(Xây dựng) - Ngày 28/10, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi).
Vị trí xây dựng cầu đường sắt mới đã tìm được tiếng nói chung khi có tới 9/15 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cơ bản đồng thuận với phương án chọn mà đơn vị tư vấn đề xuất. Các chuyên gia cũng cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến đã cho thấy sự cầu thị, trách nhiệm của thành phố Hà Nội.
Nghiên cứu nhiều phương án
Vấn đề vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án ĐSĐT Yên Viên-Ngọc Hồi đã từng được nghiên cứu nhiều lần, thậm chí đã từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách cầu Long Biên khoảng 200m về phía thượng lưu. Trong nghiên cứu của JICA (đã được UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT thống nhất), vị trí được xác định cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 186m.
Và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhất thiết phải giữ nguyên cầu Long Biên. Với cầu ĐSĐT vượt sông Hồng, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT phải chọn phương án tối ưu.
Tại buổi họp lấy ý kiến ngày 28/10, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TCty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đưa ra 3 phương án. Theo đó, phương án 1: Tim cầu đường sắt cách tim cầu 30m về phía thượng lưu. Tuy nhiên, khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) các hộ dân khu phố cổ rất lớn (1.110 hộ dân với tổng cộng 36.166m2). Bên cạnh đó, việc xây dựng cầu ĐSĐT ngay sát cầu Long Biên sẽ rất khó tổ chức giao thông đô thị tại nút giao hai đầu cầu.
Phương án 2: Tim cầu ĐSĐT cách tim cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu. Vị trí này đủ xa để có thể nghiên cứu về kiến trúc cầu tạo điểm nhấn cho toàn khu vực mà không chịu tác động kiến trúc từ cầu Long Biên.
Tuyến này mặc dù không ảnh hưởng nhiều tới phố cổ nhưng khối lượng GPMB khu phố mới rất lớn, đặc biệt là khu vực từ đường Quán Thánh tới đường Nguyễn Trung Trực và khu vực ngoài đê thuộc bãi Phúc Xá (phải GPMB 916 hộ dân với 43.776m2). Phương án này có chi phí cao nhất về xây lắp và GPMB.
Phương án 3: Tim cầu ĐSĐT cách tim cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Vị trí cầu đủ xa để giảm bớt ảnh hưởng kiến trúc từ cầu Long Biên cũng như không bị vướng mắc do thi công 2 cầu cạnh nhau. Tuyến này có những đoạn đi mới trên đường Phùng Hưng và đường Hàng Đậu.
Qua nghiên cứu, khối lượng GPMB chủ yếu tập trung vào đoạn chuyển từ đường Phùng Hưng sang đường Hàng Đậu tại đúng ranh giới phía bắc của khu phố cổ và đoạn ngoài đê từ chợ Long Biên tới bờ sông. Các công trình bị ảnh hưởng cũng chủ yếu là công trình xây mới và trụ sở cơ quan công an, nhà hàng, khách sạn. Chi phí GPMB thấp nhất do chỉ phải di dời 707 hộ dân với tổng cộng 30.282m2.
Ngoài 3 phương án nói trên, TEDI cũng nghiên cứu thêm phương án xây dựng cầu ĐSĐT kẹp 2 bên cầu Long Biên và phương án xây dựng hầm ngầm dài. Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Sơn nhấn mạnh: Phương án 3 là khả thi nhất.
9/15 ý kiến cơ bản đồng thuận
Buổi hội thảo có đông đảo đại diện các bộ, ngành Trung ương, hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Qua tổng hợp, trong số 15 ý kiến tham luận có tới 9 ý kiến cơ bản đồng thuận, tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý thêm một số điều kiện đi kèm để hoàn chỉnh phương án này, trong đó đặc biệt phải hạn chế ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc cầu Long Biên và phương án thiết kế kiến trúc cầu mới phải hài hòa với cảnh quan cầu Long Biên và khu phố cổ.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ tán đồng phương án 3, song cũng lưu ý các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các bước tiếp theo quan tâm hạn chế tác động đến 2 đầu cầu và cảnh quan chung của cầu Long Biên. Về giao thông phải bảo đảm thông thủy, bảo đảm tất cả yếu tố của hiện tại và tương lai. Bảo tồn phải bảo đảm phát triển.
Cũng đồng thuận với phương án 3 song GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia đề nghị phía chân cầu phải làm thấp xuống để không làm ảnh hưởng đến dáng vẻ cầu Long Biên.
Trong phần phát biểu của mình, GS.TS Lã Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ Bộ GTVT khẳng định bỏ phiếu cho phương án 3 và đề nghị làm sớm.
Ông Khuê nhấn mạnh phải làm nhanh, làm sớm, bàn quá nhiều thì chậm chân rất nhiều. Di sản lớn nhất mà người Pháp để lại cho Hà Nội nói riêng và Bắc Kỳ nói chung là hệ thống đường sắt. Đến nay chúng ta chưa làm được gì nhiều cho đường sắt hơn người Pháp. Nên phải ưu tiên tuyến ĐSĐT số 1 này. Tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi không chỉ cho ga Yên Viên, ga Ngọc Hồi mà khớp nối tất cả các tuyến đường sắt khu vực phía Bắc. Tương lai đây sẽ là đòn gánh gang mạng lưới giao thông công cộng cho phía Bắc.
GS sử học Phan Huy Lê, KTS Nguyễn Lân (nguyên KTS trưởng thành phố Hà Nội), KTS Tô Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) dù chưa đồng thuận với phương án 3 nhưng nhấn mạnh phương án 1 là không thể và kiến nghị cơ quan chức năng xem xét kết hợp những ưu điểm của phương án 2 và 3.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đã đóng góp cho một trong những dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Thủ đô và đất nước. Một lần nữa, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh tới 7 nguyên tắc cho việc nghiên cứu các phương án vị trí và kết cấu cầu cho tuyến ĐSĐT số 1 qua sông Hồng.
Cụ thể là phải hạn chế ảnh hưởng nhất tới cầu Long Biên hiện hữu cả về kết cấu và cảnh quan kiến trúc; hạn chế ảnh hưởng nhất tới khu vực phố cổ, phố cũ và các công trình văn hóa được xếp hạng; hạn chế tối đa việc GPMB nhà, di dời dân; thuận tiện cho việc kết nối giao thông công cộng; hạn chế ảnh hưởng tới thông thuyền và thoát lũ trên sông Hồng; không thay đổi nhiều hướng tuyến ĐSĐT số 1 so với tuyến đường sắt quốc gia hiện tại; bảo đảm tính kinh tế. Thành phố sẽ cùng Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện phương án một cách khả thi nhất.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam Nhiều Thủ đô trên thế giới có cầu đi bộ, rất quan trọng với một thành phố có con sông chạy qua. Vừa qua, một KTS nổi tiếng người Pháp đã lựa chọn 24 cầu đẹp nhất thế giới hiện tại để đề xuất làm cầu đi bộ, trong đó có cầu Long Biên của Hà Nội. Đây là một ý tưởng tốt để chúng ta nghiên cứu phát triển tiếp. |
Lê Mỹ
Theo