Thứ bảy 05/10/2024 04:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Xây dựng Quốc hội đại diện, tiêu biểu cho khối đoàn kết toàn dân

10:38 | 14/05/2021

Trải qua thẩm định, sàng lọc chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng, nhìn vào danh sách ứng cử viên ĐB Quốc hội Khóa XV có thể thấy sự đa dạng về cơ cấu, thành phần, thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc.

xay dung quoc hoi dai dien tieu bieu cho khoi doan ket toan dan
Danh sách các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2026 được niêm yết. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đảm bảo tỷ lệ đại diện hợp lý

Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “… Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối….

Người khẳng định: “Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín... Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam....” Điều 69 Hiến pháp năm 2013 xác định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Thực hiện Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết: số 1185/NQ-UBTVQH14 và số 1193/NQ-UBTVQH14 để dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo các Nghị quyết này, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, tỷ lệ dự kiến cơ cấu đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội đại diện cho một số nhóm, thành phần trong xã hội có điều chỉnh tăng so với khóa XIV. Đơn cử như tỷ lệ đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số tăng từ 17,3% lên trên 18%, tỷ lệ đại biểu phụ nữ tăng từ 26,8% lên trên 35%, tỷ lệ đại biểu là người ngoài đảng cũng tăng từ 4,2% lên 5-10%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.

Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định

Để có tên trong danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, người ứng cử phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội phải là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đó là: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng, Nhà nước.

Với ý nghĩa đó, từ hơn 1.000 ứng cử viên đại biểu Quốc hội ban đầu (nộp hồ sơ cuối tháng Hai vừa qua) đến nay, trải qua một quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương cùng các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng, danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên được xác lập. Đến nay, cả nước có 868 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội Khóa XV.

Trải qua quá trình thẩm định, sàng lọc chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng, nhìn vào danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội có thể thấy sự đa dạng về cơ cấu, thành phần, mang đậm tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Danh sách ứng cử viên có nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cho đến các viên chức, người lao động, người tu hành…; 393 ứng cử viên nữ, chiếm 45,28%; 185 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 21,31%; 74 ứng cử viên là người ngoài Đảng, chiếm 8,53%; 224 ứng cử viên có tuổi đời dưới 40; ứng cử viên trẻ tuổi nhất 24 tuổi, trong khi người cao tuổi là 77 tuổi.

xay dung quoc hoi dai dien tieu bieu cho khoi doan ket toan dan
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, quy định pháp luật về bầu cử đề ra tiêu chuẩn đối với các đại biểu, chú trọng chọn đại biểu sau 3 lần hiệp thương, đảm bảo số dư cho mỗi đơn vị bầu cử để người dân lựa chọn được người xứng đáng, không lựa chọn người không đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách. Như Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, phải lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Cử tri và lá phiếu quyết định

Tới thời điểm này, các ứng cử viên đang tiến hành hoạt động vận động bầu cử. Đây là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu khi được bầu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử.

Trên cơ sở đó, cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên thực sự là đợt sát hạch cuối cùng để cử tri, nhân dân cả nước gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng qua những lá phiếu bầu trong Ngày Bầu cử 23/5 tới đây.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, bước sàng lọc tốt nhất chính là cử tri. Cử tri là người rất sáng suốt, biết được ứng cử viên nào sẽ là người đại diện cho họ, nói và sẽ làm được. Đã là người đại biểu dân cử, dù là đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng Nhân dân, là người đại diện của nhân dân, phải nói được tiếng nói của nhân dân, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cũng như mong muốn của nhân dân. Điều gì mà cử tri quan tâm, mong muốn nhất, chương trình hành động của người ứng cử phải nói được điều đó, để chạm tới những suy nghĩ, tình cảm cũng như mong muốn của cử tri và để cho cử tri gửi gắm, đặt niềm tin vào ứng cử viên, bỏ lá phiếu ủng hộ.

Thực tế cho thấy, tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri đã diễn ra vừa qua, cử tri luôn dành một thời lượng nhất định để nghiên cứu kỹ chương trình hành động, đồng thời chăm chú lắng nghe lời cam kết của các ứng cử viên nếu trúng cử. Điều cử tri mong mỏi nhất, đặt kỳ vọng nhất ở mỗi ứng cử viên sau khi trúng cử phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực để triển khai chương trình hành động, biến những cam kết thành hiện thực.

Như vậy, dù là ứng cử viên do Trung ương giới thiệu hay từ địa phương; là cán bộ lãnh đạo hay viên chức, người lao động đều bình đẳng như nhau trong cuộc bầu cử. Cử tri sẽ dùng lá phiếu “tuy khuôn khổ nó nhỏ bé, nhưng giá trị của nó vô cùng to lớn” để lựa chọn những ứng cử viên có đủ uy tín, đạo đức, năng lực vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất./.

Theo Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load