(Xây dựng) - Ở nhiều quốc gia phát triển, xe đạp được sử dụng như một phương tiện giao thông chính, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần giảm tai nạn giao thông. Phương tiện cũng có thể là sự lựa chọn thông minh cho bài toán về giao thông đô thị Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa.
Hà Nội - “điểm đen” về ô nhiễm không khí
Tháng 3/2016, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) rơi vào ngưỡng cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm.
Đại học Yale xếp hạng chất lượng không khí của Việt Nam là 54,76/100 điểm, đứng thứ 170/180 nước nghiên cứu. Chỉ số PM 2.5 (Particulate Matter - nghĩa là chất dạng hạt) của Việt Nam hiện tại là 43,95, xếp thứ 170/180 nước. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, những khu vực có chỉ số PM 2.5 tiêu cực, người dân rất hay mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, đặc biệt là với người già cũng như trẻ nhỏ.
Bản đồ chất lượng không khí tại châu Á, thể hiện qua chỉ số PM 2.5 (Nguồn: ĐH Yale)
Theo một số nghiên cứu, hiện tại khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Lượng khí thải lớn như vậy là do 43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô đang lưu hành trên đường phố Việt Nam mỗi ngày, theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Việt Nam có hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, trong đó, Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới.
Thị trường xe đạp toàn cầu và châu Á tăng nhanh
Hà Lan có 16 triệu dân và 18 triệu xe đạp, nghĩa là trung bình mỗi người dân có hơn một chiếc xe đạp. Ở Hà Lan, từ người già đến trẻ nhỏ, từ anh công nhân tới Giám đốc doanh nghiệp đều đi xe đạp. Trung bình, mỗi người Hà Lan đạp xe 2,3km mỗi ngày. Đơn giản vì đi xe đạp vừa khỏe người, tiết kiệm, lại thân thiện với môi trường.
Chính phủ Hà Lan xây dựng nhiều cầu vượt hoặc hầm đường bộ dành cho xe đạp và người đi bộ qua các tuyến đường đông phương tiện. Các cây cầu ở Hà Lan đều có tuyến đường riêng dành cho xe đạp.
Giao thông với xe đạp ở Hà Lan. (Nguồn: Internet)
Đài Loan - một trong những nơi sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới đang đặt mục tiêu trở thành “Thủ đô xe đạp của châu Á”, với kim ngạch xuất khẩu xe đạp và phụ tùng đạt 2,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014. Đài Loan có thể tự hào là nơi duy nhất ở châu Á đã thiết lập mạng lưới các tuyến và làn đường dành riêng cho xe đạp có tính chiến lược phủ khắp vùng lãnh thổ có tổng chiều dài đạt 4.017km đến năm 2014. Đài Loan đang là “điểm nóng” tại châu Á về thu hút du lịch mạo hiểm, thân thiện với thiên nhiên và du lịch có trách nhiệm, thông qua các tour du lịch bằng xe đạp.
Bắc Kinh là 1 trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới, dân số khoảng 22 triệu người, vẫn là một đô thị cực kỳ thân thiện với xe đạp. Không chỉ người cao tuổi mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng đặc biệt ưa thích phương tiện này. Có nhiều lý do giúp xe đạp lên ngôi ở Bắc Kinh, nhưng lý do quan trọng nhất là chính quyền thành phố này tạo điều kiện và không ngừng tìm ra các chính sách tháo gỡ khó khăn, khuyến khích người dân duy trì và phát huy thói quen sử dụng xe đạp.
Đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối xe đạp với phương tiện công cộng
Điểm sáng về xe đạp hiện nay ở Việt Nam là TP Hội An, nơi mà toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ở Hội An đến công sở làm việc bằng xe đạp từ cuối tháng 3/2014 theo yêu cầu của UBND TP. Người dân tại đây cũng được khuyến khích sử dụng xe đạp.
Đi xe đạp ở phố cổ Hội An. (Nguồn: Internet)
Đánh giá về mô hình xe đạp công cộng, TS. Nguyễn Xuân Thủy - một chuyên gia giao thông cho rằng, xe đạp phù hợp với cự ly 5km trở lại. Xe đạp sẽ rất hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng. Tuy nhiên, hạn chế về tốc độ, tính tiện ích và văn minh cùng với quy hoạch giao thông đơn sơ thì xe đạp vẫn chưa thể thay thế và cạnh tranh với xe máy. Xe đạp chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai.
TS Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ ra rằng: thách thức lớn nhất để phục hưng xe đạp ở Việt Nam và các đô thị lớn chính là xe máy. Ông Hùng cũng đề xuất: “Trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các thành phố nên tính toán, đưa phương tiện xe đạp công cộng trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân”. Người dân có thể di chuyển bằng xe đạp với những tuyến ngắn, còn với những tuyến dài có thể kết hợp giữa di chuyển bằng xe đạp với xe buýt hay xe đạp với tàu cao tốc. Việc xây dựng hệ thống các phương tiện kết hợp với nhau tạo nên sự linh hoạt trong việc di chuyển.
Nếu như Việt Nam có thể xây dựng được hệ thống giao thông có sự kết hợp xe đạp với phương tiện công cộng thì việc sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại chính có thể đạt hiệu quả cao, vừa tránh tắc đường lại giảm được tai nạn giao thông. Để làm được điều này cần quy hoạch lại mạng lưới giao thông Thủ đô, trong đó bố trí các địa điểm tập kết, trông coi xe đạp tại các khu vực bến xe, nhà ga, tạo sự kết hợp thuận tiện của xe đạp với giao thông công cộng. Bên cạnh đó, nếu như xây dựng hầm dành cho người đi bộ, có thể thu hẹp vỉa hè, mở rộng lòng đường, phân chia làn đường riêng cho xe đạp.
Đi xe đạp không chỉ được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến khích mà ngay cả các chuyên gia về giao thông cũng đánh giá cao trong việc tích cực giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm lượng khí thải nhà kính cũng như khói bụi. Xe đạp được thừa nhận là một trong những phương thức vận tải xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Theo lời khuyên của WHO, một người ở độ tuổi 18 - 64 nên vận động ở cường độ trung bình ít nhất 2,5 giờ/tuần. Nếu một ngày đạp xe 30 phút thì trong 5 ngày làm việc đã đạt được mức này. Thường xuyên rèn luyện thể thao thông qua việc sử dụng xe đạp cho các chuyến đi hàng ngày sẽ giúp người dân cải thiện sức khỏe, ít sử dụng dịch vụ y tế hơn, qua đó giảm áp lực cho hệ thống y tế. |
Thu Trang
Theo