Thứ ba 10/09/2024 04:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Dự thảo Nghị định cấp giấy phép xây dựng

Xây không phép có được tồn tại?

10:05 | 15/02/2012

Dự thảo Nghị định về GPXD và quản lý xây dựng của Bộ Xây dựng với những quy định mới như đất trao tay, qua xác nhận cấp xã, đất không sổ đỏ... cũng được cấp GPXD khiến nhiều người có đất mừng vui. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít lo ngại.


Nếu Dự thảo mới đi vào cuộc sống việc xin cấp GPXD để xây dựng nhà ở của dân sẽ dễ dàng hơn.

Đất không sổ đỏ cũng được cấp phép

Dự thảo Nghị định liệt kê gần 20 loại giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất và quy định về hồ sơ đề nghị cấp GPXD chỉ cần bản sao chứng thực của một trong số này. Trong đó, đáng chú ý là giấy tờ mua bán đất giữa các cá nhân với nhau cũng được coi là hợp pháp. Ngay cả khi cá nhân không có bất kỳ giấy tờ gì nhưng được UBND cấp xã xác nhận đất đó đang sử dụng không tranh chấp thì vẫn được cấp xét GPXD... Hiểu theo Dự thảo này thì cấp xã chịu trách nhiệm xác minh, nếu xảy ra sai phạm thì thanh tra vào cuộc xác minh và người ký văn bản phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, sau khi xây dựng người dân vẫn phải tiếp tục hoàn thành thủ tục giấy tờ về đất đai.

Anh Trần Minh Hoài, Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: Cách đây vài năm tôi đã muốn xây một căn nhà khang trang để ở, nhưng trước đó tôi chỉ đủ tiền mua đất nhưng chưa có sổ đỏ mà chỉ có khoán điền thổ từ ngày xưa cấp cho người bán. Vì vậy, giữa tôi và người bán chỉ làm hợp đồng mua bán viết tay. Suốt từ đó đến nay ý định xây nhà của tôi không thực hiện được. Bây giờ có Dự thảo này thì tốt quá, tôi rất mong Dự thảo sớm được phê duyệt.

Ông Nguyễn Thế Công - Phó chủ tịch UBND Q.Ba Đình cho biết: Nếu người dân cứ phải có sổ đỏ thì mới được cấp GPXD thì rất khó. Những người mua nhà, đất theo Nghị định 61/CP thì phải đợi 2-3 năm mới có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Đất chậm có sổ đỏ là do cơ quan hành chính hành dân, chứ không phải lỗi của người dân. Phải linh hoạt trong mọi trường hợp thì mới xử lý được, phải chăng nhà họ sập đến nơi rồi mà chưa có sổ đỏ, không được xây nhà, họ ở đâu? Với những trường hợp như vậy nên cấp GPXD cho người dân nhưng buộc người dân phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục cấp sổ đỏ. Nếu họ không hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ bị xử lý bởi những quy định khác”.

Trước đây, người dân xây dựng nhà tại các dự án nhà ở, KĐTM (đã có quy hoạch chi tiết 1/500) không phải xin phép xây dựng. Nhưng theo Dự thảo nghị định, sắp tới các trường hợp  này phải xin phép trước khi xây nhà như ở các khu vực khác.

Theo Dự thảo Nghị định thì hồ sơ xin cấp GPXD của người dân phải có đến 9 loại thủ tục còn hiện nay, theo quy định hiện hành thì chỉ có 3 loại thủ tục (đơn xin phép xây dựng; bản sao giấy chủ quyền nhà, đất; bản vẽ thiết kế nhà ở). Liệu tăng lên nhiều thủ tục như vậy có giảm bớt được sự khó khăn trong quá trình xin cấp GPXD của người dân như hiện tại.

Sai phép... chờ bổ sung giấy phép mới

Một điểm trong Dự thảo được coi là khá thoáng, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi quanh vấn đề này. Đối với công trình xây dựng không phép hoặc sai phép nhưng nếu phù hợp quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và đủ điều kiện cấp phép thì sẽ xử phạt theo quy định. Sau đó người dân sẽ làm hồ sơ xin cấp GPXD hoặc điều chỉnh giấy phép. Quá 60 ngày, chủ đầu tư chưa có GPXD hoặc giấy phép điều chỉnh thì cơ quan thẩm quyền ban hành quyết định phá dỡ công trình không phép, phần diện tích sai phép (trừ trường hợp chậm GPXD hoặc chậm điều chỉnh giấy phép do lỗi của cơ quan chức năng).

“Việc xây dựng sai phép của Cty CP Vĩnh Thiện (Trường mầm non Vĩnh Thiện) tại ô đất NT1 KĐTM Văn Quán là có. Nhưng hãy xem xét thực trạng tại Hà Nội, thiếu quá nhiều trường mầm non cho học sinh trong khi Cty Vĩnh Thiện xây dựng thêm hạ tầng mà lại quên không xin điều chỉnh GPXD. Đây chỉ là một công trình xây dựng sai GPXD trong nhiều trường hợp sai phạm tại Hà Nội năm 2011”, ông Trần Viết Ngôn - Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Thiết nghĩ, nếu dự án nào, công trình nào chủ đầu tư cũng tự ý, cố tình xây dựng sai quy hoạch, sai GPXD rồi sau đó lại xin điều chỉnh với lý do này, lý do khác mà lại được chấp nhận thì sẽ trở thành tiền lệ xấu cho lĩnh vực quản lý đô thị đang vô cùng phức tạp trên địa bàn Thủ đô.

Về việc cấp GPXD tạm, theo quy định hiện nay cơ quan chức năng chỉ cấp GPXD tạm đối với đất ở thuộc khu vực chưa có quyết định thu hồi đất. Hiện nay, quy hoạch treo không còn mới lạ đối với các tỉnh thành ở nước ta, nhiều người dân đang có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng xem xét cấp GPXD tạm đối với trường hợp chưa chuyển mục đích sang đất ở, nhằm giải quyết vướng mắc cho các hộ dân sống trong khu vực quy hoạch treo. Dự thảo Nghị định cũng yêu cầu phải quản lý chất lượng công trình ngay từ khâu cấp phép. Cụ thể, trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng phải có thêm bản vẽ kết cấu chịu lực chính. Các bản vẽ thiết kế phải do tổ chức tư vấn có đầy đủ năng lực thực hiện và được chủ đầu tư đồng ý.

“Nếu chiếu theo Dự thảo mới thì không ai dám cấp phép bởi, GPXD là để quản lý quy hoạch, còn nếu đưa vào để quản lý chất lượng thì làm không xuể. Hơn nữa, trình độ chuyên môn nhiều nơi còn chưa đồng bộ, không thể so với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp được”, ông Lê Tiến Nam - Phó giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết.

Điều chỉnh đối tượng thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 09/2012/QĐ-TTg ngày 10/02/2012 sửa đổi một số điều của Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg ngày 15/8/2005 về việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2012.

Theo đó, về cơ chế xây dựng nhà ở (khoản 1, Điều 2) được quy định: Đối với các hộ dân thuộc diện di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn có nhu cầu tự xây dựng nhà ở thì được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở với các điều kiện như: Có tên trong danh sách các hộ dân thuộc đối tượng được vay vốn do UBND cấp tỉnh xác nhận hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện xác nhận; Có giấy đề nghị vay vốn theo mẫu do Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn. Hộ vay vốn sau khi đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ theo quy định được giải ngân lần đầu tối đa bằng 60% mức vay theo quy định, phần vốn còn lại được giải ngân sau khi hộ dân xuất trình giấy xác nhận nhà ở đã hoàn thành xây dựng phần thô của UBND cấp xã.

Mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay, chính sách khuyến khích trả nợ trước hạn và các điều kiện vay vốn khác thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đối với các hộ dân được xét duyệt vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn không có nhu cầu vay vốn để tự xây dựng nhà ở thì vẫn thực hiện chính sách mua nhà ở trả chậm theo quy định tại Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 02/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, (điểm đ, khoản 1, Điều 4) cũng được sửa đổi theo hướng: “UBND các tỉnh, thành phố vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL có trách nhiệm chỉ đạo lập và xác nhận danh sách các hộ dân thuộc đối tượng được vay vốn tự xây dựng nhà ở; giao UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã xác nhận nhà ở đã hoàn thành xây dựng phần thô để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân phần vốn vay còn lại của hộ dân theo quy định” thay cho việc: “Chỉ đạo việc xác nhận nhà ở sau khi các hộ dân đã xây dựng xong theo đúng quy định để làm cơ sở cho vay; chỉ đạo việc bình xét và phê duyệt danh sách các hộ nghèo, quá khó khăn được nâng mức vay để mua nhà ở trả chậm hoặc để tự xây dựng nhà ở theo quy định” theo Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg trước đây.

Vũ Vũ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load