Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch COVID-19 tháng 3/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu.
VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch lịch sử khi giảm sâu về 962,45 điểm và sau đó phục hồi ở mức 1.027,36 điểm. (Ảnh: Vietnam+) |
Tuần qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự phục hồi tích cực đồng thời thanh khoản được cải thiện và cao hơn mức trung bình 20 tuần, điều này cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện.
Biến động mạnh
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết thị trường biến động khá mạnh, cụ thể tại các phiên giao dịch ngày thứ Hai, Ba và Năm.
“Có những thời điểm, tâm lý nhà đầu tư bị thử thách trước áp lực bán ồ ạt song nhanh chóng sau đó lực cầu lớn đã xuất hiện và giành chiến thắng để giúp thị trường tăng nhẹ trong cả tuần,” ông Thắng nói.
Sau một tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,54 điểm (+0,7%) và lên 1.027,36 điểm. Tuy nhiên, HNX-Index giảm nhẹ 3,68 điểm (-1,7%), xuống 213,73 điểm. Theo đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 12,2% so với tuần trước đó, đạt mức 57.173 tỷ đồng (khối lượng giao dịch tăng 24,4%, đạt 2.956 triệu cổ phiếu). Cùng với đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX cũng tăng 5,8% và đạt 4.967 tỷ đồng (khối lượng giao dịch tăng 34,2%, đạt 350 triệu cổ phiếu).
Theo ông Thắng, thị trường hồi phục nhẹ cùng với đó nhóm ngành cổ phiếu có sự phân hóa sâu sắc.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường - ngân hàng tăng mạnh nhất với 5% giá trị vốn hóa. Theo đó, nhóm đã dẫn dắt đà tăng của thị trường với các mã cổ phiếu tiêu biểu VCB (+5,3%), BID (+3,7%), CTG (+11,1%), TCB (+6,6%), VPB (+5,1%), MBB (+9,6%), ACB (+9,3%)...
Giá trị giao dịch trong tuần theo ngành:
(Nguồn: SHS) |
Bên cạnh đó, nhóm hàng tiêu dùng cũng tăng 1,7% với các mã dẫn dắt VNM (+1,3%), MSN (+12,2%)...
Ngoài ra, Ngành tiện ích cộng đồng (+0,9%) và công nghệ thông tin (+0,8%) tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất với 6,5% giá trị vốn hóa, đại diện như PLX (-7,9%), OIL (-11,2%), BSR (-5,8%), PVD (-7,5%), PVC (-7,8%)...
Các ngành còn lại vẫn giảm tương đối, như tài chính (-3,3%), công nghiệp (-3%), dược phẩm và y tế (-2,1%), nguyên vật liệu (-1,4%), dịch vụ tiêu dùng (-1,4%).
Trên thị trường, khối ngoại bán ròng mạnh ở cả hai sàn với giá trị ròng đạt 3.558 tỷ đồng. Trong đó, mã EIB bị bán ròng nhiều nhất với 74,4 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và VND với lần lượt 19,4 triệu cổ phiếu và 15,5 triệu cổ phiếu. Trái lại, MSN là mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng lớn nhất với 3,4 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11/2022 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh -13,49 điểm. Theo ông Thắng, điều này cho thấy các nhà đầu tư đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh xuống trở lại.
Áp lực bán tương đương thời kỳ khủng hoảng
Ghi nhận từ thị trường, VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch lịch sử (giảm sâu về 962,45 điểm và sau đó phục hồi ở mức 1.027,36 điểm).
Ông Thắng cho hay tính từ đỉnh giá cao nhất năm 2022 (tương ứng 1.536,24 điểm) VN-Index đã giảm 37,35% và lớn hơn đợt suy giảm mạnh xảy ra do đại dịch COVID-19 đầu năm 2020. Do, áp lực bán tháo và giải chấp tăng lên trong quá trình thị trường giảm điểm. Trên thị trường, nhà đầu tư bị tác động tâm lý tiêu cực chi phối dưới những động thái về lãi suất, tỷ giá và thị trường trái phiếu.
Ông Thắng chỉ ra tổng khối lượng cổ phiếu của VN-Index giao dịch dưới vùng giá 1.100 điểm lên hơn 12 tỷ cổ phiếu đồng. Chỉ số đang ở mức 1.027,36 điểm, tạm thời tạo vùng đáy ngắn hạn 962-1.000 điểm để có thể kết thúc giai đoạn giảm giá mạnh ngắn hạn kéo dài từ cuối tháng 8/2022 (khi bắt đầu áp dụng chu kỳ thanh toán T+2).
“Xu hướng trung hạn vẫn chưa cải thiện khi VN-Index chưa thể vượt lên vùng kháng cự 1.100 điểm. Hiện, thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch tháng 3/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trưuòng đã hình thành đáy dài hạn hay chưa,” ông Thắng nói.
Về cơ bản, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định VN-Index diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới và ghi nhận một tuần hồi phục tích cực. Thực tế, nhiều nhóm ngành đã ghi nhận “sắc xanh” sau một thời gian dài giảm điểm (như Ngân hàng, Chứng khoán hay Bất động sản, …) và xuất hiện một vài tín hiệu hồi phục vào những phiên cuối tuần.
Báo cáo của VCBS chỉ ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ, Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB đã quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 10. Đáng chú ý hơn, là các quan điểm của ECB đối với nền kinh tế khi cho rằng cuộc chiến kéo dài giữa Nga-Ukraine vẫn là một rủi ro đáng kể. Bên cạnh đó, tốc độ tăng chi phí lao động cao hơn đồng thời chi phí năng lượng và thực phẩm khả năng tiếp tục đăt đỏ hơn so với những kỳ vọng trước đây. Sự yếu đi nền kinh tế toàn cầu là một điểm trừ đối với kinh tế châu Âu. Do đó, hệ thống ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay với các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn.
Theo đó, công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong nước ở giai đoạn tới vẫn khó khăn khi áp lực giảm giá VND tiếp diễn đồng thời mặt bằng lãi suất duy trì xu hướng tăng và nối dài xu hướng định giá lại tài sản.
Về kỹ thuật, nhóm phân tích của VCBS cho rằng VN-Index trải qua 1 tuần hồi phục hồi nhẹ quanh vùng 1.000 diểm và kết tuần tại 1027.36 điểm. Điều này cho thấy VN Index còn những dấu hiệu kiểm tra lại ngưỡng 1.000 điểm. Vì vậy, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tạm thời giao dịch ngắn hạn và giải ngân một phần cho mục tiêu ở các cổ phiếu dẫn dắt xu hướng hồi phục./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)