Thứ năm 25/04/2024 15:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xi măng VICEM Hải Phòng: Một thời đạn bom, một thời hòa bình

20:43 | 30/12/2019

(Xây dựng) - Lịch sử 120 năm ngành Xi măng Việt Nam nói chung và Xi măng Hải Phòng nói riêng được viết bằng máu và hoa, bằng nước mắt, sự hy sinh của bao thế hệ cán bộ công nhân xi măng trong mưa bom bão đạn; bằng ý chí quật cường xây dựng lại nhà máy và sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc trong thời hòa bình; bằng quyết tâm vươn xa, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghệ số hiện nay…

xi mang vicem hai phong mot thoi dan bom mot thoi hoa binh

Máu và hoa…

120 năm trước, ngày 25/12/1899, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý ngày nay, Nhà máy Xi măng Hải Phòng chính thức được khởi công xây dựng, đích thân toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đặt khối đá vôi lớn tại chân móng lò nung, đánh dấu sự ra đời của một huyền thoại - Xi măng Hải Phòng trường tồn qua 3 thế kỷ, lớn mạnh cùng đất nước.

Và cũng chính mảnh đất địa linh này là địa chỉ đỏ cách mạng. Thât tự hào! Quá trình xây dựng phát triển của Nhà máy Xi măng Hải Phòng gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, với lịch sử phát của TP Hải Phòng, của ngành Công nghiệp xi măng Việt Nam, với sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam, với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập, lãnh đạo.

Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Công nhân xi măng làm thuê lúc đó, bị bóc lột tận cùng, bị đánh đập dã man. Hình ảnh những người công nhân gầy ốm, đội trên đầu thúng clinker ở nhiệt độ cao 200 - 3000C khiến đầu bong tróc, sẹo lồi lõm; lông mi lông mày cháy sém; chân tay lở loét, sần sùi như bị phong hủi, khiến những câu ca ai oán: “Ai làm cho sọ tôi mòn/ Cho chân tôi bỏng, cho thân tôi gầy…” phản ánh sự dã man, tàn độc của giới chủ Pháp lúc bấy giờ.

Sống trong những túp lều xiêu vẹo, ăn ở thiếu thốn, làm việc cực nhọc, lương thấp và thường xuyên bị bọn chủ Pháp đánh đập dã man, công nhân xi măng Hải Phòng nhận thức chỉ có con đường duy nhất là đấu tranh mới giảm được nỗi thống khổ. Cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng chuyển dần từ tự phát sang tự giác, trở thành lực lượng tiên phong cách mạng của Hải Phòng và cả nước.

Chính từ trong máu và nước mắt đau thương của hàng nghìn công nhân xi măng, những trang sử hào hùng oanh liệt được viết lên: Xi măng Hải Phòng - nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng và công nhân xi măng trở thành lực lượng tiên phong. Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội của nhà máy được thành lập; cuối năm 1928, tổ chức Công hội Đỏ của nhà máy ra đời; cuối năm 1929 “Xích vệ Đỏ” được thành lập. Đặc biệt, ngày 15/8/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở nhà máy, là một trong các chi bộ đầu tiên được thành lập ở Hải Phòng cũng như của Bắc kỳ lúc bấy giờ.

Sau khi thành lập gần 4 tháng, ngày 08/01/1930, Chi bộ Đảng Xi măng Hải Phòng đã lãnh đạo một cuộc bãi công lớn trong toàn nhà máy, với sự tham gia của hơn 2.000 công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, trả lương đúng kỳ, chống đánh đâp… Cuộc bãi công đã giành thắng lợi, buộc giới chủ Pháp phải chấp nhận các yêu sách của công nhân.

Một thời mưa bom bão đạn

Ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Giám đốc Nhà máy Xi măng Hải Phòng giai đoạn 1975 - 1978 kể lại: Tôi đến làm việc cho Xi măng Hải Phòng vào năm 1955 là phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô. Năm 1961- 1968 được cử đi du học ở Liên Xô, tốt nghiệp phó tiến sĩ công nghệ xi măng, năm 1969 về Hải Phòng công tác. Cuộc đời tôi gắn bó trọn vẹn với ngành Xi măng Việt Nam, tuổi trẻ của tôi gắn bó với Xi măng Hải Phòng tròn 20 năm.

Giọng ông trùng xuống khi nói về mất mát đau thương chiến tranh mà nhà máy và cán bộ công nhân Xi măng Hải Phòng phải gánh chịu: Nhớ lời Bác dạy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc và lời đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam nhắn nhủ: Mỗi bao xi măng lúc này thật sự là vũ khí. Không phải là xi măng xây sân, xây bể mà là xi măng Hải Phòng phục vụ cho quốc phòng. Nhờ có xi măng Hải Phòng mà mấy năm qua bớt được bao nhiêu xương máu của chiến sĩ, đồng bào. Chiến tranh tàn phá nặng nề, cán bộ công nhân nhà máy vừa chiến đấu bảo vệ nhà máy, vừa sản xuất xi măng phục vụ cho đất nước.

“Lúc đó còn trẻ, tôi xung phong trực đêm. Cứ mỗi tối chuẩn bị rời khỏi nhà, bà Lý (vợ ông Thiện - PV) lại chuẩn bị cho tôi cái túi đựng bông gạc, nước muối. Đêm nào đi trực cũng xác định có thể là hôm sau không về”, ông Thiện chia sẻ.

Ngày 25/4/1967, máy bay Mỹ ném 200 quả bom các loại đánh phá toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, gây thiệt hại nặng nề cho Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Nhà máy ngừng nhả khói. Toàn bộ cán bộ công nhân viên lại tiếp tục ra sức phục hồi sản xuất. Cứ thế chúng đánh phá, ta lại phục hồi sản xuất với quyết tâm “Tim còn đập, lò còn quay”.

“Có những đợt máy bay Mỹ ném bom cả ngày đêm. Về Hải Phòng, chúng rải bom xuống cảng Hải Phòng; xuống Sở Dầu, Quán Toan và quay về đến Xi măng Hải Phòng còn bao nhiêu chúng trút hết xuống nhà máy. Ông Thiện lặng lẽ kể: Đêm 16/4/1972, giặc Mỹ đánh bom B52 vào nhà máy. Máy bay rời đi để lại cảnh tượng kinh hoàng: 14 anh em công nhân chết cháy đen. Thực sự chúng tôi không cầm được nước mắt. Tất cả òa khóc rồi lặng lẽ khâm niệm đồng đội. Không khí đau thương mất mát trùm lên toàn bộ nhà máy. Chiến tranh đã lấy đi tính mạng bao lãnh đạo, công nhân nhà máy. Có người vừa gặp nhau tay mắt mặt mừng, có người anh em vừa họp cùng nhau sau giao ban nhưng sau đã không còn. Trong hai cuộc chiến tranh, với diện tích trên 50 ha nhưng nhà máy đã phải gánh 24 trận với 1.706 quả bom đủ loại, tương đương gần 20 nghìn tấn bom.

xi mang vicem hai phong mot thoi dan bom mot thoi hoa binh
Nhà máy Xi măng Hải Phòng năm 1932.

Đau đớn vô cùng! Nhưng vượt lên đau thương, bằng ý chí quyết tâm, những người thợ Xi măng Hải Phòng lại tiếp tục sản xuất. Trong mưa bom bão đạn, ống khói nhà máy vẫn nhả, mỗi cân xi măng ra lò là kết tinh của trí tuệ, mồ hôi và máu của người thợ Xi măng Hải Phòng.

Giai đoạn 10 năm (1955 - 1965), Đảng bộ, công nhân viên Xi măng Hải Phòng đã làm chủ công nghệ, thiết bị; đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn để sản xuất sản phẩm xi măng chất lượng, góp phần xây dựng đất nước. Riêng giai đoạn 1961 - 1965, toàn nhà máy đã sản xuất được 3,434 triệu tấn xi măng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà máy bị tàn phá nặng nề nhưng cũng là thời kỳ oanh liệt nhất, kiên cường nhất, sáng tạo nhất trong lịch sử 90 năm thành lập Đảng bộ Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Với lời thề “Tim còn đập, lò còn quay” và “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”, Đảng bộ và cán bộ công nhân viên Xi măng Hải Phòng đã sản xuất 2,855 triệu tấn xi măng để xây dựng các công trình kinh tế và quốc phòng…

Tái cơ cấu, khát vọng vươn xa

Khi đất nước toàn thắng, thống nhất, những người thợ Xi măng Hải Phòng lại bước vào thời kỳ đẩy mạnh sản xuất. Nhưng sau 97 năm hoạt động sản xuất, Nhà máy Xi măng Hải Phòng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi thiết bị lạc hậu; năng lực cạnh tranh kém, ô nhiễm môi trường, sản lượng thấp so với các công ty xi măng khác. Bài toán đặt ra là phải tái cơ cấu sản xuất để phát triển. Tập thể cán bộ, công nhân viên Xi măng Hải Phòng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm vừa sản xuất, vừa chuyển đổi sản xuất, xây dựng nhà máy mới. 11h30 ngày 30/11/2005, mẻ clinker đầu tiên ra lò, đạt chất lượng tốt và ngày 10/12/2005 Lễ chuyển lửa lò nung từ nhà máy cũ sang nhà máy mới được hoàn thành.

Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ, công nhân viên Xi măng Hải Phòng đã nắm bắt, làm chủ dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến. 14 năm qua, Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới đã sản xuất hơn 15,4 triệu tấn clinker, tiêu thụ 21 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt trên 21.500 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 800 tỷ đồng (bình quân mỗi năm gần 60 tỷ đồng).

VICEM Hải Phòng là một trong những đơn vị đi đầu của TP Hải Phòng trong hoạt động cộng đồng. Hàng năm, Công ty giành từ 3,5 - 4 tỷ đồng tham gia công tác an sinh xã hội, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, làm nhà tình nghĩa cho những người có công với đất nước, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai… VICEM Hải Phòng còn là DN hưởng ứng tích cực cuộc vận động Chung tay xây dựng nông thôn mới của TP Hải Phòng.

Ngày xưa, xi măng nhãn hiệu Con Rồng của Xi măng Hải Phòng đã nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế. Ngày nay, sản phẩm xi măng Hải Phòng mang nhãn hiệu “Con Rồng” tiếp tục đứng vững trên thị trường, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ người thợ xi măng. Sản phẩm của Xi măng Hải Phòng tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm của quốc gia như: Lăng Bác, Thủy điện Hòa Bình, thác Bà, cầu Thăng Long, sân bay Nội Bài...

Bước vào kỷ nguyên công nghệ số 4.0, VICEM Hải Phòng đang đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại, hướng tới xây dựng nhà máy xi măng xanh, thông minh, với mức độ tự động hóa cao nhất. Tiếp tục đưa Xi măng Hải Phòng lên một tầm cao mới!

120 năm qua, ngọn lửa truyền thống ngành Xi măng được hun đúc từ tình yêu nước, ý chí quật cường của lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân xi măng, khởi nguồn từ Xi măng Hải Phòng vẫn cháy mãi với non sông!

Huyền Ngọc

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load