Theo quy hoạch được duyệt, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha. Tuy nhiên, có ý kiến cần xem xét lại sự cần thiết thu hồi diện tích 5.000ha đất cho dự án (chưa tính diện tích thu hồi để phục vụ công tác tái định cư, nghĩa trang) và cho rằng quy mô thu hồi đất của dự án là quá lớn so với các sân bay cùng quy mô công suất.
Phương án nhà ga hình lá cọ, dừa nước cách điệu của sân bay Long Thành.
Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, trong đó đề xuất giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000ha và chia thành 2 phân kỳ (phân kỳ 1 tổng diện tích 2.565ha; phân kỳ 2 phần diện tích còn lại 2.434ha).
Sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư dự án theo phương án phân kỳ đầu tư, nhu cầu sử dụng đất dành cho dự án là 2.750ha (chỉ tỉnh diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không, trong đó nhu cầu cho giai đoạn 1 là 1.165ha), không bao gồm diện tích đất dành cho quốc phòng (khoảng 1.050ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác (khoảng 1.200ha).
Ngay sau đó, Chính phủ đã xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án. Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá lớn (ảnh hưởng đến 4.864 hộ dân và 26 tổ chức, các công tác định giá đất, đo đạc, kiểm đếm được thực hiện đến từng thửa đất) nên công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư không thể triển khai trong một năm mà sẽ được tỉnh Đồng Nai thực hiện liên tục trong khoảng thời gian dự kiến từ năm 2018 với khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nguồn vốn được bố trí.
Trước mắt, tỉnh Đồng Nai ưu tiên triển khai trước việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn; xây dựng nghĩa trang; ưu tiên chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng phạm vi giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tiếp tục thu hồi phần diện tích còn lại của Cảng.
Tại kỳ họp Quốc hội 14 này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2017/QH14 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần. Theo đó, diện tích đất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tiếp tục được khẳng định là 5.000ha.
Bài học Tân Sơn Nhất và xu hướng thế giới
Về ý kiến quy mô thu hồi đất 5.000 ha của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là quá lớn so với các sân bay cùng quy mô công suất, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, quy mô các Cảng hàng không quốc tế trên thế giới hiện nay có sử dụng diện tích đất lớn tương tự hoặc lớn hơn diện tích dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dẫn chứng như Cảng hàng không quốc tế Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) có 2 nhà ga hành khách chính, hiện đang có kế hoạch xây dựng nhà ga hành khách thứ 3. Diện tích quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế này là 4.000ha cho quy mô 80 triệu khách trong giai đoạn sau cùng.
Năm 2013, sản lượng thông qua cảng này đã đạt 49 triệu lượt hành khách và 3,2 triệu tấn hàng hóa. Hiện nay, Cảng hàng không Phố Đông đang gặp khó khăn trong việc mở rộng thêm để nâng cao công suất do hạn chế về diện tích quy hoạch. Cảng hàng không quốc tế Dallas Forthworth (Hoa Kỳ) có diện tích đất sử dụng 7.325ha cho quy mô hơn 100 triệu khách. Sản lượng năm 2014 là 40,4 triệu hành khách.
Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) có diện tích quy hoạch 10.000ha, hiện đã sử dụng 25% diện tích đất trong quy hoạch. Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur hiện có 1 nhà ga chính và 1 nhà ga phụ. Sản lượng hành khách thông qua năm 2013 là 47,5 triệu khách. Công suất tối đa theo quy hoạch đến năm 2030 là 100 triệu khách/năm.
“Nhìn chung các cảng hàng không có công suất lớn đều có quy mô từ khoảng 4.000-10.000ha. Quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm dành cho giai đoạn phát triển sau cùng là mục tiêu mà các cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới hướng tới trong những năm gần đây,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
Từ kinh nghiệm phát triển của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không nằm trong khu vực thành phố khác, việc phát triển trong tương lai, tránh tính trạng lặp lại như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay và nhiều sân bay trên thế giới trước đây như Charles de- Gaule (Pháp), Frankfurt (Đức), Bắc Kinh (Trung Quốc), Phố Đông (Thượng Hải-Trung Quốc)... đang gặp khó khăn trong việc mở rộng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thị trường do diện tích đất hạn chế (Trung Quốc phải xây thêm sân bay mới Đại Hưng tại Bắc Kinh).
Từ đó cho thấy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành với diện tích quy hoạch 5.000 ha (5kmx10km) là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các cảng hàng không lớn trên thế giới.
Theo quy hoạch được duyệt, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha (5kmx10km). Quy mô này được xác định trên cơ sở đầu tư xây dựng 1 sân bay cấp 4F với cấu hình 2 cặp đường cất hạ cánh và khu vực bố trí 4 nhà ga hành khách phục vụ quốc tế và quốc nội (chiều dài đường cất hạ cánh là 4.000m+ bề mặt tiếp cận phần đầu đường cất hạ cánh 3.000mx2=10.000m nằm trong danh giới cảng hàng không).
Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)