Thời gian qua, hoạt động của khối Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã nỗ lực để tìm lại phong độ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả, chậm cổ phần hóa, nợ vay lớn, thậm chí nguy cơ mất vốn. Ðặc biệt, việc xử lý 12 dự án thua lỗ khó hoàn thành trước năm 2020.
Nhà máy đạm Ninh Bình một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương. Ảnh: Phạm tuyên
Lỗ luỹ kế của DNNN còn lớn
Ngày 9/9, tại Hội nghị chuyên đề về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW hội nghị trung ương 5 khóa XII về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”, lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương cho biết, tình hình tài chính của một số DNNN đã có chiều hướng cải thiện nhưng chưa vững chắc.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương đã chỉ ra: Để Nghị quyết 12 và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đi vào cuộc sống, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các biện pháp để tránh thất thoát vốn nhà nước cần tập trung xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, giá trị truyền thống của DN cổ phần hóa...
Nhìn nhận hoạt động DNNN thời gian qua, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng, DNNN vẫn có một “sứ mệnh” tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt như xây dựng hạ tầng, hàng không, ngân hàng… Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thời gian qua của nhiều DNNN chưa cải thiện rõ rệt. Đơn cử như hoạt động đầu tư ra ngoài còn dàn trải; mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh; tính công khai, minh bạch còn hạn chế…
Cụ thể, năm 2017 có 10 tập đoàn, tổng công ty lỗ luỹ kế gần 13.000 tỷ đồng. Có tới 20 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Một số tập đoàn, tổng công ty nợ tổ chức tín dụng lớn. Nếu DNNN hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn của hệ thống ngân hàng và gia tăng nợ xấu.
Điểm tên một số dự án nằm trong nhóm nợ xấu có nguy cơ mất vốn của tổ chức tín dụng có: Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất. “Có 17 ngân hàng và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án thua lỗ với tổng số gần 21.000 tỷ đồng (cả vốn ngắn hạn và trung hạn). Nếu tình hình dự án thua lỗ không khắc phục được, nguy cơ mất vốn ở tổ chức tín dụng lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ngân hàng”, Ban kinh tế Trung ương cho biết.
Nhiều dự án vẫn dừng sản xuất
Đánh giá về 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận: Đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách quan trọng được triển khai, bước đầu ổn định hoạt động của các dự án, doanh nghiệp. Ví như Bộ Tài chính đã xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017 đến 2019 đối với 4 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất; Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay. Cùng đó, các tập đoàn, tổng công ty mẹ đã tích cực hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp. “Sau khi cơ cấu lại, một số dự án đã có chuyển biến bước đầu về tài chính và hoạt động”, ban kinh tế Trung ương nhận xét.
Dẫu vậy, bức tranh 12 dự án vẫn khó khả quan. Cập nhật đến nay cho thấy, trong 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, thì đến nay đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi. 4 nhà máy còn lại từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ phát sinh. Một số nhà máy nâng công suất khai thác, tăng thời gian vận hành.
Có 3 dự án trước đây bị dừng hoạt động, đến nay đã có Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.
Riêng 3 dự án xây dựng dở dang không có nhiều chuyển biến. Cụ thể, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, trong khi đó các cổ đông khác không góp thêm vốn để triển khai dự án dở dang. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC.
“Mục tiêu hoàn thành xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương trước năm 2020 rất khó do các vướng mắc về tranh chấp các hợp đồng EPC. Việc huy động nguồn lực để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp không thuận lợi; một số dự án càng sản xuất càng lỗ…”, Ban kinh tế Trung ương cho biết.
Theo KHÁNH HUYỀN - QUỲNH NGA/Tienphong.vn