát triển, đảm bảo yếu tố môi trường như thông báo số 180/TB-UBND ngày 7/5/2012 của TP Hải Phòng nêu rõ về việc nâng công suất của Nhà máy lên 660 nghìn tấn phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, không phát sinh thêm bã thải gyps. Vả lại lượng phân bón DAP của nhà máy DAP số 1 Đình Vũ sản xuất ra chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng lượng phân bón trên cả nước. Tồn 46,5 nghìn tấn không phải hiện tượng đáng quan ngại. Việc kinh doanh phân bón cũng tuân theo quy luật cung cầu và theo chu kỳ. Trước đây năm 2009, phân bón làm ra không đủ để cung ứng cho thị trường trong nước. Năm 2011, lượng phân bón DAP bán lãi khoảng 1 tỷ đ/ngày và cũng không đủ để cung ứng. Nhưng năm 2012 lại ế ẩm. Việc Chính phủ ban hành Quyết định 550/QĐ-TTg với mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh, đi đầu trong sản xuất hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng năm 2011 - 2015 Tập đoàn đạt mức 14,5%/năm là hoàn toàn hợp với quy luật phát triển.
Ngày 11/5/2012 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 550/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 về việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nâng công suất nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Đình Vũ lên 660 nghìn tấn/năm. Đầu tháng 8/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã về làm việc với TP Hải Phòng thống nhất xong về chủ trương. Tập đoàn Hóa chất sẽ sớm triển khai để bắt kịp với nhu cầu phát triển chung. |
Đại Vũ (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn