Thứ hai 09/12/2024 05:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Xoay nhịp thời gian cánh cổng làng

09:57 | 05/02/2009

Đi khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng bắt gặp những cái cổng làng. Quê tôi cũng có hai cái cổng làng. Mỗi lần về đi trên triền đê, nhìn xuống hai bờ dốc là những đồng lúa xanh mơn mởn, xa xa bóng đa cổ thụ buông những chòm râu dài và chiếc cổng gạch của làng cũ kỹ với cánh cửa đã bóc sơn, song vẫn còn đóng mở rất tốt cọt kà cọt kẹt mà lòng bỗng rộn ràng, tâm cảm thư thái như thể đã về tới cửa nhà được ấp ủ trong vòng tay cha mẹ, cô bác, xóm giềng.

Nội tôi kể lại, xưa lắm làng đã có hai cái cổng một tiền một hậu gắn cửa gỗ, có chòi canh bảo vệ sự bình an sớm tối. Mỗi khi có giặc cướp, dân làng đánh trống, gõ kẻng chặn đứng chúng ngay trước cổng. Cái cổng làng hàng ngày như con mắt theo dõi cuộc sống: những buổi dân gian đi cày cấy, gồng gánh; những dịp lễ hội rước kiệu thần ra sông tắm rửa, những lúc vui chơi, nghịch ngợm. Đến nay vẫn vậy, nơi đầu cổng bên gốc gạo, gốc đa các cụ già ngồi hóng mát, đánh cờ; trẻ con chơi ô ăn quan, nhảy dây, rồng rắn; phụ nữ đan lát, nam giới sửa sang dao thuổng; trai gái cười đùa khúc khích…

Trong văn hóa Việt, cổng làng đã ra đời từ sớm cùng với giếng nước, sân đình, chùa miếu làm nên một thể thống nhất của kiến trúc làng quê, gắn liền với sự phát triển và biểu thị cho sự uy nghi, nền nếp. Xưa kia, các làng thường được bao bọc bởi những lũy tre dày đề phòng ngoại nhập và tránh những luồng gió dữ. Dân làng chỉ để một hai lối ra vào, và xây ở đó hai cái cổng. Ban ngày, dân làng đi chợ, ra đồng, chăn thả gia súc, tối về đóng cổng, tắt đèn đi ngủ trong một không gian hoàn toàn tĩnh mịch kín đáo. Nhiều cổng có thể xem là di sản nghệ thuật - đỉnh cao của kiến trúc làng Việt. Phần lớn đều là những cổng làng cổ đại tuổi đời hàng trăm năm tập trung ở các tỉnh Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình… Hà Tây (cũ) có tới 1.500 làng, nhiều cổng làng đã ra đời từ thời Lê thế kỷ XVI, XVII như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm, Chi Quan ở Thạch Thất, Ước Lễ ở Thanh Oai… Cũng có cổng làng mới được dựng gần đây. Làng khá giả xây cổng tinh hoa, đắp nổi hình long ly quy phụng; làng nghèo chỉ xây cổng đơn sơ hình ảnh mộc mạc. Tuy vậy, cái cổng luôn tương xứng với vị thế của làng. Làng lớn làm cổng lớn, làng nhỏ làm cổng nhỏ. Nhiều khi trong làng có người đỗ đạt cao, song làng cũng chỉ xây cổng khiêm tốn thể hiện đức tính giản dị và cốt yếu đảm bảo việc đi lại thuận tiện.

Có cổng có một lối vào. Có cổng có đến ba lối vào như tam quan ở chùa và cửa mã ở đình, gồm một cổng chính chỉ mở khi vua quan đến thăm và hai cửa nhỏ cạnh sườn dành cho người thường đi bộ. Hai bên cổng luôn đề hai câu đối hoặc lời hay ý đẹp bằng chữ nho, chữ nôm do vua ban hay quan chức và nhà nho trong làng viết tặng. Chẳng hạn, trên cổng làng Đình Bảng - Bắc Ninh có hai câu đối: Hương ước lệ làng tiền bối dày công nghiên cứu/Thuần phong mỹ tục hậu sinh nghiêm chỉnh tuân theo, cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm) đề chữ: Thế hữu hưng nghi đại nghĩa là Muốn được hưng thịnh phải biết thích nghi, cổng làng Vạn Phúc (Hà Đông) ghi Vạn phúc lai cầu (Vạn sự hạnh phúc may mắn đang đến), cổng làng Hà Trì (Hà Đông) ghi Mỹ tục khả gia (Mọi nhà đều nêu gương tốt).

Nhiều cổng làng từ xưa đều có trụ cao vòi vọi như tòa thành, cửa bằng gỗ lim kiên cố, có tuần đinh đóng mở luân phiên bảo vệ làng an toàn. Hai bên cổng là hai con lạch sâu như hào quân sự và phía trong là lũy tre xanh khi cần có thể làm bia đỡ tên đạn. Gần cổng thường có chòi canh. Một số nơi còn có hai con chó đá như linh vật chầu trước cổng chống ma quỷ thâm nhập. Với quan niệm giữ làng là giữ nước nên nhiều khi người dân dẹp giặc ngay trước cổng. Các triều đại đều ra sức xây dựng hình ảnh của làng mà đầu tiên là cổng làng vì thế việc xây cổng xưa kia rất khắt khe và do các chức sắc, thầy cúng quyết định. Đầu tiên, làng phải mời thầy địa lý xem phong thổ, lựa từng viên gạch rồi chọn ngày giờ tốt khởi công, nhờ những thợ giỏi giang nhất trổ tài.

Quanh cổng làng bao giờ cũng xanh rợp cỏ cây. Trên mạch tường luôn bám đầy rêu và dương xỉ. Lòa xòa trước vòm cổng là những chùm tơ hồng, tầm xuân, địa y quấn quýt. Xung quanh là lũy tre, bụi dứa, rặng chè gai góc, là hàng cúc tần hoa tím, hàng râm bụt hoa đỏ và bờ ruối quả chín ngọt… Bao giờ ta cũng bắt gặp màu xanh mơ màng của các ruộng lúa, sự vi vu dào dạt của ngọn tre, cái tao tác của những bông gạo đỏ chói như lửa rụng lả tả, cái rơi rất mỏng của những chiếc lá đa rậm lông, sự phất phơ của những chùm rễ đa thâm nâu như áo ông từ và ướt át của những quả đa chín đỏ rụng ngọt mặt đường… Buổi trưa nắng lọt qua kẽ lá phản chiếu hình bóng cánh cổng đồ sộ đổ dài xuống cỏ.  

Sau cổng làng, ta sẽ bước vào ngõ xóm thênh thang, đường nhỏ thơm đầy rơm rạ, nhà dân dưới khói lam mờ trong một không gian sinh hoạt cộng đồng nhuốm màu cổ tích. Đi qua cổng làng là tìm về với nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc Việt, tìm về với những triết lý sâu xa thuần hậu. Theo đó, cổng làng là hồn thiêng của xứ sở, là ranh giới giữa những điều đã biết và chưa biết. Cổng làng đóng mở luân phiên cũng giống như nhịp xoay vần của vũ trụ, âm dương, tứ thời, cho người dân sức khỏe, bao bọc dân làng khỏi sự nguy hiểm, cái nóng, cái lạnh, tiếng ồn và bảo vệ họ trong những điều riêng tư thầm kín. Từ xưa khi đi qua cổng làng, ai cũng phải cúi đầu, nhìn và vái chào cánh cổng. Các quan tới cổng làng đều phải xuống ngựa đi bộ. Khi làng có đám, qua cổng người khiêng linh cữu phải hạ thấp tay xuống để người chết từ biệt làng, rồi khi ra khỏi cổng phải quay đầu linh cữu lại để người chết nhìn cổng làng lần cuối.

Trên nhiều cổng làng cổ, luôn thấy những vết sâu lõm, nứt nẻ. Đó là dấu vết của những ngón tay trẻ thơ lần đầu tiên chập chững theo cha mẹ bám vào thành cổng, của ngón tay người nông dân gánh gồng lúa vịn nhờ cho vai đỡ nặng, của những con trâu húc sườn húc sừng khi phóng nhào qua, của bom đạn chiến tranh khi quân địch tấn công vào làng. Trên cổng cũng có những dấu tay của các vị tân khoa về làng chạm vào thành cổng xúc động mà làm lễ cảm tạ, dấu tựa lưng của cô dâu chú rể ngày cưới muốn tạo dáng trước cổng làng. Trên đó cũng thấm bao giọt mồ hôi của thợ cày, thợ cấy vất vả, những nụ cười của người dân khi trúng vụ, nước mắt của người dân khi mất mùa, nước mắt chia xa bịn rịn của mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng đi chiến đấu, tha phương cầu thực… Trước mọi sự, cổng làng vẫn đứng vững như bàn thạch, như cha mẹ đỡ đần bảo vệ đàn con, như bạn bè chia sớt nỗi niềm. Với nhiều người cổng làng như cổng nhà, về đến đó là về tới nhà, ấm êm và bình an.

Chu Mạnh Cường

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load