Thứ sáu 24/01/2025 23:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Xây dựng nông thôn mới ở miền núi: Khó trăm bề

09:49 | 16/05/2013

Theo Bộ NN&PTNT tại hội nghị tập huấn xây dựng NTM và bảo vệ môi trường cho người cao tuổi 8 tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ thì đến trung tuần tháng 4/2013, 118 xã của 34 tỉnh trong cả nước đã đạt chuẩn xã NTM.  Thế nhưng song song vẫn đang tồn tại nhiều xã “trắng” 19 tiêu chí NTM như ở tỉnh Sơn La vì xuất phát điểm để xây dựng NTM ở đây quá thấp từ kinh tế, dân trí, hạ tầng cơ sở, thu nhập… Không chỉ vậy, việc áp dụng 19 tiêu chí vào một chương trình lớn như xây dựng NTM là áp lực rất lớn đối với lãnh đạo các địa phương và người dân sở tại.

Tuyên Quang một tỉnh miền núi nghèo, có xuất phát điểm để thực hiện xây dựng NTM còn thấp nên sau 2 năm triển khai chương trình thì thực trạng cho thấy hầu hết các xã chỉ đạt 4 - 5 tiêu chí, thậm chí có xã không đạt tiêu nào. Ông Trần Ngọc Thực - Phó chủ tịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho hay: “Toàn tỉnh đã cơ bản phê duyệt xong quy hoạch chung của 128/129 xã trên địa bàn, trong đó có 17 xã đã hoàn thành quy hoạch theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 13; 07 xã đang lập và thẩm định quy hoạch chi tiết sản xuất và dự kiến sẽ hoàn thành, phê duyệt trong năm 2013. Thế nhưng trong quá trình lập quy hoạch và để đạt được 19 tiêu chí thì vấp phải rất nhiều khó khăn. Đơn cử như quỹ đất để dành cho quy hoạch xây dựng hạ tầng công như nhà văn hóa, sân thể thao, điểm trường tiểu học theo tiêu chuẩn xây dựng NTM của một số thôn bản vùng cao, vùng sâu rất hạn chế do địa hình chia cắt và đồi dốc. Hay như việc xây chợ cũng rất khó vì bà con dân tộc tập trung thưa thớt rồi lại có nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng riêng…”.

Theo quy định số kinh phí để triển khai quy hoạch và xây dựng NTM ở các vùng miền núi chưa đáp ứng được nhu cầu bởi địa hình và dân cư phân bố ở những nơi này thường rất phức tạp. Diện tích các xã tại tỉnh Tuyên Quang khá lớn, trung khoảng 4.000 - 5.000ha/xã nên hiện nay dù đồ án quy hoạch chung của các xã đã được phê duyệt nhưng đa số xã chưa thực hiện được việc công bố quy hoạch. Hơn nữa, nguồn kinh phí cho quy hoạch quá ít cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ông Trần Ngọc Thực cũng chia sẻ rất thực: “Tuyên Quang đang rất quyết liệt với 07 xã điểm là Thượng Lâm, Năng Khả, Bình Xa, Kim Bình, Mỹ Bằng, Tân Trào, An Khang để rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, quy hoạch, đề án phát triển sản xuất và thực hiện. Tổng nguồn kinh phí là hơn 500 tỷ đồng nên quy hoạch ở mức tối thiểu là 70 tỷ đồng/xã nhưng đúng thực tế thì con số này phải lên tới khoảng 200 tỷ đồng/xã”.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ dân trí còn thấp nên công tác tuyên truyền, vận động nhận thức về xây dựng NTM cho người dân đã không dễ dàng cho nên việc tính toán đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế là bài toán quá khó và chưa có lời giải cho lãnh đạo các địa phương miền núi.

Hoàn toàn xây mới bộ mặt thôn quê sẽ gây lãng phí kinh tế hơn việc đầu tư chỉnh trang trên nền tảng lịch sử, văn hóa của từng địa phương. Hơn nữa với những tỉnh miền núi địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn thì 19 tiêu chí của chương trình MTQG xây dựng NTM cần mềm dẻo, linh hoạt hơn để gỡ rối cho chính quyền và có được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân.

Xây dựng NTM là một chương trình lớn, dài và cần được phát triển bền vững do vậy cần bám sát thực tế địa bàn để phát huy hiệu quả hơn là những thành tích báo cáo trên các mặt giấy. Điều đáng lưu ý là hiện nay đã bắt đầu xuất hiện “bệnh thành tích” trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương!

Tuệ Lâm

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load