Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… thì vấn đề xử lý rác thải đô thị lại càng trở nên cấp thiết. Tình trạng quá tải về rác tại Hà Nội cũng như việc áp dụng công nghệ xử lý còn thiếu và nhiều bất cập. Rác được xử lý phần lớn là chôn lấp thô sơ bằng cách vùi lấp, tạo nên nguồn ô nhiễm rất lớn ảnh hưởng xấu tới môi trường sống cũng như sinh hoạt của người dân. Theo một số chuyên gia ngành môi trường thì xử lý rác thải đô thị không phải “một sớm, một chiều” mà phải đề ra một giải pháp lâu dài và tích cực hơn nữa cho vấn đề này.
Những đống rác thải như thế này có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu
Thực trạng rác đô thị
Bất cứ lúc nào, ở đâu, ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh không mấy thiện cảm tại những tuyến đường, con phố, đó là những đống rác thải, túi to, túi nhỏ vứt bừa bãi trên vỉa hè, vườn hoa, gốc cây, rác thải, phế thải xây dựng đổ tràn xuống các hồ, sông…, hoặc bất cứ nơi nào cảm thấy vứt được thì vô tư “xả” rác. Đây là thực trạng đáng báo động mà các đô thị (trong đó có Hà Nội) đã và đang phải hứng chịu. Hà Nội đang dần đánh mất đi hình ảnh của một thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh. Thay vào đó là tình trạng ô nhiễm nặng nề, đầy rác và nước thải bẩn; một không gian đặc quánh, tồi tàn trong những khu nhà ổ chuột tạm bợ; một Hà Nội cứ mỗi khi mưa to lại ngập úng với những tuyến đường tắc nghẽn thường xuyên; một Hà Nội chằng chịt dây điện dọc ngang (dù đã hạ ngầm nhưng nhiều nơi vẫn ngổn ngang) và một Hà Nội vẫn tồn tại cuộc sống nhếch nhác của những người vô gia cư (những người từ các vùng quê lên thành phố kiếm sống với đủ loại nghề không cố định) cộng với ý thức văn hóa cộng đồng còn quá thấp của một bộ phận người dân…
Những thùng rác phân loại từ nguồn chưa được sử dụng hiệu quả, chỉ dùng để làm cảnh.
Trước thực trạng rác thải đô thị ngày một gia tăng, khó kiểm soát, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường cho rằng, điều đáng lo ngại là cho đến nay, hầu hết chất thải rắn (CTR) đều chưa được phân loại từ nguồn, phương pháp xử lý phổ biến là chôn lấp (từ 76 – 82% tổng lượng thu gom); tỷ lệ chế biến thành phân hữu cơ compost còn thấp, chất lượng chưa cao, khó tiêu thụ rộng rãi. Đặc biệt, cũng chưa có địa phương nào trong cả nước có mô hình xử lý CTR sinh hoạt hoàn thiện, đạt các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường…
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, TGĐ Cty Môi trường đô thị Hà Nội, khối lượng CTR trên địa bàn thành phố tăng trung bình 15%/năm. Lượng CTR đô thị phát sinh đã tới hơn 6.500 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở các quận nội thành ước tính đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành chỉ đạt khoảng 65%. Lượng CTR công nghiệp được thu gom đạt khoảng 85 – 90% và chất thải nguy hại được thu gom mới chỉ đạt 60 – 70%. Việc xử lý, tiêu hủy, tái chế CTR hiện chủ yếu dựa vào chôn lấp tại các bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Núi Thoong (Chương Mỹ), Nhà máy xử lý rác ở Cầu Diễn (Từ Liêm) và Nhà máy đốt rác ở thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, không phải loại rác nào cũng có thể xử lý theo kiểu chôn lấp, bởi có những loại rác không thể tiêu hủy hoặc có những loại rác nếu tiêu hủy rất nguy hại đối với môi trường không khí, đất và nước. Chính vì vậy mà các bãi chôn lấp rác của Hà Nội đều luôn trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh…
Phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả
Dự án phân loại rác tại nguồn 3R (Reduce – Reuse – Recycle: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế) do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ, đã được đưa vào thực hiện thí điểm trong 3 năm (2006 – 2009) tại đô thị (Hà Nội) của Việt Nam nhằm đem lại cơ hội quản lý CTR đạt hiệu quả cao nhất về môi trường và tiết kiệm tài nguyên, tuy đã mang lại một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, bởi tỷ lệ người dân thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, đổ rác ra đường vẫn cao; bó tay trước các đầu nguồn thải rác lớn nhất là các chợ tạm, hàng rong, quán cóc… vì chưa có cơ chế xử phạt rõ ràng, người dân vẫn nặng tâm lý tiện đâu vứt đấy, để mặc chính quyền địa phương tự thu gom, xử lý… Tuy đã kết thúc thời gian thí điểm dự án, nhưng đến nay, Hà Nội vẫn thường xuyên tuyên truyền việc phân loại rác, bố trí các thùng rác hữu cơ, vô cơ tại các điểm dân cư, thông báo về thời gian đổ rác tới người dân tuy nhiên, do nhận thức cũng như ý thức của người dân còn thấp, thêm vào đó, một phần rác được tái chế thành phân vi sinh nhưng sản xuất ra không bán được… dẫn đến việc phân loại rác không đạt được mục tiêu đề ra. Theo đại diện Cty Môi trường Đô thị Việt Namthì, nguyên nhân khiến việc phân loại rác tại nguồn khó khăn chính là ý thức của người dân. Họ mới chỉ quan tâm “tống” đủ mọi thứ gọi là rác vào một chỗ và chỉ chờ để vứt đi cho nhanh, chứ không quan tâm đến việc phân loại và xử lý loại chất thải này như thế nào…
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy CTR đã và đang trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các nước có nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thống kê của Bộ TN&MTcho thấy, lượng chất thải phát sinh ở nước ta tăng trung bình khoảng 10% năm, trong đó lượng chất thải phát sinh từ đô thị chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng 46%); 17% từ hoạt động sản xuất công nghiệp; còn lại là phát sinh từ nông thôn, làng nghề và y tế. Dự báo đến năm 2015, tỷ trọng này cho CTR đô thị và CTR công nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng lên tương ứng với các con số 51% và 22%. Theo mức độ độc hại, lượng chất thải nguy hại chiếm từ 18-25% lượng CTR phát sinh của mỗi lĩnh vực.
Đặc biệt, vấn đề gia tăng dân số, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra một lượng chất thải cộng với tính phức tạp, sự nguy hại về tính chất của các loại chất thải gây sức ép đối với môi trường. Một số ý kiến cho rằng, giải pháp lâu dài mà hiệu quả nhằm giải quyết vấn nạn rác thải ngay lúc này và trong thời gian tới chính là tạo cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTR thông qua việc Nhà nước mở rộng các chương trình cho vay tín dụng nhỏ; phát triển thị trường cho các sản phẩm tái chế; bảo lãnh vay vốn tín dụng của các ngân hàng nước ngoài; ưu tiên khai thác các nguồn vốn ODA từ các Chính phủ và các tổ chức quốc tế; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ phát triển của Nhà nước và quỹ môi trường; miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, phương tiện vận tải, vật tư được nhập khẩu theo dự án xử lý CTR. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền trên báo, đài, phát tờ rơi đến từng hộ dân sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân trong việc đổ rác đúng quy định và hợp vệ sinh…
Linh Anh – Ngọc Hà
Theo baoxaydung.com.vn