Hiện nay Hà Nội đang phải đối mặt với những bức xúc về áp lực hạ tầng đô thị, trong đó những bãi đỗ xe công cộng là một vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Việc thiếu những bãi đỗ xe công cộng đã kìm hãm sự phát triển về nhiều mặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Dư luận người dân đang quan tâm tới các dự án trong công viên được thành phố phê duyệt
Mới đây UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 4968/QĐ-UBND phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ĐX1 trong CV Thống Nhất. Tuy nhiên sau khi văn bản của thành phố được phê duyệt, đã có nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này, trong đó đáng chú ý tới việc nếu không kiểm soát kỹ dự án, sẽ có hiện tượng biến tướng và đi ngược với mục đích ban đầu của nó.
Gian nan bài toán thực trạng
Thiếu bãi đỗ xe đã trở thành nỗi “ám ảnh” của rất nhiều người dân Hà Nội. Đây cũng là bài toán nan giải đối với ngành giao thông. Tại hầu hết các khu đô thị, khu nhà tập thể cũ, do chưa tính đến điều này nên bãi đỗ xe ô tô bị thiếu trầm trọng, trong khi các khu thương mại, khu chung cư hiện đại mới xây dựng thì việc quy hoạch bãi đỗ xe lại chưa được thực hiện triệt để.
Theo thống kê, Hà Nội có gần 320.000 xe ô tô các loại, khoảng 1,5 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, xích lô. Trong khi, chỉ có khoảng 134 điểm đỗ xe với tổng diện tích khoảng 258.890m2, cho phép đỗ trên 7.000 xe, trong đó 7 bến đỗ xe trong khuôn viên được xây dựng theo quy hoạch ổn định, với tổng diện tích là 185.250m2, chứa khoảng 2.800 xe. 127 điểm đỗ xe trên hè phố, đất lưu không với diện tích 73.639m2, chứa khoảng 4.500 xe. Khoảng 15 bến, bãi đỗ xe khách nội tỉnh và xe khách liên tỉnh với quy mô 1,15 ha.
Ngoài ra, có khoảng 150 điểm trông giữ xe của các cơ quan tận dụng các diện tích như sân trường, bệnh viện, hầm ngầm của các khách sạn lớn, nhà chung cư... Như vậy, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ chiếm khoảng 0,72% quỹ đất xây dựng đô thị (5.676 ha), nếu tính cho đất nội thị (8.438 ha) thì chỉ chiếm 0,48%. Đặc biệt khi Nghị định 34/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được triển khai thực hiện quyết liệt, những vi phạm về dừng, đỗ xe sai quy định bị xử lý nặng khiến người trong cuộc luôn khóc dở mếu dở bởi đi đâu hỏi cũng hết chỗ gửi xe, trong khi để xe dưới lòng đường thì bị phạt.
Về vấn đề này, Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, và nhận được hàng nghìn ý kiến góp ý từ các chuyên gia về việc tổ chức lại hạ tầng cho thủ đô, nhưng xem ra để giải quyết được bài toán bãi đỗ xe này vẫn còn lắm khó khăn. Trước tình trạng thiếu điểm đỗ, bãi trông giữ xe, mới đây Sở GTVT đã trình UBND thành phố Hà Nội kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT giai đoạn 2011-2015. Theo đó, 5 năm tới, thành phố sẽ triển khai xây dựng khoảng 50 bãi đỗ, trông giữ xe theo phương thức xã hội hóa, với tổng kinh phí 926 tỷ đồng, tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông thêm từ 0,3-0,5%/năm để đạt 8,5%-9% vào năm 2015.
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự kiến sắp tới sẽ có 12 bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép kết hợp cơ giới hóa được đầu tư xây dựng. Giai đoạn đầu chủ yếu triển khai tại các công viên, vườn hoa như công viên Nghĩa Đô, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ, Bách Thảo, Cổ Tân, Lý Tự Trọng… Đặc biệt, sẽ nghiên cứu xây dựng 5 bãi đỗ xe ngầm tại một số địa điểm trong trung tâm thành phố do thiếu mặt bằng làm nơi đỗ xe như vườn hoa Vạn Xuân, triển lãm Vân Hồ, triển lãm Giảng Võ…
Hạ tầng ngầm còn bỏ ngỏ!
Mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký văn bản số 4968 phê duyệt dự án xây bãi đỗ xe trong công viên CV Thống Nhất nằm ở vị trí tiếp giáp phố Trần Nhân Tông. Theo Quyết định của UBND thành phố sẽ cho phép thực hiện việc chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp nổi với diện tích nghiên cứu khoảng 2.384m2. Tổng mức đầu tư dự kiến 166 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2013-2015.
Trước đó, ngày 26/7/2012Sở QH - KT Hà Nội cũng đã có công văn số 2166/QHKT-P7 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tới Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội về việc đầu tư xây dựng dàn thép đỗ xe công cộng trong công viên Thống Nhất.
Tuy nhiên hiện nay, do quỹ đất dành cho công viên cây xanh ở Hà Nội còn rất ít so với các đô thị phát triển trên thế giới nên khi biết UBND thành phố Hà Nội phê duyệt bãi đỗ xe trong CV Thống Nhất, nhiều kiến trúc sư, chuyên gia đô thị rất bất ngờ. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Nếu bãi đỗ xe trong CV Thống Nhất được đặt vào thế bất khả kháng thì nên xây ngầm hoàn toàn. Cũng theo ông Nghiêm, hai tầng nổi, đặc biệt là tầng 2 chỉ để làm dịch vụ là không cần thiết, để không ảnh hưởng đến diện tích cây xanh nên bỏ hai tầng nổi.
Ông Trần Văn Hùng, Cán bộ hưu trí, TCty đường sắt Việt Namcho biết: Sau khi nghỉ hưu công viên là nơi tôi thường đến để tập luyện thể dục, mấy hôm nghe đài báo phản ánh về việc xây dựng bãi đỗ xe trong công viên tôi rất quan tâm. Theo tôi việc xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu người dân là thiết thực, tuy nhiên Nhà nước cần bàn tính việc này cho hợp lý để các dự án được phê duyệt không bị “biến tấu” làm hỏng những công viên đẹp hiện nay.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Namcho rằng: Nếu dự án được phê duyêt, dù xây cái gì đi chăng nữa thì phải dựa trên quy hoạch ngầm. Hiện nay, Hà Nội chưa có quy hoạch ngầm, vì vậy cần sớm triển khai. Nếu bãi đỗ xe được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt là xây dựng ngầm thì có thể, còn làm nổi thì cực lực phản đối. Không thể vì nhóm lợi ích riêng mà đánh mất đi lợi ích chung của cộng đồng được. Cách đây vài năm, một số đề án xây dựng khách sạn ngay gần cổng công viên đã không được người dân chấp thuận, nếu bãi xe này xây nổi thì không được, nhất quyết không được xâm phạm tới công viên.
Cũng theo ông Liêm thì, hiện nay CV Thống Nhất cũng đã bị xâm lấn như khu vực cổng Rạp xiếc bởi hàng quán, lâu ngày sẽ bị biến tướng, xây dựng bán kiên cố, rồi kiên cố làm mất cảnh quan vốn có…Đề nghị Bộ Xây dựng, Cục phát triển đô thị nên có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai xây dựng bãi đỗ xe trong công viên.
Được biết, tuy đã chấp thuận dự án, nhưng về phương án xây dựng, trong quyết định phê duyệt số 4968, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội cần xây dựng cơ chế đầu tư, quản lý thực hiện dự án; báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định cuối cùng.
Nguyên giám đốc Sở QHKT Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm: Vẫn biết rằng nhu cầu bãi đỗ xe của Hà Nội hiện nay rất bức thiết nhưng không gian xanh cho Thủ đô còn đáng ngại hơn. Đừng bỏ mối lo cũ mà đổi bằng hiểm họa mới. Xây bãi đỗ xe có thể giải quyết một phần bài toán điểm đỗ xe nhưng nó sẽ gây hậu quả lâu dài về sau. Mọi người đều biết rằng, Công viên Thống Nhất được ví như “lá phổi xanh” của Thủ đô, là không gian dành cho cộng đồng. Vì thế, hiệu quả của nó không tính bằng kinh tế mà là hiệu quả xã hội lâu dài. |
Vũ Chiến
Theo baoxaydung.com.vn