(Xây dựng) - Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá cao vài trò của cơ quan chính quyền địa phương khi thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc làm này cần thiết và không thể thiếu sự phối hợp, đồng thuận của chính quyền địa phương.
Công trình xây dựng trên địa bàn xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn (ảnh: LB)
Không thể thực hiện khi người vi phạm không hợp tác
Kể từ tháng 1/2014 đến thời điểm gần đây, cơ quan chức năng trên địa bản tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra tổng số hơn 1.200 công trình xây dựng, trong đó phát hiện hơn 300 vụ vi phạm nhưng chỉ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính hơn 230 vụ, với tổng số tiền nộp phạt gần 2 tỷ đồng, nhưng số tiền nộp phạt thu về được hơn 1,5 tỷ đồng vì mới chỉ có gần 190 trường hợp chấp hành nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước của tỉnh.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, quá trình thực hiện xử lý, xử phạt theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Các tổ chức có hành vi vi phạm không chịu hợp tác, không đến lập và ký biên bản vi phạm hành chính.
Có trường hợp tổ chức vi phạm đến nhưng không đồng ý với kết luận, kiến nghị của Đoàn Thanh tra, Đoàn kiểm tra với lý do không biết có cuộc thanh tra, kiểm tra, không biết nội dung, kết quả, kết luận, kiến nghị của cuộc thanh tra, kiểm tra.
Hay có những tổ chức đã ký biên bản vi phạm và nhận quyết định xử phạt nhưng không nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước, số dư tài khoản của doanh nghiệp ở ngân hàng không đủ để thực hiện quyết định cưỡng chế, hoặc doanh nghiệp không có tài khoản ở ngân hàng…
“Theo Điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính, với hai trường hợp này thì bước tiếp theo sẽ phải thực hiện biên kê tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, thực tế việc làm này rất khó thực hiện và không khả thi, nhất là khi đối tượng thực thi có trụ sở hoặc cư trú không nằm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng còn phức tạp, một số nơi công chức phải kiêm nhiệm công tác quản lý trật tự xây dựng và địa chính khi chỉ có chuyên môn về địa chính, thậm chí có nơi, cán bộ quản lý trật trự xây dựng là cán bộ hợp đồng, nên rất khó khăn trong xử lý, xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.
Cần sự đồng thuận của chính quyền địa phương
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, để tiếp tục cải cách, hoàn thiện hơn nữa Nghị định 121, Nghị định sửa đổi lần này cần khắc phục một số nội dung như: nêu rõ cơ quan nào lập, thẩm tra, chịu kinh phí xác định giá trị số lợi bất hợp pháp tại Khoản 9, Điều 13 quy định buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp khi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai quy hoạch được phê duyệt, đồng thời bổ sung hành vi vi phạm tại thời điểm nào thì được phép áp dụng quy định này.
Quy định rõ công trình khác là công trình nào (tại Điểm a, Khoản 6, Điều 13), đất không được phép xây dựng là những loại đất nào (tại Điểm a, Khoản 7, Điều 13 và Điểm d, Khoản 3, Điều 27). Và, cũng cần quy định xử phạt cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư vi phạm các quy định về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với trường hợp sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác.
Đặc biệt, Nghị định sửa đổi cần xây dựng các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra. Cụ thể, việc xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng cần thực hiện kiên quyết, có giải pháp xử lý triệt để, và không thể thiếu sự phối hợp, đồng thuận của chính quyền địa phương.
Do đó, khi đã ban hành quyết định đình chỉ thi công đối với công trình thi công không phép, sai phép, trong quyết định đình chỉ cần gắn với nội dung “Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn yêu cầu Thủ trưởng cơ quan cung cấp điện, nước ngừng cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, nếu chúng ta thực hiện triệt để việc này thì doanh nghiệp, người dân sẽ chấp hành ngay. Việc cắt điện, cắt nước còn có tác dụng hơn là việc xử phạt bằng tiền đối với đối tượng vi phạm.
Thanh Nga
Theo