(Xây dựng) - Nói về chất lượng đào tạo nghề thì có thể khẳng định ngay học viên theo học tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 (Bộ Xây dựng) tốt nghiệp bao nhiêu đều được DN trong và ngoài nước, kể cả những DN đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, như: Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức “mở cửa” đón chào với mức lương hấp dẫn bấy nhiêu. Làm được điều này là do LILAMA 2 đã giải quyết tốt các “đơn đặt hàng” nhân lực của xã hội thời hội nhập.
LILAMA 2 hiện là một trong những trường cao đẳng đầu tiên ở Việt Nam đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính việc đào tạo theo chương trình đào tạo, yêu cầu đảm bảo chất lượng của các tổ chức quốc tế đã tạo áp lực và cũng là cơ hội tốt nhất để nhà trường phát triển.
Cung chưa đủ cầu
Cứ đến thời điểm tốt nghiệp của Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 diễn ra hàng năm vào tháng 9/2015, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã đến trường để tuyển dụng nhân sự. Kết quả các sinh viên ra trường đều được tuyển dụng vào đúng ngành nghề đã học với mức lương khởi điểm trên 10 triệu đ/tháng.
Điều đáng nói là ngày hội việc làm này không phải là trường hợp cá biệt của năm học 2014 - 2015, mà là sự kiện thường niên tại LILAMA 2. Thông qua sự kiện này, những sinh viên đang học tập tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 rất phấn khởi với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Sinh viên năm 3 Lê Chính Thành bộc bạch: “Đây là năm học cuối của em tại trường và em rất tự tin khi ra trường, có việc làm ổn định như những anh chị sinh viên khóa trước. Em cũng sẽ tự tin hòa nhịp công việc vì kiến thức, kỹ năng và những công nghệ mới được trang bị từ nhà trường”.
ThS Nguyễn Khánh Cường - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2, cho biết: “Các DN lớn và các Cty xuất khẩu lao động rất biết cách đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Họ cũng làm rất tốt công tác tuyển dụng nhân sự. Ở trường chúng tôi, sinh viên thường được Cty mời chào từ khi thực tập, hoặc mới ra trường”. Đơn cử như: Cty TNHH Vina Tak (KCN Nhơn Trạch 3), Cty Nhật Bản chuyên sản xuất cơ khí và ống công nghệ cung cấp cho thị trường quốc tế, hầu hết là nhân lực sản xuất đều từ Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2; hoặc trong 100 lao động do Cty CP dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco (đóng tại TP.HCM) vừa tuyển đi làm việc ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha có đến 99 lao động được đào tạo từ LILAMA 2.
Khoa học công nghệ phải gắn liền với thực tiễn
Theo Nhà giáo ưu tú, TS Lê Văn Hiền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2, mũi nhọn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cao trình độ quốc tế của trường, là: Cao đẳng nâng cao, kỹ sư thực hành, hướng đến thạc sĩ thực hành, đáp ứng nhu cầu của DN và cũng là phân khúc nguồn nhân lực Việt Nam đang thiếu. Cũng chính vì đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành nên sinh viên ra trường có thể đi làm ngay, DN không tốn thời gian, công sức để đào tạo lại.
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 đặc biệt quan tâm đến xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo. Theo đó, chương trình và giáo trình đào tạo ngoài xây dựng theo khung quốc tế, như: UNESCO - ISCED 2011, City & Guilds (Anh); AWS (Hoa Kỳ), còn được cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế vào chương trình giáo trình giảng dạy như: Tiêu chuẩn cơ khí của ASME (Hiệp hội Cơ khí Mỹ), API (Hiệp hội dầu khí Mỹ); tiêu chuẩn hàn của AWS (Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ); DIN (Tiêu chuẩn của Đức)… tiêu chuẩn điện của IEC (Tiêu chuẩn Điện)… do đó, chương trình đào tạo gắn được với yêu cầu của DN.
Bên cạnh đó, để chuyển hóa chương trình học theo chuẩn quốc tế vào từng sinh viên, nhà trường đã từng bước nâng chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, cũng như đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp. Theo TS Lê Văn Hiền đầu tư trang thiết bị hiện đại đều thực sự là cần thiết, nhưng quan trọng hơn thiết bị đó phải gắn với chương trình học và phù hợp với trình độ công nghệ DN đang sản xuất, thì chất lượng đào tạo mới gắn được với yêu cầu thực tế.
Đặc biệt quan tâm đến tiêu chí “đào tạo nghề công nghiệp, người học phải biết rõ các tiêu chuẩn công nghiệp”, nên Ban giám hiệu nhà trường đã từng bước xây dựng một môi trường công nghiệp văn minh với các tiêu chí khắt khe ngay tại nhà trường để sinh viên khi ra trường, trở thành công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành có tác phong công nghiệp, lao động an toàn cao, văn minh, lịch sự và có ý thức bảo vệ môi trường. Vì xưởng học như xưởng sản xuất tại DN, nên sinh viên khi bước vào xưởng thực hành có hệ thống camera giám sát; sinh viên được tập thói quen học xong là dọn dẹp dụng cụ ngăn nắp…
Với thương hiệu của Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 đã được công nhận là thành viên của Hiệp hội Đào tạo nghề Châu Âu (EVBB) năm 2014. Và năm 2015 Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 là người châu Á đầu tiên được bầu vào ban lãnh đạo Hiệp hội nghề Châu Âu NGƯT - TS Lê Văn Hiền đã xây dựng chiến lược phát triển với tiêu chí: “Xác định mục tiêu ngắn hạn, định hướng dài hạn, nhận rõ cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thấy được rủi ro để có chiến lược phát triển bền vững khi Việt Nam trở thành thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN. Và với thương hiệu của LILAMA 2 vừa được Chính phủ lựa chọn để xây dựng thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao (CoE) đầu tiên của Việt Nam với sự tài trợ vốn của Chính phủ Đức và Pháp đào tạo kỹ sư thực hành trình độ bậc 6 theo khung 8 bậc của UNESCO ISCED 2011 sẽ mở ra hướng mới đào tạo nhiều ngành nghề kỹ thuật đạt chuẩn của quốc tế, nhà trường hoàn toàn tự tin sinh viên của trường có thể làm việc ở những DN sử dụng công nghệ cao ngay tại Việt Nam, thậm chí ở những quốc gia có trình độ phát triển cao trong và ngoài khu vực ASEAN”.
Khi mới nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng vào năm 2004, TS Nguyễn Văn Hiền đã nghiên cứu nhiều mô hình đào tạo của Nhật, Anh, Úc, Mỹ, để rồi quyết định tham gia vào hệ thống đào tạo quốc tế và được Hội đồng nghề Vương quốc Anh chấp nhận là thành viên vào năm 2005. Đến năm 2008, trường đã trở thành thành viên của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ. Đầu năm 2015, trường được Chính phủ đồng ý chủ trương cho đào tạo thí điểm hệ kỹ sư thực hành theo tiêu chuẩn level 6 khung 8 bậc của UNESCO-ISCED 2011. |
Lâm Viên
Theo