Thứ bảy 14/09/2024 04:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Xây dựng nhận thức chung về đô thị thông minh

21:12 | 03/04/2018

(Xây dựng) - Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” mới đây.


 
Ảnh minh họa

Phó trưởng Ban soạn thảo, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Quốc Thái cho biết, hiện nay có nhiều nhận thức khác về đô thị thông minh. Tuy nhiên, hiểu một cách trực tiếp, đô thị thông minh là đô thị mà mọi tổ chức, cá nhân đều có thể thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm và được hưởng quyền lợi một cách thông minh nhất.

Phát triển đô thị thông minh tập trung xoay quanh 3 nội dung cơ bản, gồm quy hoạch đô thị thông minh; quản lý phát triển đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị, được thực hiện trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu thông minh được kết nối thông qua hệ thống mạng truyền dẫn. Khung kiến thức ICT đô thị thông minh đã được Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể.

Về mục tiêu xây dựng Đề án, ông Trần Quốc Thái cho biết: Mục tiêu chung Đề án hướng đến là xây dựng nhận thức chung về đô thị thông minh, xác định các thành tố, cấu phần cơ bản của phát triển đô thị thông minh. Đề án xác định các quan điểm chủ đạo của Chính phủ về phát triển đô thị thông minh để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và bền vững, tránh tràn lan, tự phát, phong trào.

Đề án đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, đề xuất phân công nhiệm vụ của các bộ, ngành và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ.

Đề án cũng xác định các mục tiêu cụ thể phát triển đô thị thông minh theo 3 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2020; giai đoạn từ năm 2020 - 2025; giai đoạn từ 2025 - 2030.

Về nội dung, Đề án đề cập đến một số nội dung chính như xu hướng phát triển đô thị thông minh trên thế giới; Đánh giá tình hình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và các cơ hội, tiềm năng, thách thức, rủi ro, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam…

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện của các bộ, ngành, địa phương đã đóng góp ý kiến cho kế hoạch xây dựng Đề án cũng như đóng góp ý kiến cho các nhiệm vụ được phân công cho các bộ, ngành, địa phương. Nhiều khái niệm về đô thị thông minh đã được đề cập do vậy các đại biểu cho rằng Đề án phải thống nhất được khái niệm, tiêu chí đô thị thông minh cũng như quan điểm trong phát triển đô thị thông minh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Trưởng Ban soạn thảo, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Nguyễn Tường Văn nhận định: Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là Đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo tiến độ, Tổ biên tập sẽ hoàn thành báo cáo tổng hợp, dự thảo Tờ trình, dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vào cuối tháng 4. Ban soạn thảo, Tổ biên tập góp ý cho dự thảo lần 1 và báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Xây dựng vào đầu tháng 5. Hội nghị tham vấn các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia góp ý cho dự thảo 1 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 5. Tiếp đó, Bộ Xây dựng gửi hồ sơ đề án lấy ý kiến chính thức của các bộ, ngành, địa phương. Sau khi tổng hợp, tiếp thu giải trình các ý kiến và hoàn thiện hồ sơ, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ thông qua đề án vào trung tuần tháng 6.

Hòa Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load