Đoàn xe về đến đầu làng, người thân chòm xóm ùa ra vây quanh linh cữu. Hàng trăm người dân nghẹn ngào đón các liệt sỹ về yên nghỉ trong lòng đất mẹ.
Hơn 22h đêm 11/7, anh em, chòm xóm cùng hàng trăm người dân thôn Na Trung, Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn tập trung từ đầu làng, ngóng ra con đường lớn.
22h đêm 11/7, chuyến xe chở linh cữu thiếu úy Nguyễn Đình Bình về đến quê nhà ở Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Anh em chòm xóm cùng hàng trăm người dân đã vây lấy linh cữu với những giọt nước mắt tiếc thương.
Từ buổi trưa, mọi sự chuẩn bị để đón linh cữu liệt sỹ thiếu úy Nguyễn Đình Bình đã được mọi người lo lắng chu tất.
Giữa đêm, chiếc xe chở linh cữu thiếu úy Bình vừa về đến đầu thôn, hàng trăm người đã ùa ra vây lấy, đón anh trở về với quê hương.
Đồng đội của anh Bình (thuộc lực lượng phòng không không quân) kính cẩn đỡ linh cữu xuống trong dòng người đầy nước mắt khóc thương nghẹn ngào.
Người thân thiếu úy Bình đã chờ đợi từ sáng sớm để đón anh về yên nghỉ nơi đất mẹ. Khi linh cữu về đến nhà, không ai cầm được nước mắt.
“Bà Khiêu ơi! Cháu bà về đến nhà rồi!”, bà nội Dương Thị Khiêu nghe tiếng gọi đã vội lau nước mắt, ra đón đứa cháu liệt sỹ trở về.
“Cháu về với bà rồi đấy. Bà đợi cháu từ mấy ngày qua rồi Bình ơi!”, bà cụ nhòe nước mắt khóc sụt sùi.
Bên bàn thờ nghi ngút hương, bà Phạm Thị Nga (SN 1971, mẹ chiến sĩ Bình) nhìn không chớp mắt vào bức di ảnh người con trai. Bà khóc liên hồi, giọng khàn đi trong nước mắt.
Thiếu úy Nguyễn Đình Bình (SN 1991) là con đầu, sau Bình là cô em gái Nguyễn Thị Phương Mai đang học lớp 10.
Sinh Bình được ít năm, để thuận lợi cho công việc của bố (ông Nguyễn Đình Trọng, SN 1968, đang phục vụ trong quân đội), nên năm 1993 cả gia đình chuyển vào Bình Định sinh sống.
Từ nhỏ, Bình đã yêu thích hình ảnh những người lính mặc quân phục nên nhất quyết xin với bố mẹ lớn lên sẽ thi vào một trường quân đội. Năm 2001, sau khi học hết cấp 3, Bình thi và trúng tuyển phi công tại Trường Sĩ quan không quân Nha Trang (Khánh Hòa).
Nước mắt người thân chảy dài trên linh cữu liệt sỹ.
Đến tháng 3/2014, Bình chuyển sang đơn vị sĩ quan dù tại Trung đoàn không quân 961 cho đến ngày hi sinh.
Bà Nga nghẹn ngào kể lại, vào tối trước ngày xảy ra tai nạn (tối 6/7), Bình có gọi điện về nhà, bảo rằng anh vẫn khỏe rồi tâm sự với mẹ chuyện học tập, công việc đang đảm trách tại đơn vị.
Sau đó, Bình xin gặp em gái để nói chuyện, nhưng Phương Mai đi học thêm chưa về.
“Sau cuộc gọi của Bình, tôi không tài nào chợp mắt được, cứ thấy nôn nao trong lòng. Tới sáng hôm sau, khoảng 7h30', bố Bình vừa đi trực về thì có người quen gọi điện báo ở Hà Nội vừa xảy ra vụ tai nạn máy bay quân sự.
Tuy nhiên, người đó chỉ nói đó là máy bay chở lính đặc công nên gia đình vẫn hy vọng cháu nó không gặp chuyện gì bất trắc.
Tới trưa, khi nhận được tin cháu có mặt trên chuyến bay gặp nạn và hiện bị thương nặng, vợ chồng tôi ngã khuỵu như không muốn tin vào tai mình. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu đã không qua khỏi”, bà Nga nghẹn ngào.
Nhận hung tin, ông Trọng cố gắng nén nỗi đau, cùng với một số người thân ra Hà Nội để làm thủ tục nhận thi thể Bình.
Ở quê nhà, người thân cùng chòm xóm nghẹn đắng trong nỗi đau, thương tiếc anh lính khỏe mạnh, hòa đồng, là niềm tự hào của cả xóm đã ra đi khi còn quá trẻ.
Buổi trưa ngày anh được di chuyển về quê nhà, hàng trăm người đã đợi đón anh từ tận ngoài QL1A vào trong thôn làng. Ai nấy đều rơm rớm nước mắt.
Chuyến xe chở linh cữu liệt sỹ Nguyễn Công Hợi về đến huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) lúc trời xẩm tối. Người thân nghẹn ngào khi đón anh về với quê hương.
Trong khi đó tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An), từ trưa 11/7, gia đình, người thân chiến sỹ Nguyễn Công Hợi (SN 1983, trú Tam Hợp, Quỳ Hợp) đã chuẩn bị để đón anh về yên nghỉ nơi quê nhà.
Cơn giông lớn suốt buổi trưa như càng khiến nỗi buồn của bố mẹ, vợ trẻ, con thơ anh thêm trĩu nặng.
Hợi là con trai đầu trong gia đình có 4 anh em. Ông Nguyễn Sỹ Hiền (SN 1961) và bà Đinh Thị Hoa (SN 1965) cưới nhau được 1 năm thì sinh Hợi.
Dù nhà nghèo, Hợi luôn cố gắng vượt khó, đều đặn đến trường lớp. Kết thúc 12 năm đèn sách, Hợi không học lên nữa mà xung phong gia nhập quân ngũ.
Sau 2 năm, anh được chọn học lên sỹ quan chuyên nghiệp.
Hàng trăm người dân Quỳ Hợp dự lễ an táng liệt sỹ Nguyễn Công Hợi dưới cơn mưa rào nặng hạt.
Năm 2011, niềm vui lớn đến khi anh được phong hàm thiếu úy, và một năm sau đó, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Châm (quê Diễn Châu). Hai vợ chồng dắt díu nhau ra Hà Nội thuê trọ lập nghiệp.
Một năm sau, đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh Vân chào đời trong niềm vui khôn tả của vợ chồng trẻ và 2 bên gia đình.
Nào ngờ khi đứa con đầu lòng vừa tròn 6 tháng, anh đã vĩnh viễn ra đi.
Liệt sỹ Nguyễn Công Hợi hi sinh để lại vợ trẻ chưa có việc làm và đứa con thơ dại mới tròn 6 tháng tuổi.
18h ngày 11/7, hàng trăm người dân Tam Hợp ùa ra con đường QL48C đón linh cữu liệt sỹ Hợi trong nước mắt.
Bà Hoa chân bước loạng choạng, đi như chạy khi biết tin đoàn xe đã về đến đầu ngõ.
Nhiều tiếng khóc thương vây quanh linh cữu người chiến sỹ trẻ khi mọi người cùng nhau đỡ anh xuống để hòa vào lòng đất mẹ.
Linh cữu Hợi được di chuyển ra nghĩa trang xã, an táng bên cạnh những người thân làng xóm.
“Chú ấy hi sinh, thật đau xót tiếc thương nhưng cũng khiến chúng tôi tự hào. Chú Hợi đã là liệt sỹ, ra đi trong lúc làm nhiệm vụ rèn luyện bảo vệ Tổ quốc. Hợi sẽ là tấm gương sáng cho con cháu Tam Hợp chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Ba, một người hàng xóm nói với cặp mắt long lanh.
Theo Văn Đức - Cao Thái/vietnamnet.vn
Theo