Thứ bảy 18/01/2025 03:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Xây dựng chính sách hướng tới người dân

07:05 | 28/01/2014

(Xây dựng) - Một mùa xuân mới đang về trên khắp mọi miền đất nước, đem theo những khát khao, hy vọng mới. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với Báo Xây dựng về những việc đã làm được trong năm vừa qua cũng như những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Xây dựng đang thực hiện.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng ta phải xây dựng chính sách hướng tới người dân

Xin Bộ trưởng đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật nhất của ngành Xây dựng trong năm vừa qua?

Năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện thể chế liên quan tới đầu tư xây dựng như: Tập trung xây dựng các văn bản pháp luật, các Nghị định, đặc biệt là đã hoàn thành xong 3 dự thảo luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (BĐS) và đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội vào năm 2014.

Cùng với đó, Bộ tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, khắc phục những hạn chế thất thoát, nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng như tập trung trong công tác quản lý đô thị để khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào như trong thời gian.

Cùng với đó, Bộ tập trung để thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia, cụ thể hóa Chiến lược bằng những nghị định, chính sách để BĐS hướng tới người dân. Đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) để cải thiện nhà ở cho người những người khó khăn, thu nhập thấp.

Cá nhân Bộ trưởng thấy hài lòng nhất ở điểm gì?

Có thể nói rằng năm 2013, tôi hài lòng và phấn khởi trước sự vào cuộc rất quyết liệt của các công chức, viên chức, người lao động của ngành Xây dựng, đặc biệt là các cộng sự của tôi đã cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu đổi mới thể chế, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng và hướng những chính  sách của nhà nước để phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong một năm Bộ Xây dựng đã xây dựng khung 3 bộ Luật quan trọng là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cùng hàng loạt các Nghị định, được Quốc hội và dư luận xã hội đánh giá cao. Điều này sẽ tạo chuyển biến trong công tác quản lý đầu tư xây dựng như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Năm 2013 là một năm vẫn khó khăn, nhưng khó khăn cũng là thời cơ để chúng ta nhìn rõ những hạn chế, yếu kém của mình. Chúng tôi cũng xác định đây là thời cơ để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện chính sách.

Thực tế, chúng tôi đã làm xong nhiều nghị định rất quan trọng, trong đó có nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị, nghị định 15 về quản lý chất lượng xây dựng,  nghị định 188 về quản lý phát triển NƠXH, nghị định 64 về cấp phép xây dựng. Cùng với đó là hoàn thiện xong 3 dự thảo luật, gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Có thể nói, đây là bước đổi mới hết sức quan trọng để khắc phục tư tưởng thị trường hóa cũng như tư tưởng nhà nước hóa trong quá trình xây dựng pháp luật. Đây là bước cụ thể hóa quan điểm của đảng, nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong đó vừa coi trọng thị trường, nhưng phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát quá trình phát triển, đặc biệt là quá trình phát triển đô thị, quá trình đầu tư xây dựng, cũng như quá trình phát triển nhà ở để đảm bảo khắc phục được những thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và hướng những sản phẩm BĐS đến với người dân, để khắc phục những lệch pha về cung cầu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS…


Thị trường BĐS Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi tích cực, được báo chí nước ngoài đánh giá đã “thoát đáy”, “hạ cánh mềm”. (Ảnh: Vũ Anh Minh)

Đổi mới trong việc xây dựng chính sách còn là để quá trình đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nhà ở cũng như xây dựng phải theo quy hoạch, có kế hoạch và khắc phục tình trạng tự phát, phong trào dẫn đến những dự án treo, quy hoạch treo, đầu tư dàn trải, nợ đọng đầu tư xây dựng, thừa nhà ở cao cấp thiếu nhà giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân… Đây thực sự là những đổi mới quan trọng.

Cùng với đó là yêu cầu các cơ quan, đặc biệt là chính quyền các cấp vào cuộc để đưa những chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở trở thành những chỉ tiêu pháp lệnh, tức là phải kế hoạch hóa quá trình quản lý đầu tư và phát triển từ đó thực hiện đầu tư bằng các nguồn lực phù hợp với khả năng thanh toán của nền kinh tế, khả năng của mỗi địa  phương, mỗi cơ quan.

Khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng từng chia sẻ không có tiền để cho dân nhưng sẽ xây dựng thể chế và chính sách để người dân nghèo được tiếp cận nhà ở. Tâm nguyện này Bộ tưởng đã thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?

Đúng vậy, với trách nhiệm là cơ quan chính phủ thì không thể lấy tiền ở đâu để cho người dân được mà chúng ta phải xây dựng chính sách hướng tới người dân, chẳng hạn như chính sách về phát triển nhà ở thì lần đầu tiên chúng ta thực hiện một quan điểm mới là phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân.

Trong đó, nhà nước phải xây dựng các chính sách, đồng thời phải có những hỗ trợ phát triển nhà ở, thay vì nhà ở chỉ phát triển theo nguyên tắc thị trường.

Trong chiến lược nhà ở, đặc biệt là trong nghị định 188 cụ thể hóa chiến lược nhà ở đã khẳng định phải phát triển 2 loại nhà ở: Nhà ở thị trường để đáp ứng nhu cầu cho những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường; đồng thời phát triển NƠXH có sự hỗ trợ của nhà nước về tiền sử dụng đất, về chính sách tín dụng, giảm thuế VAT… những chính sách này đi vào cuộc sống thì những người đủ tiêu chuẩn mua NƠXH sẽ được giảm khoảng 30 - 40% giá trị của ngôi nhà mà  mình được tiếp cận.

Như vậy là Nhà nước đã hỗ trợ bằng chính sách cho người dân 30 - 40% trong nguồn kinh phí mà người dân phải bỏ ra. Từ đó tạo ra sự bình đẳng, minh bạch và những ai đủ điều kiện thì sẽ được tiếp cận với NƠXH, góp phần quan trọng giúp người dân cải thiện chỗ ở, đem lại cuộc sống có chất lượng hơn, phát triển nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Thị trường BĐS Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi tích cực, được báo chí nước ngoài đánh giá đã “thoát đáy”, “hạ cánh mềm”, trong khi những nền kinh tế mạnh trên thế giới không thiếu tiền nhưng đành “bó tay” nhìn thị trường nhạy cảm này sụp đổ. Chọn cách giải cứu thị trường bằng các chính sách linh hoạt và hợp lý có phải là một thành công rất lớn của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Đối với các nước giàu, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, họ sẽ dùng tiền để mua lại BĐS đang dư thừa, sau đó cho người dân thuê hoặc bán lại khi thị trường ấm lên.

Đối với Việt Nam, chúng ta còn nhiều khó khăn, không có ngân sách để cứu BĐS nhưng chúng ta có các giải pháp đồng bộ để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, và chính sách này mất ít tiền nhất nhưng hiệu quả cao nhất như chúng ta đang làm.

Chúng ta đã dùng hệ thống các giải pháp đồng bộ nhưng với quan điểm hết sức quan trọng, gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với việc việc thực hiện chiến lược nhà ở và quản lý phát triển đô thị. Tức là chúng ta phải hướng sản xuất BĐS có quy hoạch, kế hoạch thay vì phát triển tự phát phong trào như trong thời gian vừa qua.

Mặt khác BĐS phải hướng đến người dân, có ý nghĩa nhân văn, chứ không phải những nhà đầu tư BĐS làm ra sản phẩm nhưng chỉ phục vụ được một bộ phận nhỏ, còn đại đa số người dân còn rất thiếu nhà.

Chúng ta phải tăng cường quản lý nhà nước, yêu cầu giảm cung nhà cao cấp, tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân để khắc phục lệch pha về cung cầu BĐS như trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta tập trung phát triển NƠXH. Đây là một chính sách đúng đắn, cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội để hướng đến người dân, để người dân cải thiện nhà ở, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Chúng ta phát triển NƠXH trong các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cũng chính là tăng cầu cho nền kinh tế. Do đó, góp phần giải quyết khó khăn cho các ngành vật liệu xây dựng, thép, nội thất, điện… góp phần làm ấm trở lại nền kinh tế, người dân sẽ có thu nhập cao hơn, khá giả hơn, họ sẽ quay trở lại mua nhà ở thương mại. Một việc làm nhưng thực hiện nhiều mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu vì con người, vì người dân.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Vân Anh (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load