Thứ sáu 29/03/2024 19:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long: Chờ khơi thông

14:56 | 18/09/2022

Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.180km đường bộ cao tốc, đây sẽ là động lực giúp các địa phương "cất cánh."

xay dung cao toc o dong bang song cuu long cho khoi thong
Trên công trường dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết xác định "ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải…" Đây là cơ sở để hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trong vùng được ưu tiên triển khai và là động lực giúp các địa phương "cất cánh."

Doanh nghiệp mong mỏi

Theo Nghị quyết 13-NQ/TW, đến năm 2030 sẽ hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bắc-Nam phía Tây, Thành phố Hồ Chí Minh- Sóc Trăng, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, Hồng Ngự-Trà Vinh. Như vậy đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.180km đường bộ cao tốc.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải Thương mại Giáp Diệp (Cà Mau) chia sẻ tuyến cao tốc kết nối các địa phương luôn là ước mơ đối với người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2010, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đã giải phóng con đường độc đạo Quốc lộ 1 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi miền Tây nhưng đến nay đã xuống cấp, quá tải và thường xuyên bị ùn tắc.

"Bình quân, đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì chi phí xăng, dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Có thể thấy, khi một phương tiện của doanh nghiệp khi bị ùn tắc trên cao tốc thì không chỉ thời gian chậm trễ mà chi phí xăng dầu sẽ tăng lên, từ đó chi phí vận hành của doanh nghiệp phải bỏ ra cũng lớn hơn. Đó là chưa kể đến hiện nay tuyến cao tốc chỉ 2 làn xe, tốc độ di chuyển cho phép khá chậm… trong khi phí cao tốc vẫn chưa có sự ưu đãi cho doanh nghiệp," bà Diệp phân tích.

Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nam Bộ giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 12% vào 2018; Đông Nam Bộ từ 37% xuống còn 32% năm 2018. Hai khu vực này được xem là đầu tàu kinh tế nhưng lại phát triển chậm hơn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng việc thiếu đường cao tốc cũng khiến cho kinh tế đi chậm lại.

Tiến sĩ Dương Như Hùng (Trường Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, quá trình phát triển hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam đã được cải thiện thời gian qua nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới còn thua xa. Vì thế, doanh nghiệp sẽ bất lợi hơn trong cạnh tranh, nhất là về chỉ tiêu logistics.

Riêng chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% là mức cao hàng đầu trên thế giới nên doanh nghiệp xuất khẩu kém cạnh tranh. Ước tính, khi chi phí vận chuyển giảm 1% thì nhà xuất khẩu sẽ tăng thị phần lên từ 5-8%. Như vậy, cải thiện hệ thống giao thông vận tải sẽ giúp lưu thông hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều.

Thời gian qua, Tập đoàn Trung Nam đã hoàn thành đầu tư 2 dự án điện lớn tại tỉnh Trà Vinh. Các dự án năng lượng đòi hỏi tiến độ đầu tư rất "căng" nên cả tập đoàn đã dồn toàn lực về miền Tây. Quá trình triển khai dự án đi qua nhiều tỉnh, thành đã bộc lộ rõ thực trạng.

Theo ông Đỗ Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, dù có nhiều lợi thế để triển khai các dự án năng lượng nhưng giao thông chính là nút thắt khiến việc thu hút các nhà đầu tư cực kỳ khó khăn. Khi vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng trên quốc lộ, các đường cong, cua trên các công trường, làm gia tăng chi phí lớn cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận thấy, nếu có thể hoàn thành các dự án giao thông theo đúng quy hoạch và tiến độ, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội, tiết kiệm nhiều chi phí khi đầu tư các dự án năng lượng, công nghiệp, xuất nhập khẩu... đem lại nhiều nguồn lực đến với các tỉnh miền Tây.

"Nhà đầu tư khi quyết định rót vốn vào bất cứ dự án nào cũng phải tính phương án để có lời. Các cao tốc nội vùng và hạ tầng kết nối rất quan trọng để nhà đầu tư nhìn thấy trong tương lai bài toán có lời. Hạ tầng kết nối không đưa vào kịp tiến độ thì nhà đầu tư rất khó để xây dựng phương tài chính," ông Đỗ Văn Kiên chia sẻ.

Địa phương "sốt sắng"

Là một trong 4 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm vùng, Cà Mau đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

xay dung cao toc o dong bang song cuu long cho khoi thong
Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau thông tin, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Cà Mau ưu tiên đầu tư các dự án có tính liên kết, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế như cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, Cảng Hòn Khoai và cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi…

Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ sử dụng khoảng từ 30-40% tổng vốn đầu tư công của tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Cà Mau xác định, vốn ngân sách Trung ương sẽ được bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm, kết nối, lan toả đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đó là tuyến cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau; tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 2) kết nối cao tốc Cần Thơ-Cà Mau; xây dựng mới tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến mũi Cà Mau… Cùng với đó, tỉnh đề xuất với Trung ương sớm đầu tư tuyến cao tốc Cà Mau-Đất Mũi.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho rằng các dự án hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là chưa có giao thông đường bộ tốc độ cao. Trong bối cảnh đó, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau khi hoàn thành trong thời gian tới sẽ có sức lan tỏa cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh cho khu vực, trong đó có Cà Mau.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó kết nối Cần Thơ với Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau, được kỳ vọng sớm đưa vào khai thác giúp kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau thuận lợi.

Tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau là một thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, có chiều dài 109km, tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Tuyến đi qua 5 địa phương là thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Riêng đoạn Cần Thơ-Hậu Giang có tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng, kết nối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước, giúp vận tải hành khách và hàng hóa được nhanh chóng, tiện lợi, an toàn.

Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng 0,6km tuyến chính cao tốc và 9,6km tuyến nối, đạt 100% cho địa phương. Theo kế hoạch, các địa phương đảm bảo đúng tiến độ trong tháng 11 bàn giao khoảng 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho rằng hiện tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang từng bước hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương có dự án đi qua và cả vùng. Khi được đưa vào sử dụng toàn tuyến, sẽ giúp giảm nhiều chi phí vận tải.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện còn một dự án cao tốc khác là Châu Đốc-Cần Thơ- Sóc Trăng đang được triển khai. Dự án có chiều dài hơn 188km, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/ giờ. Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng. Hiện Cần Thơ đã bố trí ngân sách 1.061 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng.

Đây là tuyến phục vụ nhu cầu vận tải tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm thành phố lớn Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các cửa khẩu dọc biên giới. Tuyến này cũng đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 91, đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực.

Quy hoạch đã cơ bản đầy đủ, nguồn vốn cũng được bố trí. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cũng quyết tâm triển khai xây dựng. Các chuyên gia cũng chỉ ra, để khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc và sớm phát huy hết thế mạnh của vùng, việc đầu tư xây dựng các dự án cần "tăng tốc" và đồng bộ theo quy hoạch trong giai đoạn tới./.

Theo Tiến Lực-Huỳnh Anh-Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load