(Xây dựng) - Quy mô, hiệu quả và nguồn vốn xây dựng sân bay quốc tế Long Thành có ảnh hưởng đến nợ công hay không là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014 vừa qua.
Trong buổi họp báo sau phiên họp chiều 30/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành) là dự án trọng điểm quốc gia. Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã nghe Tờ trình về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Bộ GTVT và báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, về cơ bản, các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư Sân bay quốc tế Long Thành. Thủ tướng giao Bộ GTVT hoàn thiện tờ trình, thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Sân bay quốc tế Long Thành vào kỳ họp tháng 10 tới.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT cần nói rõ hơn trong Tờ trình trước Quốc hội về sự cần thiết của Dự án, tại sao không mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Biên Hòa; quy mô, hiệu quả, nguồn vốn đầu tư cho dự án có ảnh hưởng đến nợ công hay không?
Tổng mức đầu tư giai đoạn I của Sân bay quốc tế Long Thành khoảng 7,8 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng), trong đó chi phí xây dựng 4,9 tỷ USD, chi phí tư vấn gần 0,49 tỷ USD, chi phí GPMB 0,98 tỷ USD... Quy mô đầu tư giai đoạn I của Dự án bao gồm 1 nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm, với 2 đường cất hạ cánh song song.
Việc huy động vốn đầu tư cho Dự án sân bay tỷ đô sẽ được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước chi đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, khuyến khích đầu tư ngoài Nhà nước vào các hạng mục thành phần dịch vụ của Dự án có khả năng thu hồi vốn.
Theo phương án huy động vốn được Bộ GTVT đề xuất, nguồn vốn đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I như sau: vốn Nhà nước (gồm các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vay ODA...) là 84.624 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD), vốn huy động ngoài Nhà nước 79.965 tỷ đồng.
Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2014. Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Tập đoàn ADPi (Pháp), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Công ty Cảng hàng không Incheon (Hàn Quốc) và một số tập đoàn của Nhật Bản đang quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của Dự án dưới nhiều hình thức đầu tư như PPP, BOT...
Riêng với nguồn vay ODA, Bộ GTVT dự kiến vay của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, vay từ các Chính phủ Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc thông qua các cơ quan thực hiện ODA.
Bên cạnh đó, để huy động đủ nguồn vốn xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Bộ GTVT cũng tính đến phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Chính phủ xác định, nợ công tăng nhanh là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công một cách cụ thể, khả năng trả nợ và đề xuất giải pháp xử lí.
Đặng Tuân
Theo