Thứ sáu 29/03/2024 02:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xử lý nghiêm việc xây dựng trái phép tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn

22:52 | 17/03/2020

Việc tùy tiện xây dựng nhà ở, cầu cống ngăn cản dòng chảy; xây công trình nuôi trồng hải sản ở vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều chủ đầm, do lợi nhuận nuôi giống hàu, ngao rất lớn đã cố tình xây dựng trái phép...

xu ly nghiem viec xay dung trai phep tai vung bai boi ven bien kim son
Công trình xây dựng nhà ở trái phép của ông Trần Văn Vinh thuộc đất “án phận” xã Kim Ðông, huyện Kim Sơn.

Tùy tiện xây dựng trái phép

Nhiều năm qua, huyện Kim Sơn tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã ven biển và trực tiếp phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình về tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý hành chính, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) khu vực nêu trên và toàn tuyến biên giới biển. Tuy nhiên, nhiều chủ đầm lợi dụng lực lượng quản lý ở vùng bãi bồi mỏng; vị trí đất vùng bãi xa trung tâm huyện và không thuộc địa giới hành chính các xã ven biển đã tùy tiện xây dựng trái phép nhà ở, lán trại, cầu cống, công trình nuôi giống hàu, ngao bán kiếm lời.

Có mặt tại vùng bãi bồi Kim Sơn cuối tháng 2-2020, chúng tôi tận mắt thấy căn nhà ở ba gian rất to trên đất “án phận” (án phận là cách chỉ tên vùng đất bãi bồi mới, chưa thuộc địa giới hành chính xã nào; chỉ tạm giao cho một xã gần đó thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn) xã Kim Ðông, huyện Kim Sơn. Trước đó, cuối năm 2019, tại địa điểm này, ông Trần Văn Vinh bị đơn vị chức năng huyện Kim Sơn lập hai biên bản về hành vi xây dựng trái phép. Ông Vinh thừa nhận: “Không ký hợp đồng với huyện Kim Sơn về sử dụng đất để nuôi trồng hải sản nhưng tự ý cải tạo 3.600 m2 đất bãi bồi do huyện Kim Sơn quản lý; xây dựng trái phép một nhà ở ba gian, nhà nuôi hàu giống diện tích 544 m2”. Một chủ đầm khác là ông Nguyễn Văn Hành bị bắt quả tang xây dựng công trình trái phép tại vị trí phía trong đê Bình Minh III, thuộc “án phận” xã Kim Ðông. Ông Hành thừa nhận đến tháng 1-2020, ông tự ý cải tạo làm biến dạng mặt bằng đất vùng bãi bồi do huyện Kim Sơn quản lý để xây dựng chín bể nuôi hải sản giống có kích thước từ 38,5 m2/bể đến 73,5 m2/bể; xây dựng tường rào dài 23 m, cao 1 m bằng gạch bi. Chủ đầm Vũ Văn Thực, ở phía tây đường B6 thuộc “án phận” xã Kim Ðông thì tự ý vượt lập 4.480 m2 ao đầm thành đất nổi; xây trái phép nhà ở bằng gạch đỏ có diện tích 19,5 m2. Ðầu năm 2020, lợi dụng lúc vắng lực lượng kiểm tra, giám sát của huyện Kim Sơn, ông Thực tiếp tục đổ bê-tông cốt thép 17 đáy bể có kích thước từ 30 đến hơn 91 m2/bể.

Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn Vũ Văn Lâm cho biết: Năm 2019, huyện xác định được 96 trường hợp vi phạm ở vùng bãi bồi. Phổ biến là lấn chiếm đất; vượt lập đất làm biến dạng mặt bằng. Hiện nay, khu vực bãi bồi ven biển từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi không có trường hợp nào xây dựng nhà kiên cố. Các chủ đầm tự ý xây dựng trái phép nhà ở bằng gạch bi; hoặc xây lán che, xây công trình nuôi trồng hải sản để kinh doanh với kinh phí đầu tư lớn. Ðại úy Lê Chí Thanh, Trưởng Công an xã Kim Ðông khẳng định: “Những vụ việc nêu trên ở vùng “án phận” xã Kim Ðông và các xã Kim Hải, Kim Trung, huyện Kim Sơn diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều tệ nạn xã hội và hiện tượng tranh chấp đất đai từng xảy ra tại “án phận” một số xã. Nếu không ngăn chặn, thì vùng bãi bồi của huyện Kim Sơn dễ phát sinh điểm “nóng” về ANTT.

Không để phát sinh điểm “nóng”

Ðồng chí Ðỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp về sử dụng đất ở vùng bãi bồi, bằng các hình thức tuyên truyền, huyện Kim Sơn đã thông báo nhiều lần tới các chủ đầm; thông báo tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ chủ trương của huyện, của tỉnh Ninh Bình: Nghiêm cấm các hành vi đào đắp, san lấp mặt bằng, mua bán chuyển nhượng, cho thuê đất bãi bồi ven biển. Nghiêm cấm xây dựng công trình trái phép. Ðối với diện tích đất, đất có mặt nước từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi và đất 1080 (đất quân đội) bàn giao cho huyện quản lý, từ năm 2015 đến tháng 5-2019, huyện Kim Sơn chưa cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào thuê đất, chưa giao đất nuôi trồng thủy sản và sử dụng các mục đích khác. Do vậy, khi giải phóng mặt bằng, Nhà nước không bồi thường, hỗ trợ. Huyện đã yêu cầu các xã ven biển: Kim Ðông, Kim Hải, Kim Trung tăng cường kiểm tra sử dụng đất ở vùng đất “án phận” được giao; tích cực tham mưu cho huyện xử lý các sai phạm. Kiên quyết là vậy, song nhiều chủ đầm thấy đoàn kiểm tra của huyện rút quân thì lại tiếp tục vi phạm.

Nguyên nhân tình trạng nêu trên là do vùng bãi bồi ven biển tỉnh Ninh Bình chưa được quản lý chặt chẽ từ nhiều năm trước, nhất là khi người dân trong huyện và một số huyện ở các tỉnh lân cận dồn về khai thác tiềm năng vùng bãi bồi, làm đầm nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua rèm, nuôi thả ngao ở ngoài đê Bình Minh III. Ðến năm 1991, để quản lý đất đai vùng bãi, huyện Kim Sơn giao cho các đơn vị chức năng của huyện thực hiện ký hợp đồng với các chủ đầm để tận thu đánh bắt hải sản tự nhiên. Từ năm 2010, thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển, tỉnh Ninh Bình dự kiến triển khai nhiều dự án lớn: Dự án Cồn Nổi; dự án nạo vét cửa sông Ðáy; xây dựng khu nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; dự án xây dựng cảng biển... Theo đó, huyện yêu cầu các chủ sử dụng đất vùng bãi bồi tạm thời dừng ký hợp đồng theo Thông báo số 36 của UBND huyện. Việc dừng ký hợp đồng từ năm 2010 đến tháng 8-2013; và việc nhiều dự án của tỉnh “lửng lơ” không thực hiện, làm cho công tác quản lý đất đai vùng bãi bồi Kim Sơn thêm lơi lỏng. Nhiều chủ đầm tận dụng cơ hội đó lách luật, tự do vượt lập đất làm đầm, xây ao nổi; xây dựng nhà ở, lán trại, công trình nuôi giống hàu, nuôi ngao. Nhiều chủ đầm ngầm chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đầm bãi trên vùng đất “ba không” (không có mốc phân định ranh giới; không quy hoạch chi tiết; không bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính). Ðến tháng 10-2013, khi tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 316/UBND-VP3 ngày 20-10-2013, tiếp tục đồng ý cho huyện Kim Sơn ký hợp đồng với các chủ đầm sử dụng đất vùng bãi bồi với thời hạn là một năm, thì nhiều chủ đầm lại không ký vì thời hạn hợp đồng quá ngắn. Kết quả rà soát mới đây của huyện Kim Sơn cho thấy: “Vùng bãi bồi từ đê Bình Minh II, đê Bình Minh III, đến Cồn Nổi có 1.127 chủ sử dụng đất, tăng 88 chủ sử dụng đất so với năm 2014. Có 139 chủ đầm ký hợp đồng tận thu đánh bắt hải sản; 335 chủ đầm tùy tiện chuyển nhượng đầm không thông qua cơ quan quản lý nhà nước.

Từ năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ðây là vùng đất thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, nguy cơ sóng thần; địa hình vùng bãi bồi lại thường xuyên biến động tiến ra biển nhờ bồi lắng phù sa. Vì thế, một số vị trí như ở Cồn Nổi dù được trồng phi lao, hoặc ở ven cửa sông Ðáy đã bị xói lở, sập chìm trong sóng biển. Do vậy, để thích ứng biến đổi khí hậu và chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép; tình trạng quản lý yếu kém, bất cập ở vùng bãi bồi ven biển, kết hợp bảo đảm sinh kế cho người dân, tỉnh Ninh Bình cần sớm chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Kim Sơn lập quy hoạch về sử dụng đất đai vùng bãi bồi ven biển; xây dựng kế hoạch sử dụng đất. Từ đó phân bổ, khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu: Xây dựng đô thị Cồn Nổi gắn với thu hút đầu tư các dự án lớn, dự án thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và sinh kế cho người dân vùng ven biển. Xem xét trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh đất đai vùng bãi bồi theo hướng mở rộng diện tích các xã ven biển Kim Hải, Kim Trung, Kim Ðông ra vùng bãi bồi; hoặc thành lập xã mới ven biển từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III. Trước mắt là tập trung chỉ đạo huyện Kim Sơn phối hợp lực lượng công an, biên phòng quản lý tốt việc tạm trú làm đầm, ao nổi nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh công tác truyên truyền nghiêm cấm các hành vi, đào đắp, san lấp mặt bằng, cho thuê đất, đất mặt nước nuôi trồng thủy hải sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép, mua bán chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp.

Theo BÀI VÀ ẢNH: LÊ HỒNG/nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load