Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khi nói về lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo đó, sau khi thực hiện tái cơ cấu, từ 1.300 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này sẽ đủ mạnh để cạnh tranh và trở thành lực lượng quan trọng góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.
Cũng theo ông Hải, 2 Bộ có số lượng DNNN nhiều nhất hiện nay là Bộ GTVT và Bộ Công thương. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút thẩm định Đề án tái cơ cấu trong khi Bộ Công thương cũng đang rà soát các DNNN trực thuộc và đẩy nhanh quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, tại Bộ GTVT việc đẩy nhanh đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thẩm định lần cuối Đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Ngoài ra Bộ này cũng phải tái cơ cấu các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ngành GTVT trước 2015.
Trong khi tại Bộ Công Thương, tính đến tháng 7/2012 đã có 18 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 13 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đại diện Bộ Công Thương làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước. Tiếp đến giai đoạn 2012-2015 và đến 2020, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ sẽ tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính gồm: dầu khí, xăng dầu, điện lực, than, khoáng sản, thép, hoá chất, giấy, dệt may, công nghiệp thực phẩm, thuốc lá, rượu bia, nước giải khát.
Riêng các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc nhóm 100% vốn nhà nước, bao gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.... sẽ tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức và tái cấu trúc tài chính, nhân sự nhằm nâng cao vai trò các đơn vị này.
Đặc biệt các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc nhóm có trên 85% vốn nhà nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) , Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) và và đối với các Tập đoàn, TCty có 65-75 % vốn nhà nước nắm giữ như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), TCty Giấy Việt Nam, TCty Máy, thiết bị công nghiệp, TCty Máy, thiết bị nông nghiệp sẽ tiến hành các giải pháp tái cấu trúc trước khi cổ phần hoá hoặc cổ phần hoá từng phần trước 2015.
Theo ông Lê Hoàng Hải, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án tái cấu trúc thành phần nhằm cụ thể hoá việc triển khai thực hiện cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, sau khi thực hiện tái cơ cấu, từ 1.300 DNNN sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này sẽ đủ mạnh để cạnh tranh và trở thành lực lượng quan trọng góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.
(eFinance Online)
Theo baoxaydung.com.vn