Chủ nhật 19/01/2025 23:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Xây dựng Quảng Ninh thành đô thị thông minh

08:05 | 26/09/2017

(Xây dựng) - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch thông minh của Việt Nam; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh (TPTM) hiện đại đứng trong top đầu các TPTM của khu vực ASEAN, Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với trọng tâm là chính quyền điện tử và chú trọng các tiêu chí về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường.


TP Hạ Long đang là địa phương tiên phong của tỉnh xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Hùng Sơn

Thời gian qua, Quảng Ninh đã bắt đầu triển khai TPTM, tập trung vào việc xây dựng chính quyền điện tử. Điều này được cụ thể trong việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước như: Hệ thống thư điện tử (@quangninh.gov.vn) đã được triển khai đồng bộ tại 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và hầu hết UBND cấp xã là công cụ trao đổi thông tin giữa các đơn vị, cũng như các cán bộ, công chức thông suốt, an toàn, hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đến nay, hơn 12.000 hộp thư điện tử công vụ đã được cấp cho các đơn vị, cán bộ, công chức viên chức và người lao động thuộc các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã triển khai tại 230 cơ quan hành chính nhà nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, giám sát được chất lượng thực thi nhiệm vụ đến từng bộ phận, phục vụ hiệu quả cho hoạt động của 230 đơn vị, với gần 6.000 cán bộ, công chức trong chỉ đạo, điều hành cũng như công tác chuyên môn hàng ngày. Đặc biệt hệ thống đã phát huy hiệu quả trong việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả trong công việc.


Nhà chờ xe bus tiêu chuẩn 5 sao nằm phía trước toà nhà Việt Phúc trên đường nội thị TP Uông Bí. Ảnh: Minh Đức

Đặc biệt, hiện nay tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý tác nghiệp liên thông (một cửa) tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng để người dân tham gia giám sát hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, các ngành như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch… cũng đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện "Đề án Triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020” đã được tỉnh phê duyệt, trong đó giai đoạn 1 sẽ triển khai tại TP Hạ Long, tập trung phát triển các lĩnh vực: Chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, an ninh an toàn, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp. Trong đó, xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng CNTT ở các lĩnh vực cho TPTM là vấn đề mấu chốt. Cụ thể, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2017-2020; hoàn thành cơ sở hạ tầng đám mây TPTM phục vụ nhu cầu toàn tỉnh; xây dựng CSDL tổng hợp, CSDL lớn (big data) để cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các cấp; triển khai hệ thống trung tâm điều hành (IOC) cho các ngành các cấp; triển khai đồng bộ các ứng dụng thông minh (môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ...) trên phạm vi toàn tỉnh để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, quản lý điều hành đô thị thông minh.

Các mục tiêu này sẽ phục vụ ba đối tượng chính của đô thị thông minh. Thứ nhất, đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Thứ hai, đối với người dân, đô thị thông minh tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân. Thứ ba, với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố. Ðồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng đô thị thông minh ngày càng bền vững.

Có thể khẳng định, việc triển khai xây dựng TPTM sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực cải cách hành chính, giao thông, y tế, an ninh, giáo dục, môi trường. Ðây cũng là giải pháp mang tính cấp thiết và căn cơ giúp địa phương giải quyết những mặt trái của cơ chế thị trường, đô thị hóa, góp phần tạo bản lề cho tỉnh phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load