Thứ tư 11/09/2024 20:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Xin ý kiến về việc mua bán điện mặt trời, điện gió không qua EVN

21:05 | 10/04/2021

Khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp có thể đàm phán mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió qua hợp đồng kỳ hạn.

Mua bán điện gió không qua EVN

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA).

Theo đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán, thoả thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng cho biết, cơ chế DPPA sẽ giúp doanh nghiệp có thể nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động kinh doanh, sản xuất lên 100% – tỉ lệ này hầu như không thể đạt được nếu chỉ đầu tư điện mặt trời áp mái.

xin y kien ve viec mua ban dien mat troi dien gio khong qua evn
Sắp thí điểm mua bán điện mặt trời, gió không qua EVN. Ảnh minh hoạ, nguồn MOIT

Điều này rất phù hợp với các công ty, tập đoàn tham gia mạng lưới cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. DPPA cũng phù hợp với các công ty lớn đã cam kết với khách hàng, cổ đông rằng sẽ chỉ mua – sử dụng năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp có chính sách nội bộ quy định về việc sử dụng năng lượng sạch.

Khi ký kết hợp đồng DPPA, doanh nghiệp sử dụng điện sẽ được đàm phán về giá mua điện và được hưởng giá điện cố định do hai bên thỏa thuận trong suốt thời gian dài của hợp đồng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ được đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn, tránh các rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai (do tăng giá điện bán lẻ).

"Để DPPA thực sự khả thi, cần có sự tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa các bên, các khoản phí như phí sản xuất điện, phí truyền tải, phí phân phối và dịch vụ… đồng thời cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh với các quy chế, các điều khoản khi xảy ra tranh chấp", doanh nghiệp này cho hay.

Muốn tham gia, dự án điện mặt trời, điện gió phải có trong quy hoạch

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, khách hàng dùng điện tham gia thí điểm phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí, như cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỉ lệ sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm từ 80% trở lên.

Về phía đơn vị phát điện, muốn tham gia thí điểm cơ chế này, dự án điện gió, mặt trời phải có trong quy hoạch, công suất lắp đặt trên 30 MW.

Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 9 tháng từ khi được công bố lựa chọn tham gia của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hồ sơ tham gia thí điểm của dự án cũng phải kèm theo văn bản chứng minh hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính, tín dụng.

Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Sau thí điểm một năm, Cục Điều tiết điện lực sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi cơ chế này.

Theo ANH TUẤN/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Tình hình cung ứng hàng hóa ứng phó với bão số 3 năm 2024

    (Xây dựng) – Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy, người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi bão đổ bộ.

  • Quảng Bình: Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch đạt gần 70% tiến độ thi công

    (Xây dựng) - Tính đến tháng 9/2024, tiến độ thi công dự án tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt gần 70%, trong đó đã có nhiều hạng mục gần như đã hoàn thành.

  • Linh hoạt phát triển pin lưu trữ trong hệ thống điện

    Quy hoạch điện VIII đã tính toán đến tỷ lệ tích hợp cao của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, dự tính đến năm 2030 hệ thống điện Việt Nam phải có 2.700 MW lưu trữ năng lượng; trong đó 2.400 MW là thủy điện tích năng và 300 MW là pin lưu trữ. Để đảm bảo phát triển theo quy hoạch và pin lưu trữ có thể đi vào hỗ trợ cho hệ thống điện, các chuyên gia cho rằng, cần các chính sách ưu tiên và khuyến khích hợp lý.

  • Bình Dương: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 4895/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 nhằm đồng bộ các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

  • Vĩnh Phúc: Công khai hơn 100 doanh nghiệp “chây ỳ” nộp thuế

    (Xây dựng) - Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc vừa công khai danh sách 106 trường hợp “chây ỳ” nộp thuế, nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước (tính đến ngày 31/7/2024) với tổng số tiền hơn 560 tỷ 517 triệu đồng.

  • Hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm

    (Xây dựng) – Nhiều đơn vị đang chuẩn bị triển khai các gói thầu từ nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2024 và các nguồn vốn sự nghiệp khác.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load