(Xây dựng) - Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đã có chủ trương, chính quyền địa phương kêu gọi xã hội hoá, tạo điều kiện mời gọi nhà đầu tư, nhưng những doanh nghiệp đi tiên phong thường phải trải qua tình trạng như “dây thép gai” bó chặt và khó khăn chồng chất khi bắt tay theo đuổi dự án.
Hình ảnh Công viên nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ).
Hà Nội và các tỉnh lân cận phát triển với tốc độ dân số tăng chóng mặt kéo theo sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng. Hệ thống nghĩa trang tại Thủ đô và nhiều địa phương đã quá tải trầm trọng trong khi quỹ đất quy hoạch cho nghĩa trang nội đô gần như cạn kiệt, chưa kể tình trạng giải toả các khu mộ rải rác để xây dựng những công trình mới tiếp diễn hàng ngày hàng giờ. “Nơi an nghỉ cho người đã khuất” vẫn đang là vấn đề nóng cần giải quyết ngay đối với nhiều địa phương khi mà quỹ đất ngày càng eo hẹp. Theo xu hướng và qua thực tế, mô hình công viên nghĩa trang tâm linh là một giải pháp khả thi khi vừa làm thay đổi tư duy, nhận thức đã cũ, đồng thời tạo ra một hình thức an táng văn minh, thân thiện với môi trường nhưng vẫn trang trọng theo truyền thống bao đời của người Việt.
Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đã có chủ trương, chính quyền địa phương kêu gọi xã hội hóa, tạo điều kiện mời gọi nhà đầu tư, nhưng những doanh nghiệp đi tiên phong thường phải trải qua tình trạng như “dây thép gai” bó chặt và khó khăn chồng chất khi bắt tay theo đuổi dự án.
Đường gập ghềnh, nhà đầu tư “mong được xã hội nhìn nhận tích cực”
Hình ảnh về khu nghĩa trang tâm linh khang trang xanh mát sạch đẹp hơn cả những khu resort, được quan tâm về hạ tầng kiến trúc cảnh quan với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng vận hành theo công nghệ hiện đại dần thay thế về những khu nghĩa địa, những bãi tha ma um tùm lẩn khuất. Chốn linh thiêng dành cho người đã khuất giờ được làm văn minh như một công viên đầy đủ tiện ích dịch vụ như Chùa, Nhà hàng cơm chay, chòi nghỉ chân, café, siêu thị tâm linh cùng các dịch vụ chăm sóc chu đáo để mỗi khi con cháu tìm về thấy an lòng đã thành hiện thực. Nhưng để làm được nghĩa trang tâm linh, không chỉ là có tâm huyết, có đam mê, có tài chính mà làm được, con đường đến với nghĩa trang tâm linh luôn gập ghềnh và các chủ đầu tư thì thường lâm vào cảnh “trầy da tróc vẩy” bởi những rào cản và định kiến từ nhiều phía.
Mô hình Công viên nghĩa trang An Phúc Viên.
Mới đây nhất, dự án Nghĩa trang An Phúc Viên do Công ty CP Đầu tư An Phúc Viên đầu tư ở 2 xã Cương Sơn và Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động của đại đa số người dân.
Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư An Phúc Viên cho biết, tiếp nối thành công của Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên tại Hòa Bình, sau hơn 7 năm gắn bó với dự án này, ông đã nghiên cứu và mong muốn đầu tư một Dự án tương tự và thật sự văn minh, hiện đại, ở Bắc Giang.
Với kinh nghiệm sẵn có, ông ý thức được những khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này cũng như tạo được sự đồng thuận của người dân. Ngay từ đầu khi chưa bắt đầu xin chủ trương và lập quy hoạch, ông đã trực tiếp có những buổi tiếp xúc với Lãnh đạo của các thôn liên quan và 2 xã cũng như các cơ quan đoàn thể và người dân quan tâm. Doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo xin ý kiến ngay tại xã và sau đó tổ chức đoàn lên thăm quan trực tiếp Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên trên Hoà Bình. Toàn bộ đoàn thăm quan đều thấy ấn tượng và nhất trí cao với chủ trương Cty đầu tư tại địa phương mình. Sau đó Cty tiếp tục mời đoàn lãnh đạo huyện Lục Nam lên tham quan và cũng nhận được sự đồng thuận, nhất trí rất cao. Cty sau đó tiếp tục triển khai các bước xin chủ trương, khảo sát và lập quy hoạch cho Dự án.
Khi quy hoạch dự án và xin ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư thì đa số những hộ có đất đều đồng tình nhất trí cao, những hộ dân có đất thuộc dự án thuộc 3 thôn (thôn Vườn xã Cương Sơn, thôn Tè và thôn Kỳ Sơn xã Nghĩa Phương) ở 2 xã còn có đơn kiến nghị, từng hộ ký ủng hộ dự án, ở thôn Tè và thôn Kỳ Sơn là 30/33 hộ có đất đạt tỉ lệ 90%, ở thôn Vườn là 28/32 hộ, tuy nhiên một số khá hộ không có đất thì có ý kiến chưa đồng thuận.
Theo ông Trần Tuấn Anh thì để tuyệt đối người dân đồng thuận về bất kỳ một dự án, đặc biệt là dự án công viên nghĩa trang là điều khó xảy ra, đặc biệt khi người dân chưa hiểu đúng và đầy đủ về mô hình này. Ông cũng chia sẻ, khi làm một công viên Nghĩa trang thì yếu tố môi trường là yếu tố được nhà đầu tư chú trọng nhất, khi triển khai Dự án Lạc Hồng Viên tại Hòa Bình cũng vấp phải nhiều ý kiến trái triều của người dân, tuy nhiên thực tế Dự án đến nay đã hoàn toàn thay đổi quan niệm của người dân, người dân địa phương đã thấy những tác động tích cực trong vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm bền vững cũng như những yếu tố tích cực về cảnh quan, thân thiện với môi trường của Dự án.
Hình ảnh Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình).
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, từ vài năm nay cũng đã có một số nhà đầu tư đến nghiên cứu và tìm hiểu nhưng đều không đủ kinh nghiệm và tâm huyết trong lĩnh vực này. Khi Cty CP Đầu tư An Phúc Viên về và nghiên cứu mong muốn đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao các Sở, Ban, ngành tham mưu, nghiên cứu và thẩm định rất cẩn thận và kỹ các quy trình, thủ tục của nhà đầu tư trong việc khảo sát, lập quy hoạch cũng như các quy trình, thủ tục khác liên quan đến Dự án. Cẩn thận hơn nữa, cho dù không thuộc đất của Bộ Quốc phòng quản lý nhưng UBND tỉnh cũng đã có văn bản xin ý kiến của Quân khu 1, Bộ Quốc phòng về chủ trương này và Quân khu 1 ở Công văn 1844/BTL-TaC ngày 12/09/2016 cũng đã cho ý kiến và ủng hộ chủ trương này của tỉnh.
Thực tế, mỗi khi có dự án nghĩa trang ở đâu là xuất hiện tâm lý lo ngại về môi trường, về ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực. Tuy nhiên đến nay, những công viên Nghĩa trang như Lạc Hồng Viên ở Hòa Bình, Thiên Đức Vĩnh Hằng ở Phú Thọ hay An Lạc Viên ở Quảng Ninh… đã thực sự thay đổi cách nhìn của xã hội, nhiều người khi đến đây còn ngỡ ngàng vì công viên nghĩa trang thậm chí giờ đẹp hơn cả công viên cho người sống khi việc quy hoạch, quản lý và chăm sóc rất bài bản và chuyên nghiệp, rất thân thiện với môi trường.
Công viên nghĩa trang An Lạc Viên (Quảng Ninh).
Công viên nghĩa trang - mô hình cần được nhân rộng
Các chuyên gia nhận định việc quy hoạch những nghĩa trang văn minh hiện đại theo mô hình công viên rất cần được nhân rộng, cần sự quyết liệt và quan tâm hơn nữa của các địa phương và của cả Chính phủ bởi vì quy hoạch, xây dựng và quản lý các nghĩa trang theo hình thức văn minh hiện đại chính là cách bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm quỹ đất tốt nhất thay vì phong tục an táng lộn xộn tại nhiều địa phương như hiện nay. Xét về góc độ văn hóa tâm linh, nhiều ý kiến còn cho rằng, việc lo cho người đã khuất một nơi an nghỉ sạch sẽ, văn minh, hiện đại còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta vì ai trong mỗi chúng ta cũng có Ông Bà, Cha Mẹ và chính bản thân mỗi người đều chúng ta đều sẽ một ngày cần đến.
Quy hoạch dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên.
Theo đại diện chủ đầu tư dự án Nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, do phong tục tập quán của nhân dân từ lâu đời nên việc thay đổi tư duy nhận thức ngay là rất khó. Những công nghệ mới trong hoả táng theo tiêu chuẩn chất lượng, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản (hoàn toàn không mùi, không khói) đã nhập về Việt Nam không phải ai cũng biết. Xu thế chung nên phát triển hỏa táng vì hỏa táng rất sạch, tiết kiệm, văn minh, di chuyển rất dễ dàng. Nếu muốn thay đổi phải tư duy cấp cao xuống của cơ quan quản lý và được chỉ đạo quyết liệt.
Thiết nghĩ, để làm tốt được điều này cần sự chung tay và quyết liệt hơn nữa của toàn xã hội từ Trung ương đến các địa phương cũng như các đơn vị truyền thông giúp các doanh nghiệp hơn nữa trong việc định hướng, tuyên truyền và thay đổi cách nghĩ, quan niệm của người dân về một mô hình Công viên nghĩa trang văn minh, hiện đại như vậy, giúp Chính phủ cũng như các địa phương và doanh nghiệp trong thuận lợi hơn trong việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng những dự án rất văn minh hiện đại, nhân văn, ý nghĩa và thiết thực với nhu cầu của người dân như thế này.
Nghị định 35/2008/NĐ-CP của được Thủ tướng Chính phủ ký năm 2008 và sau này là nghị định 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ năm 2016 khuyến khích các doanh nghiệp xã hội hóa và đầu tư vào lĩnh vực nghĩa trang theo mô hình văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường, mô hình Công viên nghĩa trang đã và đang khẳng định là những mô hình văn minh và kiểu mẫu trong việc quy hoạch, xây dựng và quản lý nghĩa trang vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường sinh thái. |
Ninh Nhi
Theo