(Xây dựng) - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thế giới bị "san phẳng" bởi cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật, đặc biệt là mạng Internet và các thiết bị di động, báo chí thế giới có nhiều biến động, buộc phải thích ứng, thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. Nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí trên thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với sự đổi mới, phát triển của mỗi cơ quan báo chí nói riêng và báo chí cách mạng Việt nam nói chung; đồng thời hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm: "Xu hướng phát triển của báo chí trên thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI".
PGS.TS. Nguyễn Văn Dững - Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Môi trường thế nào thì cá như vậy. Khi môi trường thay đổi, cá phải thay đổi, để thích nghi.
Báo chí trong môi trường truyền thông, kinh tế-xã hội nào thì thích ứng với điều kiện đó. Có thể nói cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã đưa nhân loại bước vào một chân trời mới với nền tảng là những thành tựu diệu kỳ của khoa học kỹ thuật (KHKT); một cuộc sống cực kỳ phong phú và thú vị cùng vô số những vấn đề thách thức đặt ra cho con người trong sự kết nối, trong cách sống cũng như những thảm họa khốc liệt bởi sự cạnh tranh trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cả những nguy cơ hủy diệt.
Khách hàng nào sản phẩm ấy, công chúng nào sản phẩm ấy. Công chúng không chỉ là người đọc, mà cung cấp thông tin, tham gia được và là người sản xuất. Báo chí giờ cạnh tranh với "đối thủ" vô hình, không lộ rõ khuôn mặt, miêu tả. Vừa là cạnh tranh, vừa là đối tác. Nếu biết tận dụng sẽ phát triển, không sẽ mất nhiều thứ, cả nhiệm vụ chính trị, cả kinh tế báo chí-truyền thông.
Trong môi trường truyền thông số, mỗi nhà báo là một nhà kết nối, mỗi cơ quan báo chí phải là một trung tâm kết nối. Hướng dẫn để họ sử dụng công nghệ, cung cấp sản phẩm ban đầu... để trở thành cộng tác viên, kết nối với những bạn đọc; biết tổ chức nhiều người làm báo cùng với mình, không giới hạn không gian và thời gian.
Làm báo chuyên nghiệp trong thời buổi ngày nay phải nhiệt thành, chọn lọc sự kiện thông tin, phân tích đánh giá nó, chứ không chỉ là tôi đi, tôi thấy, tôi nghe, tôi nói...
Đồng quan điểm, Ths. Lý Thị Hải Yến- Phó trưởng Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao nhận định: Báo chí trở thành kênh trung gian kết nối giữa người dân-Chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội.
Công chúng có nhu cầu cắt nghĩa một cách có chiều sâu, đúng thời điểm. Truyền thông đối ngoại của Việt Nam chưa đủ mạnh để tác động ra nước ngoài, chưa đầu tư đủ xứng đáng cho truyền thông ra nước ngoài, cả về nguồn lực lẫn kinh phí... Nhà báo vẫn là người đóng vai trò quan trọng, đầu tư vào chất lượng nguồn lực là lợi nhuận bền vững cho các cơ quan báo chí.
Ths. Phan Văn Kiền - Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) lạc quan cho rằng: Không biết tương lai thì như thế nào, nhưng 100 năm tới thì chắc chắn máy móc, trí tuệ nhân tạo chưa thay thế được cảm xúc của nhà báo. Phải đối mặt với thực tế ảo, không cưỡng lại được. Sau 1 năm chúng tôi xuất bản sách đã thấy thêm một số xu hướng. Nếu chạy theo xu hướng thì rất khó. Nhưng nếu bảo thủ, không chạy theo thì sẽ lạc hậu. Cái quan trọng không phải là xu hướng hay tên gọi, mà nhìn nhận, làm như thế nào.
Báo chí Việt Nam khi đối diện với xu hướng mới, có những thách thức mới. Người Việt thích tư duy bằng chữ nghĩa, nhưng báo chí thế giới cảm nhận nhiều hơn, bằng các giác quan, đặc biệt là thị giác.
“30-40 năm nữa, nghề viết ở Việt Nam vẫn sống được. Biết đâu được vài năm nữa, có khi xu hướng hiện nay lại là cũ” – Ths. Phan Văn Kiền nhận định.
Đánh giá thách thức về trình độ của phóng viên, Ths. Kiền cho rằng: Nguồn phóng viên tại rất nhiều toà soạn đang là cả một thách thức, đầu vào "rẻ", trình độ chưa tốt, dẫn đến tai hại: trình độ thẩm định thông tin yếu, vận dụng những thứ khác thay cho viết rất khó, ngoài chụp ảnh, ví như làm biểu đồ, bảng, infographic... nhà báo tư duy bằng đồ hoạ chưa được nhiều.
Ths. Phan Văn Kiền chỉ ra 04 lối đi cho công tác đào tạo phóng viên hiện đại gồm: vận dụng từng bước, đa phương tiện nhiều lên; các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến đào tạo, cập nhật xu hướng mới, kỹ năng đa phương tiện; thay đổi quy trình sản xuất và đánh giá tác phẩm; bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên.
TS. Vũ Thanh Vân - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã đánh giá về vai trò kiến tạo của báo chí: báo chí góp phần kiến tạo nên xã hội, có sự tương tác qua lại; báo chí giải pháp, báo chí tích cực - rất cần tạo ra niềm tin cho công chúng, thay vì vẽ nên bức tranh u ám khi tập trung vào các mặt tiêu cực… đó là khuynh hướng chính trị của báo chí. Người làm báo phải cảnh giác, tỉnh táo trước thông tin, biết hoài nghi. Công chúng cần có khả năng nhận thức về xã hội, thẩm định nguồn tin; cần nâng cao năng lực của công chúng, để công chúng có thể tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối tin tức...
Kết luận buổi tọa đàm, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản đánh giá những thông tin của các nhà báo, nhà khoa học nêu ra rất thiết thực, các cơ quan báo chí có thể vận dụng, phù hợp với điều kiện xu thế phát triển của mình, là cơ sở để hoạch định kế hoạch, chiến lược và xây dựng lộ trình cho mình trong các giai đoạn tiếp theo.
PV
Theo