Chủ nhật 08/12/2024 10:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Xây dựng nền hành chính thống nhất, vững mạnh

08:50 | 03/07/2014

Việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm mục đích xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn, hợp lý, bảo đảm hoạt động hiệu quả...


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân  Phúc chủ trì Hội thảo cho ý kiến về đề án chính quyền đô thị TPHCM ngày 17/2/2014. Ảnh Lê Sơn

Chiều ngày 2/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Ban soạn thảo, các dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương là hai trong số các luật cần phải triển khai xây dựng sau khi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được xây dựng theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn, hợp lý. Tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ. Nâng cao năng lực dự báo ứng phó và giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh; hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch và những định hướng phát triển, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng ngành, từng cấp.

Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013, dự thảo làm rõ và nhấn mạnh chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất và thực hiện quyền hành pháp; cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc đề xuất, xây dựng, quyết định cơ chế, chính sách có tầm chiến lược, vĩ mô trong quản trị quốc gia.

Bảo đảm tính đồng bộ của cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, cải cách lập pháp, tư pháp; tính thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND.

Làm rõ tính độc lập và mối quan hệ giữa phân công, phối hợp, kiểm soát giữa Chính phủ với Quốc hội, với TAND, Viện KSND, các thiết chế nhà nước khác; mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, bảo đảm phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến định.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực một cách hợp lý, có tính đến yêu cầu thực tiễn để tổ chức một số bộ quản lý chuyên ngành.

* Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mục tiêu bao quát là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.

Quan điểm mà cơ quan soạn thảo căn cứ là việc bám sát, thể chế hoá các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013 về chính quyền địa phương. Qua đó, khắc phục những quy định dập khuôn, cứng nhắc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương hiện nay.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương gắn liền với các điều kiện bảo đảm; làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương.

Quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; xác định rõ tính thống nhất, gắn bó giữa HĐND và UBND cùng cấp chính quyền địa phương, phân định trách nhiệm tập thể UBND, trách nhiệm cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đoàn thể chính trị-xã hội và người dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Theo Lê Sơn (Chỉnh phủ)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load