(Xây dựng) - Thời chiến tranh chống Mỹ, gia đình tôi sơ tán lên làng Nhồi, nơi “vựa đá” của xứ Thanh. Thời kỳ này, cùng với nghề khai thác đá, nghề vận tải thô sơ tức là xe súc vật kéo, gồm xe trâu, xe bò, xe ngựa rất phát triển. Trong đó, nghề xe ngựa đã gắn bó với anh em tôi suốt thời thơ ấu và nuôi sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân sơ tán khác trong những năm chiến tranh ác liệt.
Đám cưới bằng xe ngựa ở xứ Thanh.
Loong coong nhạc ngựa
Không biết nghề xe ngựa ở xứ Thanh có tự bao giờ. Nhưng vào đầu những năm 1960, khi còn bé tí, tôi đã quen thuộc với tiếng nhạc ngựa loong coong chen lẫn tiếng vó ngựa khua lộc cộc trên các nẻo đường của thị xã Thanh Hóa. Vào những ngày còn hòa bình, máy bay Mỹ chưa ném bom miền Bắc, bến xe ngựa khách của HTX vận tải Quang Vinh tại ngã ba Bia lúc nào cũng có vài cỗ xe sẵn sàng đợi khách cùng với mấy chiếc khác chổng càng lên trời, vài chú ngựa vừa xong một cuốc về được tháo khỏi xe đứng nhẩn nha nhai cỏ, thỉnh thoảng lại cao hứng hí vang lừng. Là phương tiện chở khách trong tỉnh duy nhất thời kỳ ấy, xe ngựa khách Quang Vinh thường chạy cung đường ngắn, khoảng vài chục cây số trở lại với các tuyến từ tỉnh lỵ đi làng Giàng, Sầm Sơn, chợ Môi, phố Bôn, ngã Ba Chè, quán Dắt, Hậu Hiền, thị trấn Chuối… về giá cước thì khoảng từ năm, bẩy hào trở xuống tuỳ cung đường dài, ngắn. Mỗi chiếc xe ngựa khách chở được nhiều nhất tầm mười người cùng với đồ đoàn, hành lý.
Ngày ấy, chưa có xe đạp lai, xích lô, xe ôm nên xe ngựa là loại hình vận tải khách cung đường ngắn duy nhất ở xứ Thanh. Do đó, ngoài phục vụ khách bộ hành, nó còn là phương tiện chính phục vụ các bà buôn bán nhỏ, thường mang hàng nông sản xuống tỉnh bán cất rồi mua hàng đem về bán ở các chợ quê. Đi xe ngựa cũng có lắm cái hay riêng, nhất là khi chiều tà, gió mát hây hây, ngả lưng trên ghế ngắm cảnh đồng quê trong tiếng nhạc ngựa loong coong, tiếng vó ngựa khua rộn rã.
Sau ngày Mỹ mở rộng ném bom ra miền Bắc, nhất là cầu Hàm Rồng, dân thị xã chúng tôi bắt đầu đi sơ tán về các miền quê lân cận, đông nhất là sơ tán lên làng Nhồi, thuộc xã Đông Hưng, Đông Sơn (nay là P.An Hoạch, TP Thanh Hóa). Vào đầu những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, HTX vận tải xe ngựa Tân Hưng được thành lập, có trụ sở tại xóm Cộng, xã Đông Tân. Cũng như nhiều hộ khác, bố mẹ tôi trở thành xã viên của HTX này, mỗi cặp xe và ngựa thời điểm ấy có giá gần 1.000 đồng, mỗi xã viên phải đóng cổ phần 500 - 600 đồng, còn lại là tiền vốn của HTX. Để mua được ngựa, HTX phải cử người có chuyên môn ra tận Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai mua về. Mỗi chuyến đi như thế mất cả tháng trời vì khi về phải đi bộ dắt lũ ngựa, vừa đi vừa né máy bay Mỹ.
“Khuyển mã chi tình”
Nói về chọn ngựa, muốn được ngựa hay cũng cần có chuyên môn và kinh nghiệm. Trước hết, ngựa phải có hình dáng đẹp, cân đối, ngực nở, cổ cao, mình trắm (tròn và dài), móng chân tròn trịa, bước đi dài móng chân sau luôn đặt quá chân trước, rồi phải kín hơi (lỗ mũi nhỏ). Ngoài ra còn phải ít mồ hôi, nết ăn tốt, có đầy đủ các loại xoáy, khi chạy đầu ngẩng cao, chân xoải đều… Một con ngựa hay phải dai sức, chạy nhanh, đi cả ngày không mệt, gặp dốc cao, gặp đường lầy, đường đất cát vẫn băng băng. Nhưng những con ngựa như vậy rất hiếm, thường thì được điểm nọ, mất điểm kia. Có con nhanh nhưng vượt lầy kém, có con lên dốc, vượt lầy tốt nhưng lại chậm rề rề… Người xưa có câu “khuyển mã chi tình” ý nói hai giống vật là ngựa và chó là loại có tình, nghĩa. Quả đúng như vậy, ngựa rất yêu chủ, nếu xa lâu ngày gặp lại, nó thường cất tiếng hí, chân trước giơ lên đạp vào không khí vì mừng rỡ. Lại cũng có câu “hàm chó vó ngựa” bởi ngựa hay đá hậu khi gặp người lạ đứng phía sau.
Do cường độ lao động nặng, ngựa cần được cho ăn đầy đủ với khẩu phần mỗi ngày khoảng 30 cân cỏ tươi, 4 cân lúa và 5 cân cám, thỉnh thoảng cho uống nước pha muối, ăn thêm lá tre, thóc nẩy mầm cho cứng gối. Ngựa là giống vật không giỏi chịu rét và nắng nóng, lại ưa sạch. Vì thế, tầu ngựa phải luôn được dọn sạch sẽ, mùa đông phải che kín gió, mùa hè phải thoáng mát và phải tắm thường xuyên sau mỗi ngày làm việc vất vả.
Với nghề xe ngựa, để đảm bảo việc làm cho xã viên, HTX có trách nhiệm tìm kiếm nguồn hàng, ký hợp đồng với các nơi. Hàng chuyên chở của xe ngựa thì gồm đủ loại như gạo, lúa, bột mỳ, phân bón, đất, đá, cát, vôi, sắt thép, đá các loại như đá hộc, đá dăm, đá vôi dùng cho xây dựng, nung vôi. Nhưng nhiều nhất là phục vụ làm đường giao thông, bởi HTX Tân Hưng kinh doanh vận tải và sản xuất đá. Quân bình mỗi ngày một chú ngựa có thể đi được khoảng 80 cây số (cả đi và về), kéo được khoảng 8 - 9 tạ hàng, con khỏe có thể kéo được trên 1 tấn. Về thu nhập, bình quân mỗi tháng một đầu xe, sau khi trừ tiền công quản lý của HTX, chi phí nuôi ngựa, còn được khoảng trên dưới 300 đồng, một khoản tiền khá lớn thời ấy, bằng khoảng 5, 6 tháng lương công chức.
Nghề xe ngựa nhọc nhằn nhưng không kém phần thú vị với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong tôi. Nhớ nhất là vào mỗi dịp gần Tết, mấy anh em tôi thường đánh xe đi các vùng lân cận, tìm cánh đồng nào có nhiều cỏ tươi, non cắt về dự trữ cho ngựa ăn Tết. (khác với trâu, bò cỏ ngựa thường là loại cỏ lá tre, mọc dưới nước). Là giống vật khôn ngoan, ngựa cũng biểu lộ tình cảm ra trò, được chủ chăm sóc, nó rất biết ơn và biết bầy tỏ tình cảm bằng tiếng hí khẽ, dụi đầu vào người chủ, khi đói, nó cũng sẽ “biểu tình” bằng cách cất tiếng hí, gõ chân trước cồng cộc xuống nền chuồng để đòi ăn. Sau dịp nghỉ Tết, được chăm sóc, nghỉ ngơi, lũ ngựa con nào con nấy đều béo khỏe, lông bóng mượt và rồi ra giêng lại tiếp tục cùng chủ hành quân trên từng cây số.
Sau ngày chiến tranh chấm dứt, do sự cạnh tranh của các loại phương tiện vận tải cơ giới nên xe ngựa cũng dần đi vào “thoái trào”.
Đào Nguyên
Theo