(Xây dựng) - Những ngày qua chủ đầu tư dự án cao tốc Hạ Long- Vân Đồn - Công ty CP BOT Biên Cương như ngồi trên đống lửa, bởi thời tiết liên tục mưa kéo dài, trên tuyến xảy ra 37 vị trí sạt lở, gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công các hạng mục công trình. Trong khi đó, theo kế hoạch cuối năm 2017 dự án phải hoàn thành để đồng bộ với hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh. Hiện BOT Biên Cương đang tập trung mọi biện pháp để xử lý khắc phục sạt lở và đuổi tiến độ dự án.
9/9 gói thầu đều bị sạt lở
Sau đợt mưa lũ bắt đầu từ ngày 13/8, tại công trường thi công dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn xuất hiện 37 vị trí sạt lở, kéo theo hàng chục nghìn m3 đất đá tràn xuống phía dưới, phá vỡ kết cấu mái taluy đã cắt tầng, làm hư hại các mái taluy hoàn thành thi công, lấp rãnh dọc và nền đường đã thảm nhựa...
Nguyên nhân, theo đồng chí Hoàng Đình Sáu, Phó Giám đốc Sở GTVT- cơ quan quản lý nhà nước được UBND tỉnh ủy quyền, theo dõi công tác thực hiện cao tốc Hạ Long – Vân Đồn là do tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thi công hoàn toàn mới, qua nhiều đồi núi, khối lượng đào đắp lớn. Trong khi, đây là dự án đường cao tốc, đòi hỏi quy chuẩn kỹ thuật rất cao, không thể tận dụng được địa hình tự nhiên sẵn có, cộng với thời tiết thời gian qua mưa nhiều, địa chất khu vực thi công biến đổi phức tạp, xen kẹp đất đá phong hóa mạnh với than, bùn... đã dẫn đến sạt lở tại nhiều vị trí.
Cũng theo khẳng định của Phó Giám đốc Sở GT- VT thì sạt lở trong quá trình thi công tuyến cao tốc này là hoàn toàn bình thường như các dự án cao tốc khác khi thi công qua khu vực nhiều đồi núi. Vì thế, ngay từ khi triển khai các công tác lập thiết kế, chủ đầu tư và các đơn vị chức năng có liên quan đều đã dự báo được tình huống, sẵn sàng các phương án thiết kế bổ sung để khắc phục sự cố sạt lở. Tuy nhiên do địa chất quá phức tạp, dẫn đến chưa kiểm soát triệt để được các vị trí sạt lở.
Sau đợt mữa bão trung tuần tháng 8/2017, toàn tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn xuất hiện 37 điểm sạt lở mái taluy đang trong quá trình tổ chức thi công. Trong đó có 10 điểm sạt lở lớn ước khối lượng đất đá trôi lấp lên đến hàng chục nghìn m3.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến có khá nhiều mái taluy, trong đó có những mái cao đến cả 100m, đường xẻ đôi núi để tạo mặt bằng đồng tuyến, hạn chế độ dốc, bán kính đường cong theo đúng yêu cầu quy chuẩn, kỹ thuật của đường cao tốc Việt Nam do Bộ GT-VT quy định. Đến nay, tại những vị trí thuận lợi về mặt bằng, nhà thầu đã cơ bản tổ chức thi công xong nền và đang gia cố dang dở mái taluy, tại vị trí tiến độ GPMB chậm, hạng mục thi công mái mới dừng ở cắt tầng. Song sau trận mưa lũ trung tuần tháng 8 vừa qua, hầu hết tại 9 gói thầu thi công đường thuộc dự án đều gặp phải khó khăn do mái taluy sạt lở, trong đó nặng nề nhất tại các gói thầu số 1 và số 7, ước khoảng hàng chục nghìn m3 đất tràn lấp nền đường, rãnh dọc đã thi công.
Thiết kế, giám sát đúng quy trình
Trước những câu hỏi liên quan đến chất lượng, công tác tư vấn – thiết kế dự án cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư trong kiểm soát các vị trí sạt lở, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Tuần Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Biên Cương, chủ đầu tư dự án. Theo ông Hưng: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được đầu tư theo hình thức BOT. Có nghĩa là nhà đầu phải xây dựng - vận hành, sau khi hết hợp đồng BOT sẽ chuyển giao. Như vậy, trừ thời gian xây dựng, nhà đầu tư còn quãng thời gian dài để vận hành, khai thác dự án. Điều này, đồng nghĩa với việc chất lượng công trình không đảm bảo, người chịu thiệt thòi nhất sẽ là nhà đầu tư vì phải sửa chữa, khắc phục, thậm chí dừng khai thác để khắc phục. Do đó, yếu tố chất lượng công trình là mấu chốt, được nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Trong quá trình tổ chức thi công, tất cả các khâu, các bước đều được giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo thực hiện theo thiết kế kỹ thuật. Đơn vị, nhà thầu nào làm sai, không đúng, ngay lập tức sẽ bị thay thế, mời ra khỏi dự án.
Nhà thầu khắc phục tạm thời các vị trí sạt lở để tiếp tục thi công các hạng mục khác của dự án.
Để đảm bảo chất lượng công trình, ngay từ các khâu thiết kế, giám sát, nhà đầu tư đã tổ chức lựa chọn rất kỹ lưỡng. Cụ thể, đơn vị đứng đầu trong liên danh tư vấn thiết kế, giám sát là Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông (TEDI). Đây là đơn vị tư vấn, thiết kế đã có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các công trình giao thông lớn tại Việt Nam và hiện cũng đang đảm nhiệm thiết kế, tư vấn dự án Cầu Bạch Đằng và Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Để tăng cường giám sát, bản thân chủ đầu tư dự án cũng đã thành lập 3 văn phòng giám sát độc lập, chọn lựa cán bộ có kinh nghiệm để giám sát đơn vị giám sát. Công tác giám sát được chặt chẽ ngay từ đầu, tại tất cả các khâu, như vậy nhà đầu tư mới có thể yên tâm với chất lượng công trình để khi đưa vào khai thác không gặp phải những phát sinh, phải dừng khai thác để khắc phục.
Ông Hưng cho biết thêm, việc sạt lở tại dự án ngoài kiểm soát là điều không mong muốn, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, cam kết của nhà đầu tư với tỉnh. Do đó, xác định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của dự án là cầu nối thúc đẩy xây dựng Vân Đồn trở thành Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt, công trình xây dựng niềm tin của nhà đầu tư với tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, ngay sau khi có hiện tượng sạt trượt tại một số vị trí trong dự án, chủ đầu tư đã khẩn trương tổ chức rà soát, bám sát thực trạng hiện trường, yêu cầu đơn vị tư vấn, thiết kế bổ sung giải pháp mới khắc phục. Trong đó, yêu cầu thiết kế mới cần được khảo sát kỹ lưỡng, nhất là tại các vị trí có nước ngầm, tránh ảnh hưởng đến kết cấu công trình sau này.
Buộc phải điều chỉnh giới tuyến
Hiện các vị trí sạt lở đã phá vỡ hiện trạng thiết kế ban đầu, nhiều mái taluy bị đẩy lùi, cắt tầng, vượt khỏi ranh giới quy hoạch trước đây, dẫn đến sẽ phải mở rộng, điều chỉnh giới tuyến, phải GPMB bổ sung. Do đó, song song với việc chủ đầu tư dự án đã thuê đơn vị tư vấn chuyên sâu về sạt trượt để hoàn thiện thiết kế bổ sung (đã xong 11/37 vị trí sạt lở), xin ý kiến đánh giá từ Hội đồng nghiệm thu nhà nước chính thức tổ chức thi công, sửa chữa. Chủ đầu tư dự án cũng đang phối hợp với các địa phương liên quan, sẵn sàng thực hiện GPMB bổ sung khi đã có thiết kế mới.
Tại các vị trí không bị ảnh hưởng do sạt lở, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu tập trung thi công các hạng mục còn lại.
Có điều, nhìn nhận một cách khách quan, dự án bị sạt lở tại nhiều vị trí, dù nguyên nhân do đâu đi chăng nữa cũng đang ảnh hưởng ít nhiều với công tác tổ chức thực hiện dự án. Sạt lở có thể ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể, kế hoạch hoàn thành. Đồng thời, trực tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch đưa chuỗi dự án dự án giao thông trọng điểm của tỉnh vào khai thác đồng bộ đầu năm 2018. Việc sạt lở nhiều còn là cảnh báo đối với chủ đầu tư và các nhà thầu về những khó khăn sẽ gặp phải kể cả khi đưa dự án vào khai thác; trách nhiệm bảo hành của nhà thầu khi phải tổ chức khắc phục sự cố về sau; tác động của tình huống sự cố đối với việc lưu thông, kết nối các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, với KKT Vân Đồn, an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến...
Vì thế, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, kế hoạch của tỉnh, trước mắt, đơn vị thiết kế cần phải rà soát, đẩy nhanh tiến độ thiết kế phù hợp, an toàn nhất tại từng vị trí cụ thể. Sau đó là đánh giá toàn diện tuyến đường, nhất là ở những vị trí có nguy cơ cao để kịp thời có biện pháp gia cố, phương án chỉnh sửa đảm bảo an toàn trong mọi tình huống thời tiết. Tại các vị trí không ảnh hưởng, chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu tăng cương thêm nhân lực, thiết bị, tổ chức lại thi công để tăng tốc các hạng mục, bù đắp tiến độ chậm do ảnh hưởng của thời tiết thời gian qua. Các địa phương liên quan cũng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, sẵn sàng vào cuộc, thực hiện đẩy nhanh tiến độ GPMB bổ sung khi đã có thiết kế mới.
PV
Theo